Khi Đại học Sư phạm Hà Nội thông báo cho tân sinh viên đăng ký ở nội trú hồi cuối tháng 9, Huyền, ở Hải Dương, cũng tham gia nhưng không được. "Chỗ ở hết sạch chỉ sau vài phút", Huyền nói.
Theo Tổng cục thống kê, năm 2020 cả nước có 1,9 triệu sinh viên, tập trung đông nhất ở Hà Nội với gần 629.000 và TP HCM gần 600.000 sinh viên. Riêng Hà Nội có khoảng 70 cơ sở đào tạo tuyển sinh trình độ đại học tập trung ở các quận nội thành. Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng là những khu vực có nhiều trường đại học nhất. Ở quận Cầu Giấy, nơi Huyền đang tìm phòng trọ có 13 trường đại học, dự kiến đón gần 26.000 tân sinh viên sau mùa tuyển sinh 2022.
Tuy nhiên, tổng số chỗ ký túc xá của nhiều trường đều thấp hơn so với số tuyển sinh mới.
Đại học Quốc gia Hà Nội bố trí chỗ ở cho sinh viên một số trường thành viên ở hai ký túc xá thuộc quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm. Trong đó, ký túc xá Ngoại ngữ có 1.793 chỗ ở, ký túc xá Mỹ Đình có 2.328 chỗ ở (dành cho sinh viên nhiều trường khác). Tuy nhiên, năm nay, năm trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội ở khu vực này là Ngoại ngữ, Kinh tế, Công nghệ, Luật, Y Dược tuyển sinh mới gần 6.000 chỉ tiêu, chưa kể số sinh viên các năm trước và sinh viên nước ngoài.
Tương tự, Đại học Sư phạm tuyển sinh gần 7.000 tân sinh viên nhưng ký túc xá gồm 6 tòa nhà có khoảng 500 phòng với 2.600 chỗ ở. TS Nguyễn Văn Thỏa, Trưởng ban Quản lý ký túc xá, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết trường sắp xếp nhu cầu chỗ ở cho sinh viên thuộc đối tượng ưu tiên trước, sau đó mới đến các sinh viên khác. So với số sinh viên có nhu cầu đăng ký, vẫn còn một ít trường không đáp ứng được.
Theo ông Trần Phúc Hòa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên, Đại học Công nghiệp Hà Nội, khoảng 50% trong số 7.000 - 8.000 sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá, trường chỉ đáp ứng được khoảng 80%.
Giá phòng ký túc xá của các trường đại học đang phổ biến ở mức vài trăm nghìn một tháng/sinh viên. Ký túc xá Đại học Công nghiệp Hà Nội thu mức 165-735.000 đồng; Học viện Báo chí và Tuyên truyền mức 200-500.000 đồng, ký túc xá Đại học Quốc gia Hà Nội khoảng 140-215.000 đồng. Hầu hết ký túc xá có đủ dịch vụ, có sân chơi thể thao, nhà ăn, phòng đọc, thư viện.
Không thuê được ký túc xá, nhiều sinh viên đành tìm nhà trọ ở các khu vực lân cận. Tuy nhiên, giá phòng khá cao so với mức chi trả của các tân sinh viên.
Huyền tức tốc lên Hà Nội sau khi trượt suất ở ký túc xá. Nữ sinh ở tạm nhà người quen mạn Hà Đông, cách trường hơn 10 kmđể đi tìm nơi trọ. "Gần một tuần tìm kiếm, câu trả lời nhận được từ chủ trọ vẫn là hết chỗ hoặc chỉ còn phòng 4-5 triệu thôi", Huyền cho biết. Theo Huyền, các nhà trọ gần trường có phòng cho thuê còn rất ít, hầu hết có người đặt cọc hoặc nếu có thì mất vệ sinh, chật hẹp, an ninh không đảm bảo.
"Giá từ 3,5 đến 5 triệu một phòng 18-25 mét vuông, cộng thêm tiền điện bốn nghìn đồng một số, tiền nước 100-120.000 đồng một người và nhiều khoản dịch vụ khác như vệ sinh, trông xe khiến em bất lực", Huyền nói. Bố mẹ Huyền là lao động tự do, chủ yếu làm việc không ổn đỉnh ở các công trình xây dựng. Huyền mong tìm được chỗ ở với giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng một tháng.
Vân An, quê Thái Bình, tân sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã dự phòng bằng cách tìm phòng trọ online ngay từ khi có kết quả trúng tuyển, rồi gọi cho từng số điện thoại để hỏi thông tin. "Chủ yếu gặp người môi giới, họ yêu cầu ứng 300 - 500.000 đồng sẽ dẫn đi xem phòng đẹp", An nói và cho biết thêm nếu gọi được chính chủ, người thuê thường bị hối thúc đặt cọc từ 500.000 đến vài triệu đồng để giữ phòng, dù chưa đến xem.
Ngày 23/9, khi đăng ký ở ký túc xá không thành công, An một mình bắt xe lên Hà Nội. "Em sốc khi giá phòng đăng tải những ngày trước dao động từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng, nhưng em đến trực tiếp chủ nhà lại báo giá 4 đến 5 triệu chưa tính điện nước, dịch vụ", An nói về một phòng trọ trong ngõ nhỏ trên đường Hồ Tùng Mậu, cách trường khoảng 2 km.
Nữ sinh cũng cho rằng nhiều chủ trọ đưa ra các khoản thu vô lý như phí sửa chữa phòng dù chưa đến ở. Cả gia đình phụ thuộc vào hàng rau của mẹ ngoài chợ, An chỉ có thể chi 1-1,2 triệu đồng cho tiền trọ.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trở lại ký túc xá vào tháng 3/2020 sau ba tháng học online vì Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành
Một chủ nhà trọ ở Cầu Giấy nói giá phòng cho thuê quanh khu vực này cách đây vài tháng khoảng 1,7-3,5 triệu với diện tích 15-25m2. Hiện tại giá dao động 2,2- 4 triệu đồng một phòng tương tự, nhưng hầu hết không còn chỗ trống vì những ngày qua, tân sinh viên các tỉnh đổ về nhập học.
Các đại học cho biết đang cố gắng hỗ trợ sinh viên tìm phòng trọ qua các kênh thông tin của nhà trường. "Các đơn vị phụ trách kết hợp khảo sát thực tế các hộ cho thuê phòng trọ gần trường, thống kê số lượng, hình ảnh, kèm theo số điện thoại chính chủ nhà trọ và cung cấp thông tin cho sinh viên", ông Trần Phúc Hòa, Đại học Công nghiệp Hà Nội, nói.
Còn giải pháp của các tân sinh viên là tìm bạn cùng trường hoặc các trường lân cận để ở ghép.
Thông qua các nhóm trên mạng, An kết nối và hiện ở cùng ba tân sinh viên khác của Đại học Quốc gia Hà Nội. Căn phòng của An và các bạn có diện tích hơn 20 m2 ở đường Tân Mỹ (Mỹ Đình 2), cách trường khoảng 3 km có giá gần 3 triệu đồng.
"Nếu được lựa chọn em vẫn mong muốn được vào ở ký túc xá, tiết kiệm chi phí cho gia đình, an toàn và có thêm trải nghiệm thời sinh viên", An chia sẻ. Theo nữ sinh, giá phòng, dịch vụ, điện, nước, an ninh ở ký túc xá rất rẻ so với phòng trọ bên ngoài. Hơn nữa, thuê trọ ở ngoài cũng có nhiều rủi ro như lừa đảo, trộm cắp.
Theo ông Hòa, khi ở ký túc xá, sinh viên phải sinh hoạt chung và tuân thủ các nội quy của nhà trường, đổi lại sẽ tiết kiệm nhiều, rèn được thói quen tốt về giờ giấc sinh hoạt, vệ sinh và đặc biệt là được đảm bảo an ninh.
Huyền chưa được may mắn như An nên vẫn tiếp tục tìm phòng trọ và bạn ở ghép. "Em chỉ mong tìm được nhà trọ gần trường để không phải ngồi xe buýt cả tiếng đồng hồ, ở ghép bao nhiêu người em cũng chấp nhận", Huyền nói.
*Tên sinh viên trong bài viết đã được thay đổi.
Duy Phương