Christel Goh, 34 tuổi, giám đốc một công ty truyền thông, cho biết con gái cô không lo việc bị chia sẻ sự quan tâm nếu có thêm em mà chỉ thắc mắc "làm sao mẹ bế được cả hai".
Vợ chồng cô đồng quan điểm, không muốn phân tán nguồn lực và sự chú ý cho nhiều con. Sau khi sinh con đầu lòng, cả hai cho rằng đã trải nghiệm đầy đủ việc làm cha mẹ và không thấy lý do để sinh thêm.

Gia đình của Christel Goh Ảnh: CNA
Nikko Aw, 36 tuổi, và chồng cô, quản lý tổ chức phi lợi nhuận, có một con gái và chưa có kế hoạch sinh thêm. Ban đầu, vợ chồng tập trung học thạc sĩ. Nhưng đến khi hoàn thành, họ đã 35 tuổi và lo ngại nguy cơ biến chứng thai kỳ. Cùng thời điểm, Goh chuyển đến Nam Phi theo công việc mới của chồng.
Aw là con một, còn chồng có anh em. Cô cho rằng người lớn lên trong gia đình nhỏ thường có xu hướng duy trì mô hình đó, trong khi người từ gia đình đông con lại thích có nhiều con hơn.
Ngày càng nhiều gia đình ở Singapore chọn chỉ sinh một con. Năm 2024, quốc gia này có 25,1% phụ nữ từng chỉ có một con, tăng từ 22,3% vào năm 2015 và 17,3% năm 2005.
Các chuyên gia xã hội học cho biết xu hướng gia đình một con không chỉ giới hạn ở Singapore mà đang diễn ra trên toàn cầu.
Ở Mỹ, tỷ lệ phụ nữ chỉ có một con vào cuối độ tuổi sinh sản đã tăng từ 10% năm 1980 lên 19% năm 2010 và giữ mức ổn định kể từ đó. Tại châu Âu, thống kê năm ngoái cho thấy 49,8% hộ gia đình có con chỉ có một con.
Ở Nhật Bản, năm 2021 có 19,7% vợ chồng được coi là đã sinh xong nhưng chỉ có một con, tăng so với 15,9% năm 2010. Tại Hàn Quốc, năm 2020, 24,9% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 40-49 chỉ có một con, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 9,5% ở nhóm phụ nữ trên 60 tuổi.
Các chuyên gia xã hội học và lão khoa cho biết xu hướng gia đình chỉ có một con đang tăng lên trên toàn cầu, phần lớn do áp lực thực tế như chi phí sinh hoạt cao và quỹ thời gian hạn hẹp trong bối cảnh phần lớn các gia đình có hai người đi làm.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong hệ giá trị cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này. Nếu các thế hệ trước coi việc có nhiều con là điểm tựa tuổi già, thì cha mẹ ngày nay không còn đặt kỳ vọng đó, dẫn đến động lực sinh thêm con giảm.
Dù nguyên nhân khác nhau, giới chuyên gia nhìn chung cho rằng đây là xu hướng chậm nhưng chắc, khó đảo ngược trong bối cảnh tỷ lệ sinh toàn cầu đang giảm.
Khi còn học tiểu học, Nikko Aw từng hỏi cha mẹ vì sao mình không có anh chị em như nhiều bạn bè. Họ giải thích rằng nếu sinh thêm con, gia đình sẽ phải điều chỉnh lối sống, như giảm số lần du lịch nước ngoài và cô phải chia sẻ phòng ngủ. Nghe vậy, Aw trả lời "không" và cha mẹ cô cũng quyết định dừng lại ở một con.
Chi phí là lý do phổ biến được nhiều phụ huynh đưa ra khi nói về việc không sinh thêm con. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, gánh nặng tài chính không phải yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định này.
Phó giáo sư Helen Ko ở Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết một số gia đình do từng chăm sóc cha mẹ già nên không chắc mình đủ khả năng tài chính để nuôi thêm con.
Tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm khiến tỷ lệ người trong độ tuổi lao động trên mỗi công dân từ 65 tuổi trở lên liên tục giảm, từ 7,4 người năm 2010 xuống 4,3 vào năm 2020 và còn khoảng 3,5 vào năm 2024.
Với Nikko Aw, tài chính chỉ là một phần trong quyết định, nhưng không phải yếu tố then chốt. Cô muốn đảm bảo con có một tuổi thơ trọn vẹn và bản thân đủ sức khỏe tinh thần lẫn thể chất để đồng hành cùng con.
"Tôi không muốn kiệt sức đến mức không thể hiện diện cho con bé", cô nói.
Các chuyên gia cho biết việc kết hôn và sinh con muộn cũng góp phần làm gia tăng số gia đình chỉ có một con, do thời gian sinh sản ngắn lại.
Độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng ở Singapore liên tục tăng, từ 29,3 vào năm 2004 lên 30,4 vào năm 2014 và đạt 31,9 vào năm ngoái.
Tiến sĩ Tan Poh Lin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore, cho biết trước đây nhiều gia đình sinh thêm con để con đầu có bạn chơi, mong muốn có con trai hoặc con gái, hoặc để phù hợp với chuẩn mực về một gia đình "đầy đủ".
Tuy nhiên, bà nhận định những yếu tố này hiện không còn ảnh hưởng nhiều đến quyết định sinh con.
Bà nói thêm rằng khi sở thích về giới tính giảm, ít gia đình sẵn sàng có thêm con chỉ để đạt được cơ cấu giới tính mong muốn. Theo thời gian, điều này sẽ củng cố quan điểm rằng gia đình một con cũng được xem là "đầy đủ" như gia đình hai con.
Phó giáo sư Helen Ko, chuyên gia lão khoa tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết thế hệ trước thường xem con cái là khoản đầu tư cho tuổi già. Ngược lại, nhóm trong độ tuổi 20- 40 hiện nay ý thức rõ rằng họ phải chủ động chuẩn bị cho giai đoạn cuối đời để giảm gánh nặng cho con.
Nikko Aw và chồng đang lên kế hoạch tài chính và xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội vững chắc, nhằm hạn chế phụ thuộc vào con gái khi về già, cả về cảm xúc lẫn hỗ trợ hàng ngày.
Là con một, Aw nhớ lại cảm giác giằng xé khi cân nhắc việc chuyển đến Nam Phi, nhất là khi cha cô vừa gặp vấn đề sức khỏe.
Hiện, cô cố gắng gọi điện cho cha mẹ hàng ngày, đồng thời nhờ người thân và bạn bè hỗ trợ họ. Cha mẹ Aw hiểu cô cần ưu tiên gia đình riêng, đồng nghĩa không thể luôn ở cạnh họ.
"Điều quan trọng nhất với họ là tôi biết mình đang làm gì và sống hạnh phúc. Họ sẽ nhớ tôi, nhưng chấp nhận điều đó", cô nói.
Ngọc Ngân (Theo CNA)