VNE-Ice-2513-1721104130.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mgHg8r9qb0CrVO71Dr_gJQ

Những núi băng trôi dọc vịnh Scoresby Sound ở Đông Greenland. Ảnh: Olivier Marin/AFP

Băng vùng cực tan chảy do hiện tượng ấm lên toàn cầu đang thay đổi tốc độ quay của Trái Đất và tăng chiều dài mỗi ngày, theo CNN. Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thế kỷ 21 khi con người tiếp tục thải khí ô nhiễm làm hành tinh ấm lên, theo nghiên cứu công bố hôm 15/7 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Thay đổi rất nhỏ, chỉ ở mức vài mili giây một ngày, nhưng trong thế giới công nghệ có tính kết nối cao hiện nay, nó vẫn tác động lớn tới hệ thống máy tính mà chúng ta phụ thuộc, bao gồm GPS. Đây cũng là dấu hiệu về ảnh hưởng to lớn của con người tới hành tinh, theo Surendra Adhikari, nhà địa vật lý ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, thành viên nhóm nghiên cứu.

Số giờ, phút và giây tạo thành mỗi ngày trên Trái Đất được quyết định bởi tốc độ vòng quay của hành tinh, chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố phức tạp. Những yếu tố đó bao gồm quá trình ở lõi lỏng của Trái Đất, tác động liên tục của quá trình thu hẹp các sông băng lớn sau kỷ băng hà cuối cùng, cũng như băng vùng cực tan chảy do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong suốt thiên niên kỷ, tác động của Mặt Trăng vẫn trội hơn, khiến độ dài một ngày tăng vì mili giây mỗi thế kỷ. Lực hút Mặt Trăng khiến đại dương phình về phía nó, làm chậm vòng quay của Trái Đất.

Trước đây, giới khoa học từng phát hiện mối liên hệ giữa băng vùng cực tan chảy và ngày dài hơn, nhưng nghiên cứu mới chỉ ra hiện tượng ấm lên toàn cầu có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Trong quá khứ, tác động của biến đổi khí hậu tới thời gian không đáng kể, theo Benedikt Soja, trợ lý giáo sư trắc địa không gian ở Đại học ETH Zurich tại Thụy Sĩ, đồng tác giả nghiên cứu.

Nhưng điều đó có thể thay đổi. Nếu thế giới tiếp tục ô nhiễm, biến đổi khí hậu sẽ trở thành yếu tố chi phối mới, vượt qua vai trò của Mặt Trăng. Khi con người làm Trái Đất ấm lên, sông băng và dải băng tan chảy, nước băng tan chảy từ vùng cực tới xích đạo. Điều này thay đổi hình dạng của hành tinh, khiến nó phẳng hơn ở vùng cực và phình hơn ở giữa, làm chậm vòng quay.

Nhóm nhà khoa học quốc tế xem xét thời kỳ kéo dài 200 năm từ năm 1900 đến năm 2100, sử dụng dữ liệu quan sát và mô hình khí hậu nhằm hiểu rõ biến đổi khí hậu tác động như thế nào tới độ dài một ngày trong quá khứ và dự đoán vai trò của nó trong tương lai. Họ nhận thấy tác động của biến đổi khí hậu tới độ dài một ngày tăng đáng kể.

Mực nước biển tăng lên do biến đổi khí hậu khiến độ dài một ngày thay đổi 0,3 - 1 mili giây trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, các nhà khoa học tính toán mức tăng độ dài một ngày là 1,33 mili giây/thế kỷ, cao hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong thế kỷ 20.

Nếu ô nhiễm tiếp tục gia tăng, làm đại dương ấm lên và đẩy mạnh tan băng ở Greenland và Nam Cực, tốc độ thay đổi sẽ tăng vọt. Nếu thế giới không thể cắt giảm khí thải, biến đổi khí hậu có thể tăng độ dài một ngày thêm 2,62 mili giây vào cuối thế kỷ. "Chỉ trong 200 năm, chúng ta sẽ biến đổi hệ thống khí hậu của Trái Đất nhiều đến mức có thể chứng kiến tác động của nó ở cách Trái Đất quay", Adhikari nhấn mạnh.

Thời gian tăng thêm vài mili giây mỗi ngày có thể khó nhận thức đối với con người nhưng nó vẫn ảnh hưởng tới công nghệ. Bấm giờ chính xác rất cần thiết đối với GPS, dựa trên tần số của vài nguyên tử. Từ cuối thập niên 1960, thế giới bắt đầu sử dụng Giờ phối hợp quốc tế (UTC) để đặt múi giờ. UTC dựa vào đồng hồ nguyên tử nhưng vẫn chỉnh theo vòng quay của Trái Đất. Điều đó có nghĩa ở một số thời điểm, cần thêm hoặc bớt giây nhuận để điều chỉnh theo vòng quay của hành tinh.

An Khang (Theo CNN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022