Tôi nói: "Con virus nhỏ bé này bắt tất cả chúng ta phải thay đổi. Hạn chế ra đường, tôi phải làm việc ở nhà, phỏng vấn online, điều tra trực tuyến, nhưng bài vở phải đủ và báo vẫn ra đúng kì. Đó là thay đổi để tồn tại. Tất cả chúng ta đều phải thay đổi. Cô nhìn sang đầu cầu vượt phía bên kia xem người đàn ông chạy xe ôm . Mặc dù thành phố đã có lệnh hạn chế xe ôm rồi nhưng ngày nào ông ấy cũng đứng ở đó. Rất ít khách. Nửa ngày hôm qua không có khách nào. Tôi hỏi ông ta: "Thành phố hạn chế xe ôm sao ông vẫn đứng đây?". "Tôi không có việc gì làm cả. Cứ liều đứng thế này may ra bắt được một vài khách, mua được hai cân gạo cho vợ con". Đó là một người không thay đổi, hay nói đúng hơn là không biết thay đổi".
"Nhiều người không biết thay đổi đâu, chú ạ! Vợ chồng cháu cũng không biết thay đổi. Ở nhà chán lắm. Anh Cường ngủ hơn 8h mới dậy. Ăn sáng xong thì ngồi xem tivi. Trưa thì ăn cơm rồi nằm ngủ tiếp. Tối đến cả nhà lại quây quần ăn cơm. Ăn xong cháu thu dọn bát đĩa để rửa. Xong cháu đi tắm. Tắm xong cháu vào nhà đã thấy chồng nằm ngáy vo vo rồi. Ngủ một mạch cho đến 8h sáng, coi như vợ chết rồi. Nhiều khi muốn cãi nhau lắm nhưng phải cắn răng mà nhịn. Nếu cháu không nhịn thì ngày nào cũng cãi nhau", cô Thịnh kể.
"Phải nghĩ cách thay đổi, cháu ạ. Không thể sống như thế được đâu. Ăn hết 10 triệu bố chồng cho thì sống bằng gì?". "Cháu cũng muốn thay đổi lắm chứ, nhưng không biết phải thay đổi như thế nào". "Phải nghĩ cách cháu ạ. Bác Ổn ở phố ta là tài xế xe buýt. Trước đây 5h sáng đã lên xe và ôm vô lăng cho tới 21h30 phút. Giờ thành phố hạn chế đến 80% xe bus thì ông ấy 24h ngồi ở nhà. Nếu không thay đổi thì lại xem tivi. Nhưng bác ấy đã kịp thay đổi, treo biển sửa chữa đồ điện gia dụng, kiếm được lắm. Đó là thay đổi để tồn tại. Khi thành phố không hạn chế xe bus nữa thì lại đi lái xe". "Đó là bác Ổn. Còn chúng cháu thì không biết phải thay đổi như thế nào. Chồng cháu chỉ có mỗi nghề lái taxi. Còn cháu là giáo viên mầm non. 7h30 sáng đón học sinh, rồi hát với cháu, múa với các cháu, đến bữa ăn cùng các cháu, 17h chiều mới về nhà, đi chợ phục vụ chồng con. Nhưng đó là ngày trước. Còn bây giờ thì không biết làm gì để kiếm ra tiền".
(Còn nữa)
Tiểu phẩm của Khánh Hoàng