Vải thủy tinh cao cấp T-glass là vật liệu ít người biết đến nhưng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất chip AI. T-glass thực chất là thủy tinh có hệ số giãn nở nhiệt (CTE) thấp, được đánh giá cao nhờ sự ổn định kích thước, độ cứng và khả năng thúc đẩy truyền dữ liệu tốc độ cao.
"Nhu cầu về T-glass đang tăng vọt, vì độ cứng của nó giúp ngăn chất nền bị uốn cong trong quá trình đóng gói chip tiên tiến, rất quan trọng với tỷ lệ sản xuất chip AI đạt chuẩn", một giám đốc cấp cao từ Unimicron giải thích với Nikkei Asia.

Một cuộn vải thủy tinh của Nittobo. Ảnh: Nittobo
Nittobo cung cấp vải thủy tinh cho các nhà sản xuất vật liệu như Resonac và Mitsubishi Gas Chemical của Nhật Bản để tạo ra tấm phủ đồng (CCL). Sau đó, các đơn vị chuyên về chất nền chip và bảng mạch in như Ibiden, Unimicron sẽ dùng CCL để sản xuất chất nền chip cao cấp, được sử dụng để gắn và đóng gói chip AI từ Nvidia và những hãng khác. Ngoài ra, vải thủy tinh cao cấp cũng rất cần thiết cho chip nhớ và bộ xử lý mạnh mẽ.
Theo Digitimes, máy chủ AI phát triển bùng nổ từ cuối năm 2024 khiến nhu cầu về những công nghệ đóng gói bán dẫn tiên tiến như CoWoS tăng vọt, gây áp lực lên nguồn cung nguyên vật liệu đầu chuỗi. Nittobo không thể tăng sản lượng vải thủy tinh đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu cao, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn nguồn cung.
"Nếu bạn mua chừng này vật liệu từ Nittobo vào năm ngoái, số lượng bạn nhận được từ công ty trong năm nay, năm sau, năm sau nữa vẫn sẽ giữ nguyên, trừ khi nhà máy mới của Nittobo đi vào hoạt động. Không phải chỉ cần đến Nittobo với rất nhiều tiền mặt trong tay là có thể mua thêm", một giám đốc tại Kinsus, nhà cung cấp cho Nvidia và AMD, cho biết.
Theo giám đốc một nhà cung cấp chất nền chip khác, công ty ông đang phải chờ đợi lâu hơn để các đơn đặt hàng CCL cao cấp được hoàn thành. "Giờ chúng tôi phải chờ khoảng 6-8 tuần để được giao hàng", ông nói.

Nhà máy của Nittobo tại Đài Loan. Ảnh: Nittobo
Chiến lược hoạt động của Nittobo
Nittobo ban đầu là một nhà máy kéo sợi thành lập năm 1898, khi chính quyền Meiji nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung dệt may trong nước - một câu chuyện quen thuộc với nhiều nhà sản xuất vật liệu chip tại Nhật Bản.
Đến 1938, công ty thành công sản xuất công nghiệp sợi thủy tinh và tung ra vải thủy tinh cho bảng mạch in hơn ba thập kỷ sau. T-glass ra mắt năm 1984, dần trở thành vật liệu quan trọng trong sản xuất chip AI.
Năm tài chính vừa qua, Nittobo ghi nhận doanh số 109 tỷ yen, tăng 17% so với năm trước. Biên lợi nhuận của công ty tăng từ 9% lên 15,1%, chủ yếu do nhu cầu về AI.
Nhận thấy vấn đề thiếu hụt nguồn cung, Nittobo cam kết đầu tư 80 tỷ yen (550 triệu USD) để mở rộng sản xuất vật liệu bán dẫn, bao gồm T-glass, tại Nhật Bản và đảo Đài Loan. CEO Hiroyuki Tada cho biết, mục tiêu của công ty là đến tháng 3/2028 sẽ đạt công suất gấp đôi năm 2025 tại Đài Loan. "Chúng tôi làm mọi thứ có thể để tránh gây bất tiện cho khách hàng của mình", Tada nói và khẳng định công ty đang hoạt động hết công suất.
Tuy nhiên, họ không muốn tăng năng lực sản xuất quá nhanh do lo ngại thị trường điện tử biến động và trải nghiệm "đau thương" trước đây của công ty khi nhu cầu đột ngột biến mất.
Tada cũng cho rằng khi có dấu hiệu khan hiếm, một số khách hàng sẽ đặt mua nhiều hơn mức cần thiết. "Khi lo lắng, đôi khi các công ty cuối chuỗi đặt nhiều hơn nhu cầu thực tế để đảm bảo an toàn. Tôi nghĩ có lẽ điều đó đang diễn ra với một số đơn của chúng tôi", ông nói.

Trụ sở chính của Taiwan Glass tại Đài Bắc. Ảnh: Kai-Cheng Chuang
Những đối thủ mới của Nittobo đang xuất hiện
Nhu cầu không được đáp ứng là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự cạnh tranh. Trong khi Nittobo đang dẫn đầu về T-glass, một số công ty cũng đang tìm cách thâm nhập thị trường ngách béo bở này.
Taiwan Glass, nhà sản xuất thủy tinh lớn nhất Đài Loan, đang tăng cường công suất để phục vụ sự bùng nổ AI. Công ty này đang cải tạo một dây chuyền sẵn có và dự kiến hoạt động cuối năm 2025, sớm hơn so với lộ trình ba năm của Nittobo.
"Công ty Nhật Bản đang mở rộng quá chậm", Lin Chia-yu, Giám đốc bộ phận sợi của Taiwan Glass, nói với CommonWealth Magazine. Gần đây, các giám đốc từ Nvidia và Unimicron cũng đã ghé thăm trụ sở chính của Taiwan Glass vài ngày một lần để thúc đẩy sản xuất.
T-glass của Nittobo đang là tiêu chuẩn của ngành. Nhưng khoảng hai năm trước, Taiwan Glass cũng phát triển công thức thủy tinh ít giãn nở riêng với tên gọi TS-Glass. Do nhu cầu thị trường khi đó thấp, Taiwan Glass phải tháo dỡ lò nung chuyên dụng và chuyển đổi mục đích sử dụng sang sản phẩm khác. Đến cuối năm 2023, do nhu cầu cao từ Nvidia và Unimicron, TS-Glass được hồi sinh.
Các công ty Trung Quốc cũng tích cực tham gia cuộc đua vật liệu này, trong đó có Taishan Fiberglass. Công ty đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, đặc biệt là để phục vụ nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, Taishan Fiberglass lại thuộc Tập đoàn Vật liệu xây dựng quốc gia Trung Quốc CNBM, không phù hợp với chuỗi cung ứng AI của Mỹ, vốn đang muốn giảm linh kiện Trung Quốc.
Theo giám đốc một công ty cung cấp chất nền chip, những loại vải thủy tinh mới sẽ cần được các nhà sản xuất chất nền và khách hàng cuối xác nhận chất lượng. "Thực tế, một số nhà sản xuất vật liệu đã phát triển các lựa chọn thay thế, nhưng không nhà sản xuất chất nền nào sẵn sàng sử dụng chúng, vì khách hàng cuối không muốn thay đổi vật liệu", người này giải thích.
T. J. Tseng, Chủ tịch Unimicron, cũng nhận định: "T-glass cao cấp không phải thứ ai cũng có thể sản xuất ngay lập tức". Ông cho rằng Nittobo có thể giữ vững vị trí quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng một thời gian nữa.
Thu Thảo (Theo Nikkei Asia, Digitimes)