soi-xam-set-4310-1721385686.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=g83ZgtKn8jIjZJb0Qi8yCA

Sói xám châu Âu gây tranh cãi. Ảnh: Aspinall Foundation

Khoảng một thế kỷ trước, sói xám gần như tuyệt chủng tại châu Âu do bị coi là mối đe dọa với gia súc gia cầm và bị tiêu diệt. Sau đó, chúng trở thành loài "được bảo vệ nghiêm ngặt" theo Hiệp định Bern năm 1979. Nhờ các nỗ lực bảo tồn, quần thể sói xám dần phục hồi. Tuy nhiên, chúng đang gây ra làn sóng phản đối từ nông dân và mối lo ngại từ các nhà bảo tồn.

Năm 2023, những đàn sói xám ở độ tuổi sinh sản hiện diện ở 23 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), với tổng số lượng ước tính khoảng 20.300 con. Sự đông đúc khiến việc chúng tương tác với con người diễn ra thường xuyên hơn.

Năm ngoái, ngựa Dolly của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bị sói lẻn vào chuồng giết chết. Vài tháng sau cuộc tấn công, bà von der Leyen đã cảnh báo rằng sự tập trung của sói ở một số khu vực thuộc châu Âu đã trở thành mối nguy hiểm thực sự, đặc biệt là với gia súc gia cầm. EC yêu cầu các quốc gia thành viên EU sửa đổi tình trạng bảo tồn sói xám từ "được bảo vệ nghiêm ngặt" thành "được bảo vệ".

Pháp là một trong số những nước đang cố gắng giải quyết tình trạng có nhiều sói. Sói từng biến mất tại đây vào những năm 1930, bắt đầu trở lại và tăng trưởng vào những năm 1990. Tuy nhiên, số lượng sói ước tính ở Pháp năm ngoái là hơn 1.000 con, giảm 9% so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên trong gần 10 năm chúng giảm số lượng. Người dân có thể giết sói để bảo vệ vật nuôi, nhưng chỉ trong những điều kiện cụ thể. Giới hạn hiện nay cho phép tiêu diệt tối đa khoảng 20% quần thể sói tại Pháp mỗi năm và chính quyền muốn đơn giản hóa thủ tục tiêu diệt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại sói xám sẽ lại bị đe dọa. "Nếu giảm mức bảo vệ, mọi người có thể săn sói mà không cần lý do chính đáng và điều này sẽ mở đường cho đủ loại lạm dụng", Guillaume Chapron, nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển, cho biết.

Những động vật khác như lợn rừng, hươu và chim còn gây thiệt hại kinh tế lớn hơn nhiều so với sói, theo Luigi Boitani, giáo sư động vật học tại Đại học Rome. Tại Pháp, số tiền bù đắp cho thiệt hại mà sói gây ra là 4 triệu euro vào năm 2022, trong khi với lợn rừng và hươu là 65 triệu euro.

Việc cho rằng tiêu diệt sói có thể giải quyết mọi vấn đề thực chất chỉ là một giấc mơ và sẽ không hiệu quả, Boitani nhận định. Ông cho rằng nên chú trọng ngăn chặn các cuộc tấn công thông qua hàng rào điện, chó canh gác và nhiều biện pháp khác.

Thu Thảo (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022