Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2025 được tổ chức tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều 16/5. Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest - CSC) do Báo điện tử VnExpress tổ chức thường niên. Năm nay, cuộc thi có chủ đề "Sáng kiến Xanh", hướng đến các ý tưởng thân thiện môi trường.
Ở hạng mục nhà khoa học chuyên, cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2025 không có giải nhất, chỉ có giải nhì và ba. Với hạng mục nhà khoa học không chuyên, cả ba giải nhất, nhì, ba của cuộc thi đều đã có chủ.
Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2025 còn vinh danh 3 sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ nổi bật đến từ các doanh nghiệp và một công trình giành giải Sáng kiến xanh.

Hành trình cuộc thi qua 4 năm. Video: Nam Đỗ - Khánh Ngô - Lộc Chung
1. Trạm lắp ráp thông minh nâng cao hiệu suất làm việc cho công nhân
Ở hạng mục nhà khoa học không chuyên, giải nhất - trị giá 100 triệu đồng thuộc về "Trạm lắp ráp thông minh nâng cao hiệu suất làm việc cho công nhân" do nhóm sinh viên chuyên ngành Quản lý kỹ thuật công nghiệp - Khoa Máy tàu biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nghiên cứu và phát triển.
Trạm là một hệ thống tích hợp gồm khung cơ khí theo modul, camera giám sát thao tác, máy chiếu hướng dẫn và phần mềm phân tích dữ liệu. Dự án hướng tới mô hình trạm làm việc thông minh, tích hợp công nghệ hiện đại và yếu tố công thái học, nhằm tối ưu hóa hiệu suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện điều kiện làm việc trong các môi trường sản xuất thủ công.
Sản phẩm giúp người lao động nâng cao sự thoải mái, giảm căng thẳng và nguy cơ chấn thương, từ đó tăng năng suất cá nhân. Đối với doanh nghiệp, nghiên cứu giúp giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm, tối ưu hóa chi phí đào tạo và sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm nay Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức không trao giải Nhất cho hạng mục chuyên do không có sáng kiến đáp ứng các tiêu chí đề ra.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trao giải nhất cho nhóm nhà khoa học không chuyên. Ảnh: Giang Huy
2. Hệ thu hồi nước đa tầng phục vụ vùng biển đảo
Giải nhì hạng mục nhà khoa học chuyên - trị giá 70 triệu đồng thuộc về công trình "Hệ thu hồi nước đa tầng phục vụ vùng biển đảo" của Nhóm nghiên cứu Học viện Quân y. Hệ thu đáp ứng các tiêu chí cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho các khu vực dân cư, nhất là tại vùng biển đảo.
Hệ thống cung cấp nguồn nước sạch ổn định với hiệu suất hơn 1,2 lít/m²/giờ, đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản như uống, nấu ăn và vệ sinh cho các hộ gia đình hoặc một cộng đồng nhỏ, không cần phụ thuộc vào nguồn nước ngầm.
Tận dụng năng lượng mặt trời và gió - hai tài nguyên miễn phí và dồi dào, hệ thống có chi phí vận hành thấp, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, đặc biệt ở những đảo xa bờ.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định (giữa) trao giải nhì cho 2 nhóm tác giả chuyên và không chuyên. Ảnh: Giang Huy
2. Chế phẩm sinh học BIO ECOS
Công trình giành giải ba hạng mục nhà khoa học chuyên - trị giá 50 triệu đồng là "Chế phẩm sinh học BIO ECOS" của nhóm tác giả EcoBio Materials Lab, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng. Đây là loại màng phủ sinh học kéo dài thời gian sử dụng của trái cây, giải quyết vấn đề được mùa, mất giá.
Nhóm nghiên cứu sử dụng các chất tự nhiên và có thể phân hủy sinh học, an toàn thân thiện với môi trường. Nguyên liệu làm ra màng bọc là các phụ phẩm nông nghiệp như sinh khối cây vối, vỏ tôm. Các vật liệu này đảm bảo tính sẵn có, dễ sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.
Đây là lần đầu tiên có nghiên cứu sử dụng chiết xuất thực vật giàu polyphenol từ cây vối, kết hợp với chitosan và gum arabic để nâng cao khả năng tạo nên lớp màng phủ bảo quản. Nhóm nghiên cứu còn sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ siêu âm để hòa trộn các 3 thành phần chính, trong khi mỗi loại tan trong điều kiện và PH hoàn toàn khác nhau.
3. Tác động của công nghệ cắt hủy nhiệt bằng laser lên khối u nguyên bào thần kinh ở trẻ em
Giải nhì hạng mục nhà khoa học không chuyên - trị giá 70 triệu đồng thuộc về công trình nghiên cứu Tác động của công nghệ cắt hủy nhiệt bằng laser lên khối u nguyên bào thần kinh ở trẻ em do Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, ĐHQG - TP HCM phối hợp cùng Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM thực hiện.
U nguyên bào thần kinh là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất ở trẻ nhỏ. Công trình nghiên cứu giải pháp cắt hủy nhiệt giúp đa dạng hóa các phác đồ điều trị, hướng đến cá nhân hóa, tối ưu việc hóa trị và miễn dịch trị liệu, giảm tác dụng phụ và các biến chứng dài hạn của các bệnh nhi.
Kết quả công trình cho thấy laser sợi quang là kỹ thuật đầy hứa hẹn để phá hủy khối u bằng nhiệt, mang lại độ chính xác, hiệu quả và tính linh hoạt cao hơn so với các hệ thống laser truyền thống. Việc tối ưu hóa kỹ thuật này có thể gia tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí y tế, thời gian điều trị.

Ông Phạm Hiếu, Tổng biên tập Báo VnExpress (ngoài cùng bên trái) trao giải ba cho 2 nhóm tác giả chuyên và không chuyên. Ảnh: Giang Huy
4. Chuyển hóa tro bay từ nhà máy nhiệt điện thành chế phẩm hữu cơ
Giải ba hạng mục nhà khoa học không chuyên - trị giá 50 triệu đồng là công trình chuyển hóa tro bay từ nhà máy nhiệt điện thành chế phẩm hữu cơ của nhóm học sinh THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, Hà Nội.
Đề tài đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm do tro bay, một trong những chất thải công nghiệp phổ biến và khó xử lý nhất. Thay vì coi tro bay là chất thải, nhóm nguyên cứu coi đây là một nguồn tài nguyên hữu ích cho nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế và giảm áp lực lên môi trường. Không chỉ cải tạo đất, chế phẩm hữu cơ từ tro bay có thể được sử dụng làm vật liệu xây dựng hoặc dùng trong các hệ thống xử lý nước.
5. Hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Công trình giành giải Sáng kiến Xanh - trị giá 30 triệu đồng là Hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - VNSmarthealth của tác giả Trần Nguyễn Tuấn Anh (Đồng Nai). VNSmartHealth là hệ thống y tế từ xa, giúp chăm sóc sức khỏe tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận dịch vụ y tế gặp nhiều khó khăn.
Người dân có thể sử dụng ứng dụng để nhập triệu chứng qua văn bản, giọng nói, hoặc hình ảnh, AI sẽ đưa ra chẩn đoán sơ bộ, cùng khuyến nghị. Tính năng này hoạt động ngay cả khi không có kết nối Internet ổn định. Thông qua app, người dân có thể gọi video với bác sĩ hoặc chuyên gia. Hệ thống hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Xuân Tú, Giám đốc Quỹ Hope trao giải Sáng kiến Xanh. Ảnh: Giang Huy
7. Công nghệ sản xuất netzero pallet sử dụng bằng vỏ dừa
Công nghệ sản xuất netzero pallet của Công ty Cổ phần Veritas sử dụng vỏ dừa - phụ phẩm nông nghiệp phổ biến để làm tấm kê hàng. Công trình được vinh danh ở hạng mục sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ tiêu biểu đến từ các doanh nghiệp.
Tấm pallet vỏ dừa có cấu trúc phẳng giống như các loại pallet thông thường, giúp cố định hàng hóa khi được nâng lên bởi xe nâng hoặc các thiết bị vận chuyển. Mỗi pallet đóng vai trò như một đơn vị lượng tải, giúp việc di chuyển và sắp xếp hàng hóa trong kho trở nên hiệu quả hơn.
8. Công nghệ hàn đinh neo
Công nghệ hàn đinh neo do của kỹ sư Trần Văn An và đội ngũ chuyên gia tại Công ty Nam Vượng phát triển. Sự ra đời của công nghệ này giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, giảm chi phí nhập khẩu, từ đó tiết kiệm nguồn ngoại tệ và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
Công nghệ hàn đinh neo góp phần phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất kết cấu thép. Công trình sẽ nhận được một gói truyền thông trị giá 100 triệu đồng trên VnExpress.
9. Công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải
Công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải được của Công ty Cổ phần 5RTECH phát triển nhằm mục đích thu hồi tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Công nghệ triển khai nhằm giảm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tái chế, hệ thống được phát triển theo hướng phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước.
Các tấm pin hiệu suất thấp, hoặc hư hỏng sẽ được tách các thành phần để trở thành nguyên liệu đầu vào. Từ 100 tấm pin, 5RTECH có thể tái chế ra 250 kg nhôm, 1,5 tấn kính, 100 kg nhựa, 200 hộp điện, 20 kg kim loại... Tỷ lệ tái chế 90%.
Giải thưởng doanh nghiệp nhận được là gói truyền thông trị giá 100 triệu đồng trên VnExpress.

Bà Nguyễn Thu Hương, Uỷ viên Ban biên tập Báo VnExpress (trái) trao giải cho top 3 doanh nghiệp có sáng kiến tiêu biểu. Ảnh: Giang Huy
Toàn bộ kinh phí giải thưởng của Sáng kiến khoa học 2025 do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội do VnExpress và Công ty cổ phần FPT vận hành, hoạt động phi lợi nhuận, vì cộng đồng.
Trọng Đạt
- 31 đội tranh tài tại chung kết Sáng kiến Khoa học 2025
- Giải thưởng Sáng kiến Khoa học 2025 sắp có chủ
- 199 hồ sơ vào vòng loại cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2025