Tiền thân là Viện Truyền máu Quốc gia (chế độ Sài Gòn), sau ngày thống nhất đất nước nơi đây được đổi tên thành Viện Truyền máu và 5 năm sau trở thành Trung tâm Truyền máu - Huyết học TP HCM. Năm 2002, nơi này mang tên Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, là cơ sở chuyên khoa hạng một, tuyến cuối của khu vực phía Nam, một trong những bệnh viện hàng đầu cả nước về truyền máu và huyết học.
Những ngày đầu hoạt động sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, viện chỉ vỏn vẹn 36 người, gồm một bác sĩ và bốn dược sĩ, chuyên tiếp nhận, điều chế và phân phối máu cho các bệnh viện tại thành phố, TS.BS.CK2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, cho biết tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập bệnh viện, 30 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam, ngày 11/7.
Ngày 12/5/1990 đánh dấu bước ngoặt lớn khi bệnh viện lập khu điều trị các bệnh lý về máu quy mô 30 giường, với đội ngũ 6 bác sĩ, 10 điều dưỡng. Đây được xem là khoa điều trị bệnh lý huyết học riêng biệt đầu tiên cả nước. Hơn 5 năm sau, học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, Đài Loan, viện thực hiện ca ghép tủy xương đầu tiên tại Việt Nam và trở thành trung tâm ghép tủy đầu tiên của cả nước, mở đầu kỷ nguyên ghép tủy trị bệnh huyết học.
Người đầu tiên ở Việt Nam được ghép tủy là nam thanh niên 21 tuổi mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, được ghép tế bào gốc từ chị ruột hiến. Đây là ca ghép nửa thuận hợp HLA (người cho tế bào gốc chỉ phù hợp một nửa gene với bệnh nhân), tính chất phức tạp hơn so với ghép tế bào gốc tự thân của chính người bệnh. Sau ghép, người thanh niên khỏi bệnh, lập gia đình, sinh hai con và sống khỏe đến nay.
PGS.TS.BS Trần Văn Bé, giám đốc đầu tiên của viện, người chỉ huy ca ghép trên, nhớ lại muôn vàn khó khăn thiếu thốn khi tiên phong thực hiện kỹ thuật này để cứu người bệnh. "Đến cây kim chọc tủy khi ấy còn chưa có, chúng tôi phải chọn lựa từ loại dùng cho thú y đem về xử lý để dùng", ông nói.
Từ thành công này, bệnh viện tiếp tục đi đầu trong nhiều kỹ thuật ghép tế bào gốc phức tạp khác. Năm 2002, nơi đây thực hiện ca ghép máu cuống rốn đầu tiên Việt Nam, sau đó là những kỹ thuật mới nhất của thế giới, đồng thời hỗ trợ nhiều bệnh viện khác triển khai kỹ thuật. Đến nay, bệnh viện thực hiện khoảng 700 ca, đứng đầu cả nước về số lượng.

Ca ghép tủy đầu tiên Việt Nam tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, năm 1995. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngân hàng tế bào gốc là một trong ba lĩnh vực mạnh nhất của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM hiện nay. Hai lĩnh vực còn lại là khám chữa bệnh với gần 10.000 ca nhập viện, 140.000 lượt ngoại trú mỗi năm và ngân hàng máu. Hiện, ngân hàng máu cho ra đời hơn 650.000 đơn vị chế phẩm máu mỗi năm, phục vụ tất cả bệnh viện tại thành phố và một số tỉnh lân cận. Dự kiến cuối năm nay, bệnh viện khởi công xây trụ sở hai ngân hàng này, công suất gấp nhiều lần hiện tại.
Đầu năm nay, bệnh viện là cơ sở y tế công lập đầu tiên đạt chứng nhận chất lượng JCI hàng đầu thế giới, điều trị người bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế với giá cả Việt Nam. Nơi này hiện có gần 1.000 nhân viên với hơn 160 bác sĩ ở nhiều chuyên khoa. Bệnh viện tiếp tục phát triển nhiều liệu pháp mới, kỹ thuật mới, để người bệnh được thụ hưởng tiến bộ hàng đầu thế giới, không cần phải đi nước ngoài điều trị.

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM khánh thành cơ sở mới vào tháng 5/2022, với cơ ngơi khang trang, trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy đánh giá cao những nỗ lực của bệnh viện trong hành trình từ cơ sở chỉ có một lĩnh vực duy nhất là lấy máu đã trở thành ngân hàng máu, ngân hàng tế bào gốc, cơ sở khám chữa bệnh đạt chuẩn quốc tế JCI, tiên phong trong nhiều kỹ thuật phức tạp ở Việt Nam. Bà kỳ vọng nơi này cùng một số bệnh viện lớn trong thành phố tiếp tục vai trò dẫn dắt, góp phần xây dựng TP HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Lê Phương