Bà Nữ có mặt ở nhiều nhà
"Nhà bà Nữ" là mảnh đời của 3 người phụ nữ trong gia đình. Bà Ngọc Nữ (Lê Giang đóng) - chủ một tiệm bánh canh cua, vì bị chồng bỏ mà một tay gánh vác tất cả để nuôi hai đứa con nhỏ và mẹ già. Vốn là người ác khẩu, hoàn cảnh xô đẩy càng khiến bà nanh nọc hơn. Bà mắng chửi bất cứ ai làm trái ý và thấy "nghịch mắt". Từ người thân cho đến khách hàng, youtuber hay những "vệ tinh" xung quanh con gái út tên Nhi (Uyển Ân đóng).
Giống như mẹ mình, Ngọc Như (Khả Như đóng) là hiện thân cho vòng tròn lặp lại của người mẹ. Cô xưng hô "mày – tao" với chồng, mắng chửi, sai bảo như với người ở nhưng lại sẵn sàng "xù lông" bảo vệ chồng mỗi khi Nhuận (Trấn Thành) bị mẹ hay ai đó xúc phạm.
Ngọc Nhi hiền lành, trong sáng nhưng vì bảo vệ tình yêu mà vùng lên đối đầu với sự cấm đoán của mẹ. Cô ra khỏi nhà sau màn đối thoại dài và căng thẳng với bà Ngọc Nữ. Đây là phân cảnh đắt của phim vì mở ra cao trào phim, đồng thời mang đến nhiều cảm nhận khác nhau cho khán giả.
Đó là sự xung đột thế hệ, lột tả "căn bệnh" cố hữu của nhiều cha mẹ khi áp đặt cuộc sống, ước mơ của mình lên con cái, từ chọn nghề đến chọn bạn, từ lối sống đến sở thích cá nhân... Còn những người trẻ luôn chỉ nhìn thấy sự bí bách, o ép từ cha mẹ mà chỉ trích, cho đến một ngày chính họ vấp ngã và bị cuộc đời làm cho te tua. Xem "Nhà bà Nữ", khán giả đồng cảm thấy được chính câu chuyện nhà mình trong đó. Nhiều bà mẹ xem phim xong phản hồi rằng, họ nhận ra mình có lúc hay nhiều lúc chẳng khác gì bà Nữ. Đó là thành công không nhỏ của ê kip làm phim.
Một cảnh đắt nữa là Nhi lần đầu văng tục, rồi như một ẩn ức ẩn sâu nay có dịp bộc ra, cô xưng "mày - tao" ngon lành với chồng hờ rồi đuổi Jonh ra khỏi nhà. Từ đây nối tiếp ba đời nhà bà Nữ nữ quyền soán ngôi.
Cảnh diễn ra song song với hồi ức của bà Nữ: Bà và chồng cãi nhau kịch liệt rồi chuyển trạng thái xưng hô "mày - tao", kèm theo là lao vào đánh chồng vì tội đập phá và to tiếng, khiến ông quyết định bỏ nhà ra đi.
Nhưng khác với bà Nữ, Như, nỗi buồn của Nhi tươi sáng hơn. Dù vỡ nát nhưng ít ra cô là người được lựa chọn, được sống theo cách mà mình muốn chứ không cam chịu níu giữ như mẹ và chị. Vì thế cô nhận ra thất bại, vấp ngã là hành trình cần thiết để trưởng thành, không oán hận và nuối tiếc. Với sự chuyển biến tâm lý này, lẽ ra Nhi không cười rạng rỡ ở cuối phim thì sẽ "đắt" hơn. Thay vào đó, chỉ cần cái nhoẻn miệng và ánh nhìn bình thản là đủ. Nó cũng phù hợp với tâm thế của người trưởng thành, chứ hân hoan vậy thành ra như kiểu mong được đón nhận chứ không phải bị đón nhận những bất hạnh để trưởng thành.
Phim giống lối kể truyền hình hơn điện ảnh?
Với quan điểm làm phim cho số đông khán giả, Trấn Thành không chủ trương chọn "thủ pháp" cao siêu mà làm sao để phim thật đời, thật gần gũi với khán giả. Cách kể huỵch toẹt, mang đến không khí một gia đình lao động văn hóa bình dân. Phim cũng ấn tượng trong việc tạo tình tiết gay cấn một cách dồn dập, mạch phim khá nhanh, cao trào được đẩy lên đúng điểm rơi cảm xúc khiến khán giả vỡ òa. Các câu chửi thề, mắng chửi chí chóe đinh tai nhức óc... người đồng cảm thấy đó là khắc họa cần thiết, người chưa từng hẳn thấy phản cảm cần tiết chế.
Xác định làm phim cho số đông nên vì thế mà phim có lối kể gần với truyền hình hơn điện ảnh, bởi thoại đã làm hết phần việc của ngôn ngữ hình ảnh. Thoại quá lấn lướt và nhiều châm ngôn, triết lý kéo dài từ "Bố già" đến "Nhà bà Nữ" có vẻ như trở thành phong cách của Trấn Thành.
Cái hay là trong "Nhà bà Nữ" không có ai hoàn toàn xấu hay tốt toàn phần. Vì thế mà nó đời và ai cũng thấy một phần hình bóng của mình ở đó. Đúng như slogan: Ai cũng sai nhưng sao ai cũng chỉ thấy mình là nạn nhân? Trấn Thành cũng chỉ ra bản chất của đời sống gia đình, bản chất của đàn ông và đàn bà. "Nếu tôi xấu xa vậy tại sao mà còn lấy tôi. Và nếu tôi xấu xa vậy tại sao bà không bỏ tôi lấy người khác". Cuộc sống gia đình cứ éo le nghịch lý như vậy. Đàn ông có thể trả lời câu hỏi này như 1+1, như cách họ thể hiện trong phim chứ đàn bà thì khó. Nên sự rời đi, rốt cục luôn là đàn ông. Do bản chất sự chịu đựng của đàn ông kém hơn đàn bà, hay phụ nữ vốn quen hi sinh và níu kéo kể cả khi vì nó mà đau khổ?
Với vai Nhi, Uyển Ân đã thoát mác "em gái Trấn Thành"
Đã tham gia vài phim nhưng với vai Nhi, Uyển Ân mới thực sự chứng tỏ năng lực diễn xuất. Lối diễn tự nhiên, chân thực, "cân" được những trường đoạn dài hơi, kịch tính như cảnh đối đáp với mẹ rồi bỏ nhà đi, cảnh với Jonh lúc đuổi ra khỏi nhà... đã giúp cô thoát mác "em gái Trấn Thành". Nhi diễn tốt nhưng không phải mẫu nhân vật xinh đẹp nên có mấy cảnh cho John với Youtuber mắt tròn mắt dẹt khi nhìn thấy Nhi lần đầu thành ra bị... ưu ái nhân vật quá.
Vai bà ngoại (NSND Ngọc Giàu) không quá nhiều phân cảnh nhưng là vai diễn thú vị, giúp cân bằng lại những tính cách mạnh trong nhà bà Nữ. Bà ngoại có sự tưng tửng, hồn nhiên dân dã nhưng điềm tĩnh của người từng trải; Như là sự sốc nổi, ẩn sau sự bốp chát, nanh nọc là tình yêu với người chồng ở rể. Khả Như diễn rất tự nhiên, rất đời, không bị phong cách hóa của Trấn Thành – dấu ấn để lại rất rõ ở cách thoại của Lê Giang và vài chỗ của Uyển Ân (mà thực ra lối lái chữ, bẻ chữ đậm đặc ở tất cả các nhân vật). Nên khi Nhi (Uyển Ân) thoại theo cách của mình là lúc Ân hay nhất.
Lê Giang cho khán giả thấy sự đáng thương của nhân vật hơn đáng trách, nhưng lối diễn cần chiều sâu hơn nữa để tiết chế những ánh nhìn không bị lẫn với ác. Trấn Thành (Nhuận) hài hước vừa đủ, không làm tất ăn cả, vai chính lại là em gái nữa nên càng có lý do. Song Luân (John) thì nửa sau hay hơn nửa đầu.
Với con số doanh thu hơn 300 tỷ cho chưa đầy 2 tuần ra rạp, Nhà bà Nữ không chỉ ấn tượng có thế. Sự tranh cãi, những khen chê tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội mới là niềm ao ước của người làm phim. Nó cũng chính là chất xúc tác khiến khán giả phải ra rạp để trải nghiệm. Chỉ bấy nhiêu đó thôi, những ai vốn không ưa Trấn Thành cũng khó mà không thừa nhận cái giỏi của anh.
Lê Thanh Hà