"Trong xã hội thời AI, chúng tôi khuyến khích học sinh tiếp cận cái mới và tạo điều kiện làm điều đó", bà Đinh Thị Thiên Ân, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Bé (quận Bình Thạnh), nói tại sự kiện Phát triển hệ sinh thái drone/UAV thông minh trong giáo dục đào tạo và công nghiệp, diễn ra tại TP HCM ngày 16/5.

DSC08851-JPG-1747397897-2837-1747398234.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qTrbgu8t5bOdy3EMyyuUkA

Bà Đinh Thị Thiên Ân, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Bé. Ảnh: Bảo Lâm

Theo bà, tương tự các CLB về thể dục, nghệ thuật, học thuật hay nghiên cứu khoa học, việc đưa thiết bị và công nghệ máy bay không người lái (drone/UAV) giúp học sinh có thể giải trí sau giờ học, cũng như khơi dậy đam mê. Trường hiện thành lập hai CLB là Drone Soccer và Drone Nông trại.

Drone Soccer (Bóng đá trên không) là môn thể thao công nghệ kết hợp giữa điều khiển drone và chiến thuật đồng đội. Drone được bọc khung hình cầu sẽ bay trong sân lưới, thi đấu theo luật bóng đá đối kháng. Bộ môn thể hiện kỹ năng điều khiển và chiến thuật, tính đồng đội, thúc đẩy sự sáng tạo và học hỏi.

"Thông qua trải nghiệm thực tế với Drone Soccer, học sinh có thể phát triển kỹ năng điều khiển, tư duy kỹ thuật và khả năng làm việc nhóm", bà Ân cho biết.

dua-droneuav-vao-truong-thcs-1747398035.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=azxjt1O0QGaWaUtES6zz9g
Đưa drone/UAV vào trường THCS

Học sinh trường THCS Nguyễn Văn Bé và THCS Nguyễn Du trình diễn Drone Soccer. Video: Bảo Lâm

Trong khi đó, Drone Nông trại gồm mô hình sa bàn được các học sinh thiết kế và thống nhất phiên bản tối ưu, sử dụng bóng bàn làm đạo cụ mô phỏng gia súc và cây trồng. Học sinh trực tiếp vận hành drone để thực hiện ba nhiệm vụ chính: giám sát nông trại, hỗ trợ chăn gia súc và phun thuốc bảo vệ cây trồng.

Dù hoạt động theo dạng CLB, các nhóm drone của trường có giáo trình hoạt động nhằm đảm bảo học sinh thực hiện nhiều hoạt động từ khởi động, huấn luyện, trải nghiệm thực hành đến việc đánh giá và lập kế hoạch cho năm tiếp theo.

"Mỗi drone sử dụng khoảng 5,5 triệu đồng, mức giá không dễ tiếp cận đối với học sinh. Chúng tôi vẫn kết hợp giữa kinh phí của nhà trường, nguồn tài trợ cũng như từ sự đóng góp của phụ huynh nhằm tạo sân chơi bổ ích", bà Ân nói.

Trong khi đó, trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) phát triển CLB Drone Soccer cho học sinh với quy mô lớn hơn. Trường trang bị hàng chục drone, kết hợp bài giảng chuyên sâu, định hướng cùng các tổ chức giáo dục.

"Không chỉ là sân chơi, drone giúp em giao lưu kết nối với bạn bè cùng sở thích, tăng hiểu biết về công nghệ của tương lai và có thể cả định hướng nghề nghiệp sau này", Hoàng Anh, học sinh trường THCS Nguyễn Văn Bé, chia sẻ.

Drone-jpeg-1747406613-4544-1747406639.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kDb5kSZHJC64Lar8WsFxfg

Hai học sinh trường THCS Nguyễn Du điều khiển drone. Ảnh: Bảo Lâm

HDFPV, đơn vị phát triển và triển khai hệ thống giáo dục và đào tạo thông minh, cho biết đang cung cấp drone giáo dục cho một số đơn vị tại TP HCM như trường THCS, nhà thiếu nhi...

PGS. TS Lê Quốc Cường, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) đánh giá drone/UAV là một trong những công nghệ có tiềm năng lớn trong lĩnh vực dân sự, quốc phòng, giáo dục và sản xuất.

"Việc tích hợp hệ thống giáo dục thông minh sử dụng AI và LMS thông qua nền tảng drone là hướng đi chiến lược, mở ra mô hình giáo dục gắn kết thực tiễn, thúc đẩy năng lực số hóa cho học sinh, sinh viên tương lai", ông Cường nói. "Các sân chơi drone sẽ là bước đi quan trọng trong lộ trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này, hướng đến hình thành một hệ sinh thái giáo dục - công nghệ - đổi mới sáng tạo hiệu quả tại TP HCM và khu vực phía Nam".

Bảo Lâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022