phim-17390702800601385181970.jpg

Yêu nhầm bạn thân lép vế hoàn toàn trong cuộc đua phim Tết - Ảnh: ĐPCC

Nhìn lại điện ảnh Việt Nam năm 2024 dễ dàng nhận ra các phim kinh dị chiếm ưu thế. Điều này hình thành nên xu hướng mà giới chuyên môn dự đoán sẽ tiếp tục nắm vị trí chủ đạo thị trường điện ảnh Việt Nam năm 2025.

Kéo khán giả đến rạp xem phim Việt

Trong xu hướng lớn đó cũng có thể thấy các nhà làm phim Việt đã dịch chuyển không gian câu chuyện từ xã hội đương đại, thị dân để hướng đến các không gian gần gũi hơn. Nhấn mạnh vào yếu tố dân gian, kể lại các truyền thuyết, huyền thoại hay cổ tích dưới góc nhìn khác.

Nhìn chung các phim kinh dị Việt Nam năm qua đều ít nhất đã làm được chuyện kéo khán giả đến rạp, thu hút sự chú ý, bàn luận nhiều chiều. Các yếu tố địa phương quen thuộc cũng góp phần gây được thiện cảm cho khán giả.

Tuy nhiên để tái hiện bối cảnh văn hóa, lịch sử, tái hiện được không khí cổ kính vẫn cần đòi hỏi sự đầu tư chăm chút hơn từ phía nhà làm phim.

Yếu tố kinh dị, khai thác các truyền thuyết dân gian dẫu vẫn được đại chúng quan tâm nhưng khó có thể nói sẽ không đến lúc bão hòa.

Dù khán giả ngày nay có thể kể tên nhiều bộ phim kinh dị Việt Nam hơn nhưng nếu chọn một phim đáng gọi là kinh điển của dòng kinh dị Việt thì e còn phải cân nhắc nhiều.

Mùng 10 tháng giêng (7-2), phim kinh dị Việt Nam Đèn âm hồn ra mắt khán giả. Phim lấy cảm hứng từ "Chuyện người con gái Nam Xương", một truyện xuất hiện trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ vào thế kỷ 16. Từ hàng ghế khán giả vẫn mong 2025 màn ảnh Việt có nhiều phim kinh dị có nét riêng và có đầu tư.

Kinh dị vẫn là xu hướng chủ đạo trên màn ảnh năm 2025 là điều dễ thấy nhưng nó là một hiện tượng thoáng qua hay trở thành nét đặc sắc mang dấu ấn và màu sắc địa phương với những tác phẩm ấn tượng, như Thái Lan và Đài Loan đã và đang làm được thì còn cần quan sát thêm.

tiem-an-cua-quy-17390703441441665814560.jpg

Tiệm ăn của quỷ được khen trong mùa Tết - Ảnh: NETFLIX

Đừng để mất yếu tố mới lạ

Như đã nói ở trên, phim kinh dị tuy ở vị trí chủ đạo nhưng thống trị phòng vé Việt Nam hiện tại vẫn là các phim hài có bối cảnh đương đại, các phim tâm lý, tình cảm chủ đề gia đình, tình thân như những phim có sự tham gia của Trấn Thành, Lý Hải.

Thị trường phim Việt Nam thường khai trương bằng các phim ta vẫn quen gọi là "phim Tết". Năm 2025, điện ảnh Việt "mở hàng" bằng ba phim tình cảm hài là Bộ tứ báo thủ, Nụ hôn bạc tỉYêu nhầm bạn thân.

Trong đó Yêu nhầm bạn thân khó có thể bứt phá trên đường đua phim Tết. Một phần có lẽ vì cái bóng của phiên bản Thái Lan ra mắt năm 2019 vẫn còn in đậm trong tâm trí khán giả.

Xưa nay phiên bản chuyển thể lúc nào cũng được đặt lên bàn cân so sánh với các phiên bản trước là điều dễ hiểu. Chuyện một bộ phim có nhiều phiên bản cũng là điều bình thường.

Ví dụ phim Man in love (Đàn ông yêu) của Hàn Quốc ra mắt năm 2014, trong vòng 10 năm đã có hai phiên bản của Đài Loan (2021) và Thái Lan (2024).

Hay You Are The Apple Of My Eye (tựa Việt: Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi) của Đài Loan cũng đã có các bản chuyển thể Nhật Bản (2018), Thái Lan (2023) và Hàn Quốc.

Các phim làm lại trong thời gian quá gần với bản gốc này thường được đánh giá không cao. Chưa kể đánh mất yếu tố mới lạ, khi mà khán giả chưa đủ độ lùi để quên đi các ấn tượng của phiên bản trước đó.

Trở lại với Bộ tứ báo thủ, bộ phim cán mốc gần 300 tỉ đồng doanh thu sau 10 ngày chiếu. Bỏ khá xa doanh thu 118 tỉ đồng của Nụ hôn bạc tỉ - dù đây cũng là một con số rất ấn tượng.

Sự thống trị của phim hài trên màn ảnh Việt Nam có từ rất lâu, trong đó không ít phim Tết. Và rất ít phim đọng lại trong tâm trí khán giả. Thậm chí có những phim được các nền tảng phim trực tuyến mua lại, khán giả mới biết phim đó từng tồn tại.

Chia nửa giang san

Thị trường phim Việt Nam hiện tại vẫn do phim hài và phim kinh dị "chia nửa giang san". Sự phát triển về mặt thể loại bất cân xứng này làm cho thị trường phim mất đi sự đa dạng khi chỉ tập trung vào một số thể loại và chủ đề nhất định.

Khán giả cũng thiếu nhiều cơ hội lựa chọn để đến rạp. Nhưng đồng thời điều này tạo ra nhiều khoảng trống sáng tạo cho các nhà làm phim khai thác.

Nhìn chung, nếu chỉ dựa vào doanh thu có thể thấy phim Việt Nam đang trên đà khởi sắc nhưng đồng thời cũng thấy dấu hiệu chững lại và khó có thể tạo ra hiện tượng bùng nổ như vài năm trước.

Phim Việt Nam vẫn thiếu nhiều thứ, trong đó cái thiếu nhất chính là một tác phẩm chất lượng, xứng đáng với từ "kinh điển" dù thuộc bất kỳ dòng phim nào. Một bộ phim khán giả có thể xem đi xem lại, năm, mười năm sau vẫn còn nhắc đến.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022