Mỹ Tâm chia sẻ cuộc sống và sự nghiệp âm nhạc
Ngày 5/11 tới đây, 1 đêm liveshow mà người hâm mộ tại Thủ đô đã phải chờ đợi từ rất lâu sẽ diễn ra tại SVĐ Mỹ Đình. Lý do không chỉ bởi sự mong ngóng được trải nghiệm âm nhạc đầy cảm xúc trong một không gian rộng lớn cùng những người có gu nghe nhạc giống mình, hay sốt sắng khi khó khăn lắm người ta mới săn được tấm vé vì bán quá nhanh, mà còn bởi đây sẽ là sự kiện đánh dấu 1 cột mốc mới trong hành trình âm nhạc hơn 20 năm của nữ ca sĩ có tầm ảnh hưởng “quốc dân" tại Việt Nam. Cô ấy là Mỹ Tâm và liveshow Tri Âm tại SVĐ Mỹ Đình sắp tới đây chắc chắn sẽ là một trong những kỉ niệm đẹp nhất đối với gần 30 nghìn khán giả đã cầm tấm vé trên tay.
Có dịp gặp Mỹ Tâm tại Hà Nội vào một ngày trời thu rất đẹp, hôm ấy mới chỉ là ngày đầu tiên show Tri Âm tại Hà Nội mở bán vé nhưng thông tin sold-out 10 nghìn vé chỉ trong 10 phút đã khiến MXH “choáng váng". Mỹ Tâm cười rất nhiều, tâm trạng hoàn toàn thoải mái và liên tục nói hai chữ “cảm ơn”, “Tâm rất biết ơn" đến tình cảm của khán giả sau khi biết thông tin trên.
Show Tri Âm tại Hà Nội đã bán được 10 nghìn vé chỉ trong 10 phút, điều này khiến khán giả vừa bất ngờ lại vừa ko bất ngờ. Không bất ngờ vì cái tầm của Mỹ Tâm chính là như thế, nhưng họ bất ngờ vì nhận ra “à hoá ra fan Mỹ Tâm vẫn đông, vẫn đỉnh, vẫn chịu chi như thế này". Còn chị, chị cảm thấy như thế nào?
Tâm rất xúc động. Cũng biết là khán giả của mình rất đỉnh rồi nhưng khi biết tốc độ nhanh như thế thì cũng hơi choáng. Ngay khi vừa biết thông tin xong là Tâm lên livestream ngay. Năm ngoái, khi mở bán vé show Tri Âm ở cả Hà Nội và TP.HCM, là cũng 10k vé hết sạch nhưng đó là bán cả 2 show. Còn bây giờ khi mở bán vé tại riêng Hà Nội, thì Tâm cũng nghĩ chắc chỉ tầm 5 nghìn vé 1 ngày hay gì đó thôi. Nhưng mà không, hơn 10 nghìn. Trời ơi, đó là điều mà Tâm vô, vô cùng biết ơn và phải dặn bản thân mình phải làm tốt hơn.
Tri Âm tại Hà Nội vẫn là 3 cái tên khách mời Hà Anh Tuấn, Wowy và Phan Mạnh Quỳnh. Vì sao ko có khách mời là nghệ sĩ nữ? Khán giả để ý thấy rằng các liveshow của Mỹ Tâm thường rất hiếm, hoặc đúng hơn là ko bao giờ mời khách mời là nghệ sĩ nữ. Vì sao vậy?
Bởi vì Tâm là nữ rồi, nếu Tâm mời nghệ sĩ nữ nữa thì mình không tương tác được. Nữ với nữ thường là sẽ nói chuyện kiểu khác. Có khách mời nam thì mình còn chọc qua chọc lại, nữ làm sao mà chọc. Khó lắm! Nên Tâm cũng chưa nghĩ tới. Chưa nghĩ tới nha chứ không phải là không nghĩ. Tương lai ai biết có chuyện gì xảy ra.
Làm show ở SVĐ lớn với sức chứa khán giả mà người ta nói rằng “chỉ Mỹ Tâm mới dám làm" mà mức giá vé của Tri Âm ko hề rẻ, chị và ekip đã có những cân đo đong đếm lãi lỗ như thế nào khi thực hiện liveshow này?
Nói làm show mà để lỗ thì nghe không hợp lý. Giờ mà nói đổ hết tiền của vào làm show thì đó không phải là Mỹ Tâm của hiện tại. Nhưng nói làm show để lời to thì đó lại càng không phải cách mà Tâm đang hướng tới. Đúng hơn, show diễn này là sự kết hợp cân bằng giữa cả 2 thứ: một là cảm xúc của người làm nghệ sĩ, muốn mang đến 1 chương trình thật sự ý nghĩa và cảm xúc nhất đối với khán giả, hai là sự thôi thúc của việc Mỹ Tâm buộc phải có 1 show như vậy, phải làm được 1 show choáng ngợp như thế.
Về chuyện kinh tế, đây là điều mà Tâm ít khi nói ra. Như các bạn đã biết, Tâm đã từng làm gần như xong xuôi show tại Hà Nội rồi. Trước dịch, nguyên ekip đi ra Hà Nội làm, gần xong hết rồi nhưng phải huỷ toàn bộ, thiệt hại cũng khá lớn. Bởi vậy mà giá vé show lần này cũng có chênh lệch một chút xíu so với TP.HCM. Thứ 2 là việc khán giả mua vé ở thời điểm hiện tại, nếu so sánh với những khán giả đã mua từ trước và giữ vé tới bây giờ mà giống nhau y chang hết thì cũng không thật sự hợp lý. Ekip cũng đã có những tính toán hợp lý nhất cho cả BTC lẫn khán giả rồi, nên Tâm nghĩ cũng ok.
Nói về lãi và lỗ, Mỹ Tâm cảm thấy mình lãi nhất điều gì và lỗ nhất điều gì trong suốt hơn 20 năm cống hiến hết mình cho âm nhạc?
Mỹ Tâm chỉ thấy mình lãi thôi, chứ không thấy lỗ gì cả. Mình có được rất nhiều thứ. Ví dụ như khi mình làm show, không cần nhận lại quá nhiều tiền hay giá trị vật chất nào khác, mà thứ mình lãi chính là tình cảm của khán giả. Tâm cảm nhận được khán giả yêu mến mình ra sao chỉ trong một vài tích tắc, có hàng ngàn người muốn đến với mình… Đó chính là điều mà Tâm thấy mình đã rất rất lời.
Hơn nữa, Tâm cũng đâu có mất gì đâu. Bởi vì mình bước vào nghề này là đã vận dụng hết tất cả những khả năng mà mình có, những hoạt động mình cố gắng làm từ con số 0 đi lên. Vậy giờ là mình được thôi chứ có lỗ gì. Tâm không bao giờ nghĩ mình lỗ điều gì khi đến với âm nhạc, mà Tâm chỉ quan tâm mình được cái gì và mình sẽ cho đi cái gì thôi.
Tri Âm ở Hà Nội sẽ có điểm gì khác biệt với Tri Âm tại TP.HCM?
Nói là 2 điểm Hà Nội và TP.HCM vậy thôi nhưng Tri Âm ngay từ đầu đã quyết định đi theo 1 concept thì sẽ tiếp tục đi theo nó tới cùng. Sau thời gian dịch dù nhiều người nói có thêm thời gian chuẩn bị thì sẽ có thay đổi nhưng với Tâm thì khi show diễn đã theo đúng 1 concept đó rồi thì mình cứ thế mà theo. Đúng 30 bài hát HIT nhất của Mỹ Tâm từ thời đầu đi hát tới giờ, dù còn rất nhiều bài hát khác nữa nhưng 1 show diễn không thể nào quá dài được nên Tâm và ekip đã chọn lọc ra đúng từng đấy bài phù hợp cho Tri Âm. Nhưng Tâm vẫn có dự định thay đổi một chút xíu, ví dụ như ca khúc Hẹn Ước Từ Hư Vô sẽ được diễn tại show Hà Nội vì đây là bài hát gần nhất Tâm phát hành và được các bạn rất yêu thích. Ngoài ra sẽ có một số thay đổi khác nữa để làm sao chạm được đến cảm xúc của khán giả Hà Nội nữa nên sẽ có khác biệt đấy!
Show Tri Âm sẽ mang lại cho khán giả thời gian và kỷ niệm. Thời gian không thể quay lại nhưng khi các bài hát được cất lên thì kỷ niệm sẽ mang thời gian quay trở lại, và người ta sẽ được sống thêm 1 lần trong ký ức đó. Tâm giống như là người đưa mọi người quay lại vùng ký ức ấy và chính Tâm cũng sẽ được sống trong khoảnh khắc thời gian tua ngược đó. Tâm muốn rằng tất cả khán giả của mình, nhất định mọi người, là bất kỳ ai, độ tuổi nào đều phải được tham gia 1 show như thế, phải tận hưởng không khí ấy 1 lần trong đời. Và đó sẽ là những khoảnh khắc tuyệt diệu.
Nghĩ về quá khứ như thế nhiều người thường liên tưởng đến một lời chia tay, sự kết thúc…
Không. Âm nhạc thì không có chia tay hay kết thúc gì hết. Âm nhạc chỉ là âm nhạc, là gợi nhớ cảm xúc, kỷ niệm của quá khứ, hiện tại và tương lai chúng ta vẫn sẽ tiếp tục nghe những bài hát đó. Và những khi cảm xúc ùa về thì mình khóc trên sân khấu, khán giả khóc dưới khán đài và chúng ta khóc vì cảm xúc lúc ấy chứ không phải vì chia tay. Mình khóc vì mình nhớ về một thời rất đẹp, mình khóc vì “à cô ấy vẫn còn ở đây, vẫn hát cho mình nghe” và Tâm sẽ khóc vì “à, khán giả bao nhiêu năm trời họ vẫn còn ở đây, vẫn nghe mình hát và hoà theo giọng hát của mình".
Sau Tri Âm, Mỹ Tâm sẽ làm gì?
Mỹ Tâm cũng có 1 kế hoạch đó, nhưng sẽ từ từ bật mí. Có nhiều thứ để làm lắm, 1 show khác chẳng hạn. Sau show ở TP.HCM, đã có những nhà tài trợ muốn làm show tiếp cho Tâm. Nhưng Tâm chưa biết, cứ để đó đã. Hoặc là Tâm 10, hoặc đóng phim… rất nhiều thứ có thể làm được. Nhưng trước mắt là show này xong thì Mỹ Tâm sẽ nghỉ ngơi trước đã.
Kể từ sau mùa dịch Covid, thói quen của khán giả nghe nhạc đã khác. Rất nhiều minishow, liveshow, concert lớn nhỏ được tổ chức, các ca sĩ cũng ham làm show cá nhân hơn. Music Festival cũng nở rộ. Với vị trí của Mỹ Tâm - người nghệ sĩ đã tổ chức show diễn với hàng chục nghìn người tham dự từ nhiều năm trước cho đến bây giờ vẫn giữ vững phong độ bán vé, chị đánh giá thế nào về chất lượng tổ chức các show diễn lớn tại Việt Nam hiện giờ? Việt Nam đã sẵn sàng tổ chức các concert mang tầm quốc tế hay chưa?
Thực ra thì 1 format để làm show chuyên nghiệp thì Việt Nam cũng có, nhưng quy mô nhỏ thì có thể "handle" được, còn lớn thì Mỹ Tâm chưa thấy. Không phải Việt Nam mình không làm được, mà là điều kiện chưa cho phép. Mặc dù tất cả những người làm nghề đều đã biết mình phải làm cái gì rồi, nhưng không phải tất cả có thể hợp vào là làm được. Mỗi người đều có những tính toán riêng, nhưng để đồng nhất, hợp nhất lại tất cả những điều đó để làm 1 show thực sự chuyên nghiệp mang tầm quốc tế thì sẽ rất khó.
Ví dụ như show của Tâm, với quy mô khán giả tầm cỡ như vậy thì phải quy tụ những dàn loa tốt nhất, âm thanh phải tốt nhất... và ở Việt Nam muốn có những điều đó phải chật vật lắm. Mình chưa so đến Mỹ hay Hàn. Như Mỹ Tâm đã xem những show quốc tế, họ làm sân vận động nhưng ngoài sân phục vụ đá banh thì họ còn có 1 sân bên cạnh, như là sân nhà hát để chuyên phục vụ các điều kiện về âm thanh. Còn mình là ra hẳn sân vận động để làm thì hệ thống âm thanh cũng sẽ khác. Ví dụ Super Bowl thì đạt tới tầm cỡ mình không thể hình dung được.
Không phải mình không làm được, mà là điều kiện tại Việt Nam chưa cho phép mình làm với quy mô lớn, tầm cỡ như vậy. Như show của Tâm, ai có như thế nào, có gì tốt nhất thì mình quy tụ về làm chứ không phải đơn giản. Những show nhỏ thì cơ bản các bạn làm cũng tốt và chuyên nghiệp rồi. Nên mình hoàn toàn có thể hy vọng. Và với mức độ làm show như vậy thì người làm show phải có tầm và có tâm. Người có tâm mà không có tầm thì cũng phí, những người có tầm mà không có tâm thì lại không lâu dài. Chính vì vậy khi mình làm show, khi được khán giả chịu chi ủng hộ, dành tình cảm và niềm tin như vậy rồi thì phải làm tốt, để khi họ tới đó, họ được trải nghiệm xứng đáng với số tiền mình bỏ ra. Nếu họ giữ được những điều đó thì Mỹ Tâm tin rằng nền công nghiệp sản xuất chương trình tại Việt Nam sẽ rất phát triển.
Vì sao Mỹ Tâm không đào tạo talent?
Cũng nhiều người đã hỏi Mỹ Tâm như vậy. Nhưng Tâm cũng không biết vì sao, hay do bản tính mình như vậy? Do bản tính mình là người thích tự do, mình thích gì mình tự tính, tự quyết rồi tự làm và mình không thích bị ràng buộc. Thế nên giờ mình nghĩ mình không thích, mà đi quản lý người ta thì có được không?
Mọi người cũng nói rằng mình chỉ cần mở công ty ra, rồi làm theo những lời khuyên đã có từ những trải nghiệm của mình và dạy lại, còn lại để công ty chạy chứ mình không phải làm. Đúng là như thế. Nhưng với Tâm, nếu mình không tập trung vào việc đó đến cùng thì Tâm cũng không vui. Nên mình chưa thật sự muốn như thế. Ngoài ra Tâm vẫn giúp một số bạn khi họ cần lời khuyên. Trước đây có Đức Phúc chẳng hạn, Tâm vẫn giúp bình thường.
Đức Phúc mới đây có kể chuyện từng được giúp đỡ bởi công ty của cô Mỹ Tâm sau The Voice, nhưng sau đó anh cũng ko chọn con đường làm “gà" của bất kỳ công ty nào mà tự xây dựng đội ngũ ekip riêng. Chị đánh giá thế nào về mô hình quản lý - đào tạo talent, nó rất thành công tại thị trường Kpop nhưng tại Việt Nam liệu có phù hợp?
Tâm thấy nhiều bạn vẫn đang làm tốt, một số công ty quản lý talent rất hay. Các bạn có nhiều concept, concert và hoạt động khác nhau. Nhưng Tâm chưa gặp gỡ nhiều hay đào sâu nên không đánh giá được.
Mỹ Tâm tổ chức liveshow có rất nhiều người nổi tiếng của Việt Nam đi xem, người ta gọi chị là “thần tượng của thần tượng", chị thấy sao về danh xưng này?
Rất cảm ơn các bạn rất nhiều, đó là 1 niềm vinh hạnh trong sự nghiệp của Tâm. Có lẽ cũng do mình xuất hiện sớm, và mình giữ được nhiệt huyết trong nghề suốt thời gian dài giúp các bạn có thêm động lực, truyền được cảm hứng cho các bạn. Thỉnh thoảng Mỹ Tâm cũng có gặp các nghệ sĩ trẻ và thấy rằng với tính cách, sự đào tạo và những suy nghĩ làm nghề như vậy thì thành công đến với các bạn là điều rất hợp lý.
Mỹ Tâm có biết đến ca sĩ Gen Z nào không? Là 1 người đàn chị đi trước, Mỹ Tâm có cảm nhận thế nào và có lời khuyên gì cho thế hệ đàn em không?
Tâm biết Mỹ Anh - là con chị Mỹ Linh. Có lần Mỹ Tâm nghe em bé ấy hát với Khắc Hưng. Mỹ Tâm rất thích, quá giỏi và rất tuyệt vời.
Mỹ Tâm ít nghe nhạc lắm, toàn nghe nhạc đâu đâu. Nhưng đến khi cần, thì sẽ rất là update, update 1 lần là biết hết! Còn nếu cứ thả trôi ra không tập trung, không muốn nghĩ gì nhiều là Tâm sẽ chỉ nghe nhạc mà Tâm thích thôi hoặc là không nghe nhạc gì luôn. Mỹ Tâm thích nghe nhạc xưa hơn vì đem lại nhiều cảm xúc hơn.
Với Mỹ Tâm, thế nào là âm nhạc hay?
Là khi mình thấy hay. Người hát hay hay dở không quan trọng. Quan trọng nhất là mình thích bài hát đó, mình thích người đó, mình hát bài đó. Không thể có trường hợp “bạn này hát hay quá nhưng bài này không hay" - Không hay là vì mình không thích. Nhưng cũng bài đó lại có người khác thích.
Có những bài của Mỹ Tâm rất nổi, phần đông 90% là thích nhưng 10% không thích. Cơ mà 10% đó lại thích những bài không nổi của Mỹ Tâm và nói rằng các bài đó mới hay chứ bài kia không hay. Đó là quan điểm tư duy của mỗi người về âm nhạc. Âm nhạc không bao giờ phân biệt được hay hay dở, chỉ là ai thích cái nào hơn thôi. Còn đương nhiên những cái quá dở, quá kinh khủng thì mình không bàn, những cái đó không thể gọi là âm nhạc được. Âm nhạc để nghệ sĩ hát thì chỉ có mình thích hay không thích thì mình mới thấy hay hay không hay. Không có giọng hát nào hay hơn giọng hát nào, mà ai cũng có 1 nét riêng của họ. Và họ sẽ có khán giả riêng. Đó là lý do vì sao Tâm có những khán giả riêng của mình, bởi vì Tâm có chất giọng riêng và người ta cảm nhận được giọng hát cùng bài hát đó. Chứ âm nhạc mà đem so sánh thì thua rồi.