Trước thực trạng, hài dân gian đang bị “chết mòn” bởi sự lấn át của truyền hình thực tế và nhiều phương tiện giải trí khác, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã bắt tay vào phục dựng lại tác phẩm “Chí Phèo” với tên gọi “Chí Phèo ngoại truyện”. Phim được dựng lên dưới dạng hài sitcom do nghệ sĩ Giang “còi” đóng Chí Phèo, NSƯT Thu Hạnh đóng Thị Nở, NSND Quốc Anh vai Bá Kiến, nghệ sĩ Trà My vai Tổ trưởng dân phố.
“Chí Phèo ngoại truyện” không tái hiện lại câu chuyện cuộc đời của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm văn học của Nam Cao mà được sáng tạo mang hơi thở của thời đại. Theo đó, Chí Phèo vẫn xuất hiện cùng Thị Nở trong bối cảnh làng quê với nét xấu “ma chê quỷ hờn”. Nhưng Chí Phèo và Thị Nở sẽ “sống” lại sau 100 năm do uống rượu “bách miên niên” của Tự Lãng ngày xưa tặng. Ngỡ ngàng trước cuộc sống đổi thay, vợ chồng Chí Phèo quyết định tìm hiểu xem cuốc sống hiện tại ra sao. Càng tìm hiểu, vợ chồng Chí Phèo – Thị Nở càng thấy khó hiểu bởi những mâu thuẫn xã hội, những hoàn cảnh trớ trêu…
Tập 1 của serie với tựa đề: “Cuộc sống mới” sẽ chính thức ra mắt trên kênh Youtube vào ngày 6/7/2017, với tần suất mỗi tuần một tập.
Nghệ sĩ Trà My cho biết, trong quá trình quay “Chí Phèo ngoại truyện” ở Tây Mỗ (Hà Nội), nghệ sĩ Giang “còi” vì quá phiêu với nhân vật Chí Phèo khiến bạn diễn “hăng máu” cầm chai “tương thẳng” vào mặt nam diễn viên này. Hậu quả là nghệ sĩ Giang “còi” máu chảy đầm đìa và đoàn làm phim bị một phen hoảng hồn. Dù sao đó rất đau vì vết thương rách khá sâu nhưng nghệ sĩ Giang “còi” vẫn cố gắng lấy lại bình tĩnh để hoàn thành trọn vẹn các cảnh diễn của mình.
Theo đạo diễn Phạm Đông Hồng, bên cạnh serie “Chí Phèo ngoại truyện” còn có “Thầy đồ dạy học” với sự tham gia của NSND Bùi Bài Bình trong vai Thầy Đồ, Tú Vịt trong vai Bà Đồ và nhiều diễn viên khác.
Chuyện phim của “Thầy đồ dạy học” kể về lớp học của ông Thầy Đồ nhưng lại lồng vào những vấn đề được xã hội quan tâm. 11 tập của serie hài sitcom này sẽ lần lượt được phát trên kênh Youtube sau 10 tập “Chí Phèo ngoại truyện”.
Tất cả những tập đều được đạo diễn Phạm Đông Hồng trực tiếp làm biên tập và đạo diễn. Đặc biệt, “Người xưa – Chuyện nay” được làm phụ đề hai thứ tiếng: Anh và Trung. Đây là hình thức thể hiện mới nhằm phục vụ được đông đảo quần chúng nhân dân và đặc biệt là cộng đồng người Việt ở ngoài lãnh thổ Việt Nam muốn tìm hiểu về văn hóa Việt.
“Hài dân gian từng là “đặc sản” của những năm thập niên 2000 nhưng nhiều năm trở lại đây đã bị vắng bóng dần. Chỉ đến dịp Tết Nguyên đán khán giả mới có dịp thưởng thức một vài phim. Hài dân gian thực ra không hẳn bị khán giả quay lưng hay truyền hình thực tế đè bẹp mà là do thể loại này rất khó làm. Giả sử có một kịch bản hay nhưng không có bối cảnh thì đôi lúc cũng phải “bó tay”. Ngoài ra, hài dân gian khá kén khán giả, chỉ những người trung tuổi mới thích thể loại này. Và nếu làm không khéo đối tượng khán giả co hẹp lại. Vì thế, cách làm của tôi là không trung thành với kiểu dân gian như ngày xưa mà đưa các vấn đề mang hơi thở của thời đại. Tức là dùng những nhân vật xưa để nói chuyện ngày nay. Theo đuổi 22 năm, mỗi tết tôi làm ít nhất hai phim hài dân gian nhưng có vẻ vẫn còn ít. Phim của tôi thường hướng đến nhiều đối tượng khán giả, trong đó trẻ con xem cũng thích và thuộc cả câu thoại mà người già cũng gật đầu đồng ý…”, đạo diễn Phạm Đông Hồng nói.
Hà Tùng Long