Nam Định nổi tiếng có nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn. Địa phương này còn có chi phí sinh hoạt thuộc hàng thấp nhất cả nước với nhiều món ăn đường phố ngon, chất lượng nhưng giá rẻ.

Chẳng hạn như quán phở 5.000 đồng của chị Nguyễn Thị Chung nằm trên con phố nhỏ 19/5 (phường Trần Tế Xương, TP Nam Định) đã tồn tại gần 20 năm nay mà không hề tăng giá.

Tò mò tới thử, rồi thành khách “ruột”

Quán rộng chưa đầy 20m2 với vài bộ bàn ghế đơn sơ, mở cửa từ 17h30 đến 1-2h hôm sau nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào. Thực khách đến quán đa phần là khách quen, đã ăn nhiều năm nay.

Chị Chung chia sẻ: “Tôi bắt đầu bán phở từ năm 2005, khách hàng hướng tới là sinh viên, công nhân nên tôi chọn khung giờ người ta tan làm, ăn tối. Dù giá cả ngày một tăng nhưng tôi vẫn giữ mức 5.000 đồng/bát từ đó tới giờ và trở thành thương hiệu luôn”.

pho.jpgBát phở giá 5.000 đồng

Nghe phở có giá 5.000 đồng, không ít người tìm đến vì tò mò nhưng sau khi thưởng thức, đa phần họ đều tấm tắc khen và quay lại ăn nhiều lần. Thậm chí có người trở thành khách “ruột” của quán.

Nguyễn Thị Lan (20 tuổi) cho biết: “Lúc đầu nghe nói có quán phở 5.000 đồng, em không tin nên đến ăn thử xem sao. Ăn rồi lại thấy rất hợp miệng nên em quay lại ăn nhiều lần, lâu không ăn sẽ thấy nhớ.

Mức giá này thực sự rất 'hời' đối với sinh viên xa nhà, cần tiết kiệm chi phí sinh hoạt như chúng em. Sức ăn như em chỉ 1 bát là đủ no”.  

Bát phở 5.000 đồng của chị Chung gồm bánh phở, 1 viên mọc hoặc chả lá lốt, 1 chút gà xé phay, rau thơm và được chan nước dùng ngọt thanh. Nước dùng được ninh từ xương gà, thêm phần nước luộc gà, nêm nếm lại.

Được biết đến với thương hiệu phở 5.000 đồng nhưng quán cũng phục vụ những bát phở có giá cao hơn, từ 10.000 – 30.000 đồng tuỳ lượng nguyên liệu.

Quán 5.000 đồng hút khách ''nhà giàu''

Quán phở không chỉ thu hút lượng lớn học sinh, sinh viên mà còn thu hút cả những thực khách “nhà giàu”.

Giờ cao điểm của quán là 19 - 21h, khách vào ra liên tục. Quán phải kê thêm mấy bộ bàn ghế ra ngoài mới đủ chỗ cho khách ngồi. Quán cũng phải giao cho một nhân viên nhiệm vụ chỉ chỗ cho khách để xe vì khách đi ô tô đến ăn rất nhiều.

pho1.jpgQuán phở luôn trong tình trạng kín khách

Anh Nguyễn Huy Hoàng (34 tuổi), một thực khách “ruột” của quán vừa chờ gọi đồ vừa “trách”: “Tôi ăn phở ở rất nhiều nơi nhưng vẫn muốn quay lại đây ăn.

Có lẽ do bánh phở mềm, nước dùng đậm đà, không bị thêm nhiều gia vị nên giữ nguyên được hương vị gà mộc mạc khiến tôi cảm thấy rất hợp khẩu vị.

pho2.jpgAnh Nguyễn Huy Hoàng thích thú thưởng thức bát phở giá 5.000 đồng

Hầu như tuần nào tôi cũng cùng bạn bè đến ăn ở đây vài lần. Mỗi lần, tôi thường ăn 2 bát phở 5.000 đồng và gọi thêm trứng vịt lộn, gà đùi. Có điều, quán nằm trong đường nhỏ, khó đỗ xe nên nhiều lúc muốn ăn thường xuyên hơn lại ngại”.

Chị Chung chia sẻ, khách chủ yếu gọi bát phở 5.000 đồng. Nhiều người thấy rẻ thì ăn thêm bát thứ 2, 3. Thậm chí, có khách ăn tới 6 bát. Mỗi ngày, chị bán được hơn 500 bát bún, phở với 30kg gà đùi, 350 quả trứng vịt lộn, 130kg bánh phở.

Thông thường, từ sáng sớm chị sẽ chuẩn bị nguyên liệu, ninh nước dùng, đến 17h30 quán bắt đầu mở cửa. Quán nhỏ nhưng chị phải thuê thêm 3 nhân viên phụ việc mới kịp làm đồ cho khách.

Vừa luôn tay chia phở ra bát, chị Chung vừa bộc bạch: “Nhìn quán lúc nào cũng đông khách, nhiều người nghĩ tôi ăn nên làm ra lắm nhưng với giá nguyên liệu thời điểm này, bán bát phở 5.000 đồng là tôi không có lãi đâu.

Nhiều khách đến ăn bát phở có giá cao hơn, hoặc gọi bát 5.000 đồng nhưng thêm trứng vịt lộn hoặc vài đồ ăn kèm nên lời lãi từ đó gồng gánh bù trừ nhau. Việc bán số lượng cũng bù lại nên tôi vẫn duy trì được”.

Chị Chung chia sẻ thêm, dù giá nguyên liệu có biến động nhưng thời gian tới để duy trì thương hiệu, chị vẫn quyết không tăng giá mà sẽ bán thêm các món ăn kèm, nước uống để bù đắp lại.

1.jpg?width=150Du Lịch
Chấm điểm 6 quán phở ở Hà Nội được Michelin tấm tắc khen

Theo VietNamnet

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022