Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2025, diễn ra chiều 16/5 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, khép lại bằng Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2025 với chín công trình được vinh danh. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2013. Năm nay, với chủ đề "Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng", sự kiện kéo dài 3 tiếng đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đến tham dự chật kín trụ sở Bộ.

Dành nhiều thời gian thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm, giải pháp trước khi phát biểu chia sẻ với những người tham dự sự kiện, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam có quyền tự hào với những đóng góp của khoa học công nghệ "từ chiến trường đến công cuộc xây dựng đất nước, từ nghiên cứu cơ bản đến thứ hạng cao trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu". Trong khi đó, khoa học xã hội và nhân văn được nhận định đã cung cấp cơ sở lý luận vững chắc cho hoạch định chính sách, góp phần định hình bản sắc văn hóa Việt Nam.

z6607901878024-ad252fcaf0af679-6270-9991-1747397885.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EBMU1ybe6FXnzIaE2fQZ4A

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2025. Ảnh: Giang Huy

Ông nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 62 năm về việc khoa học phải xuất phát từ thực tiễn và phục vụ nhân dân, khẳng định những lời dạy này vẫn giữ nguyên giá trị và là kim chỉ nam trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Phó thủ tướng cho biết, trong bối cảnh thế giới chuyển mình mạnh mẽ bởi các xu hướng như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học hay chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, Việt Nam cần tận dụng cơ hội để bứt phá.

"Chính phủ xác định rõ: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và tự chủ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045", ông nói.

Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng đề xuất tám nhóm giải pháp trọng tâm cho ngành, nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế pháp lý; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện; đầu tư trọng điểm vào công nghệ chiến lược như AI, bán dẫn, năng lượng mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường ngoại giao khoa học, nâng vai trò tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và đẩy mạnh truyền thông nhằm lan tỏa tinh thần khoa học trong toàn xã hội.

Phó thủ tướng đề nghị cần tạo động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đưa Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành "một ngày hội của toàn dân, nơi mỗi người dân, doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".

"Tôi tin tưởng với sự đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược về phát triển khoa học công nghệ đối với sáng tạo và tạo nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông nói.

Lời chia sẻ và chỉ đạo của Phó thủ tướng nhận được nhiều sự hưởng ứng với các tràng pháo tay từ khán phòng. Đáp lời, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến, đồng thời sẽ cụ thể hóa vào chính sách, chương trình và kế hoạch của Bộ thời gian tới.

Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển đất nước. Ông gọi Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam là ngày kỷ niệm, tôn vinh, nhưng cũng là dịp để "cùng nhau khẳng định quyết tâm kiến tạo một tương lai mới cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước".

1-1892-1747397886.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BWpPhM3YwjaPBhnlRzfbcQ

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng tham quan sản phẩm tại triển lãm trong Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

Dành nhiều thời gian để nói về Luật Khoa học và Công nghệ đang được sửa đổi thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho biết việc này nhằm thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng và Nhà nước. Dự thảo luật chứa đựng 10 đổi mới được đánh giá mang tính cách mạng, nhấn mạnh: khoa học công nghệ là nền tảng cốt lõi để quốc gia phát triển và cạnh tranh.

Trong đó, những thay đổi được đề cập như tư duy quản lý từ kiểm soát đầu vào sang đánh giá đầu ra, chấp nhận rủi ro có kiểm soát, ưu tiên thương mại hóa kết quả nghiên cứu; đồng thời định hướng phát triển công nghệ từ nhu cầu thị trường, không chỉ từ nghiên cứu cơ bản như trước. Dự thảo luật cũng xác lập chuyển dịch quan trọng như trao quyền phát triển công nghệ cho doanh nghiệp, chuyển nghiên cứu cơ bản về đại học, làm chủ công nghệ chiến lược thay vì chỉ sử dụng công nghệ nhập khẩu, và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong quản lý khoa học công nghệ.

Về tầm nhìn dài hạn, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển vào năm 2045, với thu nhập bình quân 20.000–25.000 USD, Bộ trưởng cho rằng "giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó", nhưng bên cạnh đó Việt Nam cũng có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để đạt được các mục tiêu. "Thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam, và qua đó KHCN của Việt Nam phát triển, đất nước phát triển", ông nói.

Nhà khoa học, doanh nghiệp tin tưởng vào sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Trong gần ba tiếng diễn ra hội nghị, bên cạnh chia sẻ từ Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hội nghị cũng dành thời gian lắng nghe tiếng nói từ các nhà khoa học, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc vận hành Hachi Việt Nam, khẳng định nông nghiệp cần được tiếp cận khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, già hóa lao động và cạnh tranh toàn cầu. "Người nông dân không thể đứng một mình, mà cần tiếp cận công nghệ, thị trường và tri thức", bà nói.

Hachi là startup nông nghiệp được ươm tạo từ dự án thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã áp dụng IoT, AI và cảm biến để phát triển hơn 250 mô hình nhà kính thông minh trên cả nước, giúp người dân làm chủ công nghệ và nông nghiệp số. Những thành công này là minh chứng cho việc khoa học công nghệ có thể tạo chuyển biến thực chất ở khu vực nông thôn nếu được tiếp cận đúng cách. Bà Hương đánh giá Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mở ra cơ hội thúc đẩy mô hình nông nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt các mô hình bao trùm hướng đến nhóm yếu thế. "Trí tuệ Việt, đổi mới sáng tạo và công nghệ xanh chính là lực đẩy để nông nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên 4.0", bà nhấn mạnh.

Chia sẻ tại sự kiện, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, đánh giá trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định năng lực thích ứng và phát triển bền vững. Nhấn mạnh khoa học công nghệ đang đóng vai trò then chốt trong việc dự báo, ứng phó các thách thức, nhất là trước các tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, bà Ngà nhận định Nghị quyết 57 sẽ giúp đồng thời mở ra ba định hướng lớn: tăng đầu tư và hạ tầng nghiên cứu - đặc biệt cho chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế để nhà khoa học "dám nghĩ, dám làm"; và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đưa các vấn đề của Việt Nam ra toàn cầu.

IMG-0164-JPG-3632-1747397886.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tov46UFPi4BHTGoW2NqadA

Một sản phẩm được trưng bày tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ 2025, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 16/5. Ảnh: Giang Huy

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh Iain Frew đánh giá cao tiến bộ của Việt Nam trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đại sứ nhấn mạnh sự liên kết giữa khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, dẫn chứng qua hơn 80 dự án nghiên cứu chung giữa Anh và Việt Nam, tập trung vào phát triển bền vững, y tế, nông nghiệp, môi trường và công nghệ số.

Vương quốc Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua học bổng, hợp tác nghiên cứu, các dự án AI, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và y tế thông minh. "Chúng tôi mong muốn trở thành đối tác đáng tin cậy trên hành trình hiện đại hóa và đổi mới chăm sóc sức khỏe của Việt Nam", ông nói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển AI có trách nhiệm và hợp tác trên cả nền tảng song phương lẫn đa phương như ASEAN hay Liên Hợp Quốc.

Phát biểu sau khi được vinh danh, bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Tổng giám đốc MedCAT, chia sẻ hành trình phát triển nền tảng AI xử lý dữ liệu phi cấu trúc, khởi nguồn từ chính trải nghiệm cá nhân trong ngành y tế. "Khoảng 80% dữ liệu hiện nay tồn tại dưới dạng phi cấu trúc, và việc xử lý hiệu quả loại dữ liệu này là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số toàn diện", bà nói.

MedCAT đã ứng dụng AI và mô hình ngôn ngữ để tái cấu trúc dữ liệu, nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chống gian lận, giảm thao tác thủ công, và đã mở rộng ứng dụng sang bảo hiểm, pháp lý, dược phẩm. Bà Tuyết nhấn mạnh, Nghị quyết 57 là cú hích chính sách quan trọng, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như MedCAT phát triển công nghệ lõi và khẳng định vị thế tại Việt Nam. Bà kỳ vọng với sự hỗ trợ phù hợp, các doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ từng bước làm chủ AI và vươn ra toàn cầu.

Lễ trao giải cuộc thi 'Sáng kiến khoa học năm 2025'

Chương trình kỷ niệm kết thúc bằng lễ trao giải Cuộc thi Sáng kiến khoa học năm 2025. Đây là sự kiệnnằm trong chuỗi hoạt động "Chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5" do báo VnExpress thực hiện.

Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ, thu hút các nhóm tác giả chuyên, không chuyên, doanh nghiệp, tham gia sáng tạo giải pháp và sản phẩm có giá trị ứng dụng trong cuộc sống, đồng thời kết nối các nhà khoa học với nhà đầu tư, nhằm phát triển, đưa nghiên cứu ra thị trường.

tech-1747398364-9331-1747398442.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mVUL2EIyLhEKZhosgxaMuw

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trao giải nhất cho nhóm nhà khoa học không chuyên. Ảnh:Giang Huy

Giải nhất của cuộc thi, trị giá 100 triệu đồng, thuộc về giải pháp "Trạm lắp ráp thông minh - 'Smart Workstation - operator 4.0" của nhóm HCS, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. "Chúng tôi tự hào về hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của cả nhóm", trưởng nhóm HCS chia sẻ, gửi lời cảm ơn tới ban tổ chức đã tạo sân chơi bổ ích để các thí sinh có cơ hội học hỏi giao lưu, đóng góp công sức nhỏ vào nền khoa học nước nhà.

Xem diễn biến chính

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022