Sáng 24/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối sống còn giữa hai cấp chính quyền địa phương". Các đại biểu đã nhìn lại ba tuần đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh - xã), đồng thời đánh giá vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn quá độ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết từ đầu tháng 4, Bộ đã hướng dẫn quy trình nâng cấp các hệ thống thông tin phục vụ điều hành và giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời phối hợp tập huấn cho 63 tỉnh, thành để đảm bảo vận hành thông suốt sau khi tinh gọn bộ máy.

Trước khi triển khai toàn quốc, 5 hệ thống công nghệ thông tin được thí điểm tại TP HCM. Sau đó, Bộ ban hành hướng dẫn kỹ thuật và chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ bố trí nhân lực về tận xã để hỗ trợ vận hành. "Từ 1/7 đến nay, hệ thống điều hành, cung cấp dịch vụ công và các hội nghị trực tuyến từ trung ương đến cơ sở đều vận hành trơn tru, không gián đoạn", ông Long nói.

Theo Thứ trưởng Long, hơn 12.000 kỹ sư công nghệ số cùng lực lượng công an, quân đội, sinh viên tình nguyện thực hiện chuyển đổi số cho hơn 3.200 xã. Doanh nghiệp triển khai hệ thống được yêu cầu bố trí ít nhất hai người ở tuyến xã để hướng dẫn cán bộ, công chức thực hiện thủ tục hành chính và vận hành hệ thống điều hành. Mục tiêu là "không để đình trệ dịch vụ công cho người dân".

img7791-1753325532847160505740-4763-2537-1753343892.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=y2B2W4nxwoF09BahK_vS5A

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chỉ ra những khó khăn nảy sinh trong giai đoạn đầu chuyển đổi. Nhiều địa phương chưa đủ thời gian để làm, thủ tục từ huyện chuyển về xã, việc nhập xã mới khiến dữ liệu chưa liên thông, cơ sở vật chất còn thiếu, năng lực cán bộ chưa đồng đều.

"Những vấn đề này không lớn nhưng nếu không xử lý sẽ gây tắc nghẽn. Chúng tôi đã tham mưu Thủ tướng 25 nhóm vấn đề cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và trong tuần này sẽ đề xuất họp đánh giá toàn diện", ông Long nói.

Từ thực tiễn Hà Nội, ông Trương Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP cho biết ba yếu tố then chốt giúp thành phố vận hành trơn tru là đồng bộ - dữ liệu - chủ động. "Từ nhận thức của cấp ủy đến hành động cụ thể của cán bộ cơ sở đều phải đồng bộ. Dữ liệu là nền tảng quyết định mọi vấn đề, nhưng nếu chờ đủ quy định mới làm thì sẽ lỡ thời cơ", ông Dũng nói. Sau ba tuần, thành phố đã tiếp nhận 66.000 hồ sơ hành chính mà không xảy ra tình trạng quá tải hay đứt gãy hệ thống.

img7787-1753325531606109402070-4098-4082-1753343892.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DfAG6OMDpq8lhtpDX129qA

Ông Trương Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Bắc

Ở cấp cơ sở, Phó chủ tịch phường Cửa Nam Trịnh Ngọc Trâm cho biết phường đã vận hành thử 10 ngày trước 1/7, mô phỏng nhiều tình huống để tập huấn cán bộ. Nhờ chuẩn bị kỹ, các vướng mắc ban đầu không nhiều. Phường cũng mạnh dạn thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý một số quy trình hành chính. "Người dân ra phường là phải hài lòng. Đó là sứ mệnh quan trọng nhất của chính quyền cơ sở", bà Trâm nói.

Vũ Tuân

Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ
Gửi góp ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022