"Đại dịch này giết con người hai lần", Andrea Cerato, nhân viên dịch vụ tang lễ ở Milan nói. "Đầu tiên, nó tách bạn khỏi người thân. Sau đó, kể cả khi bạn qua đời, cũng không ai khác được lại gần. Các gia đình đau khổ và khó chấp nhận điều này".

Do Covid-19, chính phủ Italy yêu cầu người dân ngừng tổ chức đám tang. Nhiều bệnh nhân chết đơn độc trong bệnh viện mà không có gia đình hay bạn bè ở bên. Người đã mất không thể truyền bệnh song virus vẫn sống trên quần áo họ nhiều tiếng. Điều đó có nghĩa, thi thể bệnh nhân được niêm phong ngay lập tức. 

"Rất nhiều gia đình hỏi chúng tôi liệu họ có được nhìn người thân lần cuối không. Nhưng điều này hoàn toàn bị cấm", Massimo Mancastroppa, nhân viên dịch vụ tang lễ ở Cremona chia sẻ. Mỗi ngày, ông chôn cất ít nhất một bệnh nhân qua đời vì Covid-19 và mọi thứ diễn ra trong im lặng.

3266-9408-1585216087.jpg

Nhân viên tang lễ vận chuyển quan tài của một bệnh nhân qua đời vì virus corona vào nghĩa trang ở Bergamo. Ảnh: Flavio Lo Scalzo/Reuters.

Trước tình huống chưa từng có, nhân viên tang lễ trở thành gia đình, bạn bè, thậm chí là linh mục của những bệnh nhân qua đời vì nCoV bởi hầu hết thân nhân của họ đều bị cách ly. 

"Chúng tôi chịu mọi trách nhiệm", Andrea nói, "Chúng tôi gửi gia đình họ ảnh chụp quan tài sẽ dùng cho người mất, sau đó đem thi thể từ bệnh viện đi chôn hoặc hỏa thiêu. Các gia đình không có lựa chọn nào khác ngoại việc tin chúng tôi". 

Điều khó nhất với Andrea là không thể làm dịu nỗi đau của các gia đình mất người thân. Thay vì nói với họ những gì mình có thể làm, Andrea giờ đây liệt kê những điều ông không được làm.

"Chúng tôi không thể mặc đồ mới, chải tóc và trang điểm cho người đã khuất. Chúng tôi không thể giúp họ trông đẹp và thanh thản hơn. Điều đó thật buồn", Andrea nói. Đã 30 năm làm nhân viên tang lễ, ông thấy "thật tệ" khi các gia đình không thể nắm tay, vuốt má hay ngắm người thân lần cuối.

Cũng để tránh phát tán dịch bệnh, các vật dụng cá nhân giờ đây không được chôn cất cùng người đã khuất. Nhiều gia đình cố đưa cho nhân viên tang lễ những lời nhắn, bài thơ, bức tranh như những món đồ này đều bị bỏ lại.

Trường hợp bệnh nhân qua đời ở nhà, nhân viên tang lễ được phép vào trong để đưa thi thể ra với điều kiện mang đủ đồ bảo hộ gồm kính, khẩu trang, găng tay và áo trùm. Với các gia đình, cảnh tượng này không hề dễ nhìn.

Chưa kể, việc tiếp xúc với thi thể người bệnh buộc nhiều nhân viên tang lễ ở Italy phải tự cách ly hoặc đóng cửa dịch vụ. Đối với những cơ sở còn hoạt động, nỗi lo lớn nhất là không đủ đồ bảo hộ để tiếp tục.

"Chúng tôi có đủ đồ bảo hộ cho một tuần nữa. Nếu hết, chúng tôi sẽ không thể làm việc", Andrea nói. "Chúng tôi là một trong những nhà tang lễ lớn nhất đất nước nên không thể tưởng tượng được những nơi khác đối phó như thế nào". 

Về phần mình, Massimo cố làm những gì có thể. Nếu điều kiện cho phép, ông chở các quan tài đến nhà thờ, sau đó mở nắp và nhờ một linh mục làm lễ trong vài giây.

"Nhiều người coi chúng tôi chỉ là những kẻ vận chuyển linh hồn", Massimo thở dài. "Nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng tất cả những gì chúng tôi muốn là để người chết ra đi một cách tử tế".

Tính đến chiều 26/3, Italy ghi nhận hơn 7.500 trường hợp tử vong vì Covid-19.

Thu Nguyệt (Theo BBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022