Tối 28/7, Nam Sudan đánh bại Puerto Rico 90-79, ở bảng C bóng rổ nam, ngay trong lần đầu tiên tham dự Olympic. Trước chiến thắng, ban tổ chức đã phát nhầm quốc ca của quốc gia láng giềng Sudan và ngay lập tức phải xin lỗi vì sai sót này.

Nam Sudan giành độc lập từ Sudan sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2011. Nhưng các tranh chấp về biên giới, tài nguyên thiên nhiên và quyền lực chính trị vẫn tiếp tục gây ra các cuộc đụng độ vũ trang giữa hai nước.

nam-sudan-bong-ro-olympic-2024-6954-8367-1722231069.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1HfVTDFGmq2E_-qoMgY_TQ

Các VĐV Nam Sudan đặt tay lên ngực và cúi đầu khi phát hiện quốc ca bị phát sai, ở lượt ra quân bảng C bóng rổ nam Olympic Paris 2024. Ảnh: NEBA

Bản quốc ca nhầm bị cắt sau 20 giây phát. Các VĐV Nam Sudan lúc đầu bối rối, còn người hâm mộ tại nhà thi đấu Pierre Mauroy bắt đầu la ó. Sau đó, họ vỗ tay khi chứng kiến các VĐV cúi đầu, đặt tay lên ngực trái trong lúc chờ đợi vấn đề được giải quyết. Các cầu thủ Puerto Rico cũng làm vậy để thể hiện sự đoàn kết.

Khoảng ba phút sau, bản nhạc đúng được phát trong tiếng vỗ tay của người hâm mộ. Khi kết thúc, các cầu thủ Nam Sudan ôm nhau rồi bước vào trận.

nam-sudan-bong-ro-olympic-2024-4786-1722231069.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lM5dnKbf_wj7y9RgX5g9Xg

CĐV Nam Sudan giơ cao cờ cổ vũ các cầu thủ bóng rổ nam khi phát hiện quốc ca bị phát sai. Ảnh: Reuters

"Họ phát sai quốc ca, nhưng các cầu thủ đã hát đúng", HLV người Mỹ Royal Ivey của Nam Sudan nói với hãng tin AP. "Ai trong chúng ta cũng có lúc mắc lỗi. Tôi chắc chắn sẽ góp ý về chuyện này. Nhưng cuối cùng, các cầu thủ đều là những người anh em".

Trong khi đó, tiền phong Nuni Omot cho rằng quốc ca bị phát sai như "tiếp thêm dầu vào lửa". Các cầu thủ cảm thấy bị coi thường và quyết tâm giành được sự tôn trọng. "Chúng tôi phải cho thế giới thấy khả năng của mình", Omot cho hay.

Trước đó, ở bán kết bơi 100m ếch nữ, khi kình ngư Macarena Ceballos bước ra ở phần giới thiệu, thì bất ngờ bảng điện tử sau lưng cô hiện cờ Trung Quốc thay vì Argentina. Ceballos nhìn lại và cười, trong khi lượt thi không có VĐV nào quốc tịch Trung Quốc.

Ceballos kết thúc phần thi với vị trí thứ tám – cuối cùng, với thời gian 1 phút 7 giây 31, nên không thể vào chung kết. Ở phỏng vấn sau trận với TyC Sports, kình ngư Argentina không bàn luận về sự cố sai cờ. Cô tập trung nói về cuộc thi và cảm thấy tức giận vì tập luyện chưa đủ để có thể đạt thành tích tốt hơn.

Macarena-Ceballos-boi-argentin-7375-8946-1722231070.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9eqi787QMaagdpAgBIWiYg

Cờ Trung Quốc hiện lên ở bảng điện tử khi kình ngư Argentina Macarena Ceballos được giới thiệu ra thi đấu, ở bán kết bơi 100 m ếch nữ Olympic Paris 2024.

Tuy nhiên, đoạn video kể trên nhanh chóng lan truyền trên Internet và khiến người dân Argentina phẫn nộ. "Thật xấu hổ về cách họ đối xử với người Argentina ở Olympic 2024", một tài khoản trên X bình luận. Một tài khoản khác cho rằng Argentina bị trả đũa sau vụ phân biệt chủng tộc của Enzo Fernandez từ hôm 14/7, khi hát về các cầu thủ Pháp, sau chức vô địch Copa America 2024.

Đây là sự cố thứ hai liên quan đến Argentina ở Olympic. Lần trước diễn ra sau khi Argentina thua Morocco 1-2 tại lượt ra quân bảng B môn bóng đá nam, hôm 24/7. Argentina ghi bàn gỡ 2-2 ở phút bù 16 hiệp hai, nhưng trận đấu bị dừng vì CĐV ném vật thể lạ và tràn xuống sân. Sau gần hai tiếng tạm dừng, trận đấu trở lại và trọng tài huỷ bàn thắng của Argentina vì lỗi việt vị. Hai đội thi đấu thêm ba phút trong tình trạng không khán giả, và Morocco bảo toàn tỷ số 2-1.

Trước hai sự việc này, ban tổ chức Olympic Paris 2024 đã phải xin lỗi vì những sự cố ở lễ khai mạc hôm 26/7. Đầu tiên là việc MC xướng tên đoàn thể thao Hàn Quốc là Triều Tiên. Sau đó, ban tổ chức tiếp tục phải xin lỗi khi một số phần trình diễn của lễ khai mạc bị tố "xúc phạm tôn giáo", "vượt giới hạn đạo đức", dẫn đến làn sóng chỉ trích dữ dội.

Trung Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022