Robot Thỏ Ngọc 2 trên vùng tối Mặt Trăng. Ảnh: CNSA
Những robot đầu tiên hạ cánh an toàn ở vùng tối của Mặt Trăng vẫn tiếp tục công việc, theo thông báo mới về nhiệm vụ. Trạm đổ bộ Hằng Nga 4 và robot Thỏ Ngọc 2 tiếp đất ở miệng hố Von Kármán hồi tháng 1/2019 và tiến hành các mục tiêu nghiên cứu khoa học, khám phá từ sau đó, Space hôm 18/9 đưa tin.
Robot 6 bánh Thỏ Ngọc 2 nặng khoảng 140 kg đã chạy gần 1.300 m trong 3,5 năm ở vùng tối Mặt Trăng, theo CCTV. Hành trình của cỗ máy được theo dõi từ quỹ đạo bởi tàu quay quanh Mặt Trăng Lunar Reconnaissance của NASA.
Robot trang bị một camera chụp toàn cảnh từng phát hiện khối đá hình con thỏ trông giống như một túp lều bí ẩn. Thỏ Ngọc 2 cũng tích hợp một camera xuyên đất trên Mặt Trăng, quang phổ kế chụp ảnh hồng ngoại và máy dò nguyên tử trung hòa do Trung Quốc hợp tác phát triển cùng Thụy Điển. Những trang bị trên giúp robot Thỏ Ngọc 2 thu được nhiều phát hiện thú vị ở vùng tối Mặt Trăng.
Do vùng tối của Mặt Trăng không bao giờ quay về phía Trái Đất, Trung Quốc phóng một vệ tinh chuyển tiếp mang tên Cầu Ô Thước lên quỹ đạo để truyền tín hiệu giữa tàu vũ trụ Hằng Nga 4 và Trái Đất. Nhiệm vụ Mặt Trăng tiếp theo của Trung Quốc là Hằng Nga 6. Tàu vũ trụ này sẽ tìm cách thu thập mẫu vật ở vùng tối Mặt Trăng và cũng cần Cầu Ô Thước hoặc một vệ tinh khác để liên lạc với Trái Đất.
An Khang (Theo Space)