Tại hội thảo về việc dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT do Hội GDNN TP HCM tổ chức mới đây, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng thông tư này ra đời đã gỡ được nút thắt về giảng dạy văn hóa trong trường nghề.
Trao quyền cho trường nghề
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đội ngũ giáo viên và cách dạy làm sao để học sinh học hiệu quả nghề lẫn văn hóa. Nếu phân bố thời lượng, chương trình không hợp lý, khoa học, học sinh có thể chán nản, bỏ học.
Thông tư 15 quy định học sinh các cơ sở GDNN phải học 3 môn bắt buộc: toán, ngữ văn, lịch sử. Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề đào tạo phải học thêm ít nhất một môn lựa chọn trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý. Trong đó, toán và ngữ văn sẽ có thời lượng 252 tiết/môn học, các môn còn lại là 168 tiết/môn học.
Người đứng đầu cơ sở GDNN quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành nghề đào tạo, phân chia các kỳ và xây dựng kế hoạch giảng dạy thực hiện đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt. Mỗi lớp học không quá 45 học sinh.
Cơ sở GDNN phải có đủ giáo viên đạt chuẩn nghề, giáo viên cơ sở giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mới được tổ chức giảng dạy. Sau khi thi và có kết quả các môn học theo ngành nghề đào tạo từ 5 điểm trở lên, học sinh được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo ngành nghề đó. Giấy chứng nhận được người đứng đầu cơ sở GDNN cấp.
Thông tư 15 là hành lang pháp lý để triển khai việc dạy văn hóa cho học sinh vừa tốt nghiệp THCS tham gia học nghề tại trường trung cấp, hệ 9+ tại các trường cao đẳng.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng cần thấu hiểu bản chất vấn đề là dạy văn hóa trong trường nghề, tức là khi học sinh vào trường nghề vẫn được học văn hóa để có kiến thức tối thiểu, có tư duy cơ bản để có thể học được nghề. Như vậy, khi phân bố thời lượng giảng dạy văn hóa, các trường cần chú ý đến việc học sinh sẽ chán nếu như bị học dồn dập giống trong trường phổ thông. Có thể năm đầu tiên học văn hóa ít, kèm với đó tăng thời lượng học nghề.
Theo ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP HCM), đầu năm học 2022-2023, Bộ GĐ-ĐT ban hành Thông tư 12 hướng dẫn trường nghề dạy chương trình THPT phải kết hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Nhà trường đã mời các trung tâm GDTX đến dạy cùng theo thông tư. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản ứng rất mạnh, nói rằng cho con em mình học nghề của trường chứ không phải học văn hóa của trung tâm GDTX. Nhiều phụ huynh cho biết con em họ đã học văn hóa không tốt nên mới chọn học nghề, giờ phải học tất cả chương trình GDTX thì quá nặng.
"Ở giai đoạn đó, nhà trường rất lúng túng khi chưa biết triển khai cho học sinh học văn hóa theo hình thức nào. May mắn là Bộ GD-ĐT đã ban hành kịp thời Thông tư 15 giúp trường nghề gỡ rối. Những trường có đủ giáo viên, cơ sở vật chất hoàn toàn có thể tổ chức dạy chương trình THPT" - ông Lộc nhìn nhận.
Nói rõ hơn về vấn đề "trao quyền" cho trường nghề, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh Thông tư 15 đã nêu rõ các cơ sở GDNN được chủ động giảng dạy mà không cần xin phép nhưng phải bảo đảm các điều kiện của bộ. Nếu trong quá trình giảng dạy có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, ông Nghệ cũng cho rằng hiện không bắt buộc học sinh của cơ sở GDNN phải học tất cả các môn trong chương trình GDTX. Mỗi ngành nghề học ít nhất 4 môn, nhiều nhất 7 môn. Các trường nghề được quyền quyết định để phù hợp với đối tượng học sinh của mình, tránh quá tải.
Đại biểu dự hội thảo trao đổi về quy định mới trong giáo dục nghề nghiệp
Cần mở ra con đường học đại học
Bên cạnh những em mong muốn học nghề để ra làm việc sớm, không ít học sinh muốn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Tuy nhiên, để đủ yêu cầu thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải có chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX bậc THPT (7 môn) do người đứng đầu trung tâm GDTX cấp. Theo ông Phạm Hữu Lộc, đây là một vướng mắc rất lớn, là rào cản khi các em học 4 môn vẫn muốn thi tốt nghiệp THPT.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng học sinh học nghề không phải không có khả năng thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, khóa học sinh 9+ đầu tiên của trường này học song song văn hóa và nghề có 356 em thi tốt nghiệp THPT thì 354 em đậu - tỉ lệ 99,44%, cao hơn tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT của trung tâm GDTX mà trường mời về dạy. Như vậy, có thể thấy các em vẫn có khả năng đáp ứng kiến thức để thi tốt nghiệp, thậm chí là xét tuyển đại học.
Vì vậy, đại diện các trường nghề tại buổi hội thảo đều mong muốn Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) có quy định cụ thể là học sinh đã hoàn thành chương trình văn hóa 4 môn tại các cơ sở GDNN cần học thêm những gì, học bao lâu, học ở đâu… thì đạt yêu cầu để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT, tạo thuận lợi cho các em học tập suốt đời.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN - Bộ LĐ-TB-XH, đồng ý rằng điểm vướng mắc cần khắc phục là chỉ có trung tâm GDTX mới được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT. Rào cản này liên quan đến Luật Giáo dục 2019, do đó các bộ, ngành cùng nghiên cứu để trình Quốc hội tháo gỡ.
Trong thời gian chờ đợi, UBND các tỉnh, thành cần có văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 15, phát huy vai trò của chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN thuận lợi trong việc dạy văn hóa THPT.
Nên quy về một mối
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, một khó khăn trong thực hiện dạy văn hóa ở trường nghề là vấn đề quản lý nhà nước chồng chéo - trường nghề thì Bộ LĐ-TB-XH quản lý nhưng giáo dục phổ thông thì Bộ GD-ĐT quản lý. Điều này dẫn đến quá trình hoạt động của trường mất tính hệ thống. Do vậy, để điều tiết tuyển sinh và phân luồng, phải có một cơ quan quản lý đứng đầu cân đối về trình độ nhân lực, chịu trách nhiệm chính.