Kết quả nghiên cứu "Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái của rừng ngập mặn Cà Mau và Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An" được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Dragon Capital Việt Nam công bố chiều 17/11 tại Hà Nội.

Theo ông Dominic Scriven OBE, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, nghiên cứu thực hiện với mục đích cung cấp nhà hoạch định chính sách Việt Nam công cụ đánh giá chi phí các hoạt động của xã hội doanh nghiệp, xác nhận phương pháp đánh giá lợi ích các bên, công bằng cho các bên tham gia.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại rừng Cà Mau, cho biết để tính giá trị hệ sinh thái, dữ liệu được thu thập theo các nhóm giá trị, sau đó sử dụng các mô hình tính toán.

Các nghiên cứu chỉ rõ vai trò của hệ sinh thái đối với phúc lợi của con người. Trong đó có giá trị sử dụng trực tiếp (cung cấp thức ăn, gỗ, củi, du lịch), gián tiếp (điều tiết, lưu trữ và hấp thụ carbon, vẻ đẹp cảnh quan) và giá trị bảo tồn (đa dạng sinh thái, nguồn gene).

rung-ngap-man-7984-1668700097.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oHyonO2V7eT6Xaryw91e9Q

Rừng ngập mặn Cà Mau. Ảnh: NLD

Theo ông Nam, nhóm sử dụng phương pháp tiếp cận và giả định để đưa ra ước lượng giá trị. Ví dụ sử dụng các phương pháp kinh tế (như chi phí hình thành, thay thế, thị trường hay thu nhập) nhằm đưa ra các định giá (quy đổi trực tiếp bằng con số).

Cụ thể, giá trị như gỗ củi là 63,5 tỷ đồng/năm, nguồn lợi thuỷ sản (đánh bắt tự nhiên, 335,1 tỷ đồng/năm); hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản (598,5 tỷ đồng/năm), phòng hộ ven biển (552,1 tỷ đồng/năm), giá trị lưu trữ và hấp thụ carbon (103,9 tỷ/năm), giá trị sinh thái du lịch cảnh quan (thông qua thu hút khách với 90,7 tỷ/năm).

z3888506447559-4d742348df4e8d1-1749-2949-1668692574.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T90AhAjNqOmZ1oKelSpq9A

Ông Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu. Ảnh: An Bình

Ông Nam cho biết, việc lượng giá là cơ sở để xây dựng chính sách duy trì giá trị bảo tồn, giúp so sánh và lựa chọn quản lý rừng ngập mặn tốt nhất; hiểu được giá trị rừng phòng hộ, đưa ra quyết định sử dụng đất hay xác định chính sách, thiết lập thị trường mới cho hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Đối với Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), nghiên cứu cũng ước tính tổng giá trị kinh tế mang lại là hơn 12.813,36 tỷ đồng/năm (chưa bao gồm giá trị bảo tồn).

TS Lại Văn Mạnh, dẫn đầu nhóm nghiên cứu Vườn quốc gia Pù Mát, cho biết là khu vực nổi tiếng với đa dạng sinh học cao, thảm thực vật nguyên sinh cao, Vườn quốc gia Pù Mát được đánh giá có sự xuất hiện loài sao la quý hiếm, song đến nay chưa có nghiên cứu nào lượng giá được giá trị hệ sinh thái tại đây.

Nhóm nghiên cứu chọn các giá trị tiêu biểu để thực hiện định giá dịch vụ hệ sinh thái, trong đó giá trị măng rừng 3.957 triệu đồng/năm với hộ gia đình, du lịch 86,7 tỷ đồng/năm, giá trị lưu trữ carbon lên tới 11.059 tỷ đồng, hay giá trị điều tiết nước cho nhà máy thuỷ điện (5 nhà máy khu vực) ước tính 53,93 tỷ đồng/năm.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, nhận định, kết quả nghiên cứu này góp phần hình thành công cụ hạch toán vốn tự nhiên chung của Việt Nam. Các nghiên cứu về lượng giá hệ sinh thái cũng là công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cộng đồng ứng phó biến đổi khí hậu.

Như Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022