Trẻ con thường hiếu động, đôi khi chúng có những hành vi sai trái mà bản thân chúng lại không nhận ra để tiết chế sửa đổi. Là cha mẹ của trẻ, phụ huynh có trách nhiệm dạy dỗ, bảo ban con mình. Nhất là khi con có những hành động vượt quá quy chuẩn về lễ nghĩa, đạo đức thì phụ huynh càng phải nghiêm khắc. Điển hình như 4 hành vi xấu dưới đây:

1. Trẻ không tôn trọng người lớn tuổi

Người Việt chúng ta luôn coi trọng đạo đức hơn tài năng. Vì đó là cốt lõi con người. Con trẻ như tờ giấy trắng cần được cha mẹ dạy dỗ sự lễ phép, tôn trọng người khác.

Khi đứa trẻ không biết chào hỏi người lớn, thường xuyên nói trống không hoặc ra lệnh cho người lớn tuổi hơn mình, cha mẹ nên nghiêm khắc dạy dỗ con. Đồng thời phụ huynh hãy giải thích cho trẻ tại sao chúng ta cần lễ phép, tôn trọng người lớn tuổi. Việc tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình. Chả có cha mẹ nào cảm thấy vui vẻ khi con bị đánh giá là không có phép tắc, không có lễ phép, đúng không?

Dạy con lễ phép với mọi người không chỉ là vấn đề giáo dục trong gia đình mà điều này còn ảnh hưởng đến tính cách, đạo đức của con sau này. Phụ huynh có thể rèn luyện sự lễ phép, vâng lời của con bằng cách dạy trẻ chào hỏi người lớn. Khi còn nhỏ, có thể trẻ em sẽ thấy việc chào hỏi mọi người chưa có ý nghĩa gì, nhưng khi lớn lên các con sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc chào hỏi. Lời chào sẽ giúp mọi người vui vẻ, quý mến và gần gũi nhau hơn. Chào hỏi lễ phép là biểu hiện của sự tôn trọng. Ngoài ra, để giáo dục trẻ tôn trọng người khác, cha mẹ cũng nên làm gương.

2. Trẻ đe dọa để bố mẹ làm theo ý mình

Đây cũng là trường hợp không ít các bậc cha mẹ gặp phải. Khi phụ huynh quá nuông chiều và dễ "đầu hàng" với sự đòi hỏi của trẻ, chúng rất nhanh học được sự ra điều kiện với người lớn. Ví dụ như trẻ đòi mẹ mua đồ chơi, khi không được đồng ý, con nhất quyết không ăn cơm để ép mẹ phải mua cho mình bằng được.

Hành vi này của trẻ cần chấn chỉnh lại ngay. Nếu cha mẹ càng dễ thỏa hiệp với trẻ thì con sẽ dần hình thành tính cách ương bướng, đành hanh. Khi gặp trường hợp này, phụ huynh cần kiên quyết, thể hiện thái độ không hài lòng và giải thích cho con vì sao không đáp ứng nhu cầu của trẻ. Nếu không ngăn chặn tình trạng này, khi lớn lên trẻ sẽ trở thành người ích kỷ, bất mãn, không biết tốt xấu, luôn muốn mọi người phải theo ý mình.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên bỏ thói quen hứa hẹn với trẻ. Ví dụ như "Con ăn cơm đi, mẹ sẽ mua áo mới cho"... Những hành động như thế này sẽ rất nhanh dạy trẻ học được cách ra điều kiện.

3. Trẻ làm tổn thương người khác

Trẻ con thường thích làm theo ý mình và không quan tâm đến cảm nhận của người khác. Đặc biệt là trong nhóm bạn của con. Khi chúng cùng thích một món đồ chơi nào đó, các con thường tranh giành và không ngại làm tổn thương nhau. Lúc này, phụ huynh cần làm trọng tài công tâm giữa các con. Đặc biệt cần nghiêm khắc trước hành vi làm tổn thương người khác của trẻ. Hành vi này có thể là lời nói và cả hành động.

Không chỉ vậy, nhiều đứa trẻ con tỏa ra hả hê, thích thú trước sự đau khổ, nỗi buồn của người khác… Ví dụ như trong xóm có 1 bé không có bố, con thường lấy sự thiệt thòi của bạn đó để trêu chọc, mỉa mai. Đây là 1 hành vi đáng sợ, báo hiệu tính cách vô cảm, dần dần không cảm nhận được những cảm xúc cơ bản của con người. Vì vậy, cha mẹ cần chấn chỉnh trẻ nghiêm túc và dành thời gian bên cạnh, quan tâm, chia sẻ với trẻ nhiều hơn.

photo-1-16649535653921700146467.jpg

4. Trẻ xem mình là "trung tâm của vũ trụ"

Trẻ nhỏ thường được ưu ái nhất nhà. Vì thế không ít bé cảm thấy đó là điều hiển nhiên, cho mình là nhất, cho rằng mọi người phải vì mình. Tình trạng này lâu dần liền biến thành tính ích kỷ, không biết chia sẻ, cảm thông với người khác.

Nếu như thấy con mình có nhiều hành vi thể hiện bản thân là "trung tâm của vũ trụ" như con hay đòi hỏi quá đáng, hay khóc ăn vạ, hay ra lệnh, không chịu sẻ chia cho người khác... phụ huynh phải lập tức giáo dục trẻ, giải thích cho trẻ hiểu, dạy bé sửa lại hành vi và nhận thức cho đúng đắn. Nếu không, cứ như vậy mà trưởng thành thì sau này trẻ sẽ khó mà hòa nhập xã hội, hoặc sẽ gặp nhiều khó chịu trong cuộc sống.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022