
Google thống trị mảng tìm kiếm trên Internet nhiều năm qua. Ảnh: Channel4
Người dùng công nghệ hiện đại đều hiểu thế nào là "Google" một thứ gì đó. Họ nhập vài từ khóa vào ô tìm kiếm và nhận lại một danh sách những đường link màu xanh dẫn đến các kết quả phù hợp nhất, có thể kèm theo vài dòng giải thích nhanh phía trên, bản đồ hoặc video. Về cơ bản, quá trình này chỉ là thu thập thông tin sẵn có trên Internet và hiển thị một cách ngăn nắp.
Nhưng xã hội đang ở một điểm ngoặt mới. Ngay lúc này, sự thay đổi lớn nhất trong cách các công cụ tìm kiếm cung cấp thông tin cho con người kể từ những năm 1990 đang diễn ra. Người dùng không cần gõ từ khóa hay xem xét các đường link để bấm vào nữa.
Thay vào đó, con người đang bước vào kỷ nguyên tìm kiếm hội thoại. Điều này đồng nghĩa, thay vì từ khóa, người dùng nhập vào những câu hỏi thực tế, diễn đạt bằng ngôn ngữ tự nhiên. Và thay vì danh sách đường link, người dùng sẽ nhận được câu trả lời do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh viết ra dựa trên thông tin trực tiếp từ mọi nguồn trên Internet.
Lịch sử phát triển của các công cụ tìm kiếm
Archie là công cụ tìm kiếm Internet thực sự đầu tiên. Nó lướt qua những file trước đây bị ẩn trong các máy chủ xa xôi. Archie cho biết tên các file này, nhưng không cho biết nội dung, hình ảnh bên trong, và cũng không có hệ thống phân cấp kết quả.
Sau đó, Tim Berners-Lee tạo ra World Wide Web, và đủ loại website mọc lên. Số lượng website dần trở nên lớn đến mức khiến người dùng bối rối và cần một cách tốt hơn để tìm thấy những thứ cần thiết. Vì vậy, năm 1994, Jerry Yang tạo ra Yahoo - một danh mục phân loại các website và nhanh chóng trở thành trang chủ của hàng triệu người.
Nhưng website tiếp tục phát triển và mở rộng, mang đến nhiều thông tin trực tuyến hơn mỗi ngày. Thay vì danh sách website phân theo hạng mục, người dùng cần một công cụ thực sự nhìn vào nội dung và thống kê. Cuối những năm 1990, nhiều công cụ tìm kiếm ra đời nhằm phục vụ điều này như AltaVista, AlltheWeb, WebCrawler và HotBot.
Cùng với sự phát triển của các công cụ tìm kiếm là những nỗ lực đầu tiên nhằm khai thác khả năng cung cấp lưu lượng truy cập của chúng. Các nhà xuất bản website dựa vào lưu lượng truy cập quý giá để bán quảng cáo, trong khi nhà bán lẻ sử dụng lưu lượng truy cập để lôi kéo sự chú ý cho hàng hóa của mình. Đôi khi họ nhồi nhét những từ khóa hoặc văn bản vô nghĩa chỉ để đẩy website lên cao hơn trong kết quả tìm kiếm, khiến người dùng cảm thấy khó chịu.
Khi ra mắt vào năm 1998, Google đã tạo ra một cuộc cách mạng. Thay vì chỉ quét nội dung, nó cũng xem xét các nguồn liên kết đến một website, giúp đánh giá mức độ liên quan và phù hợp. Đột phá này giúp Google vượt trội hơn mọi công cụ trước đó trong việc truy xuất các kết quả liên quan.
Trong 25 năm, Google thống trị mảng tìm kiếm trên Internet. Với đa số người dùng, Google chính là định nghĩa "tìm kiếm".

CEO Google, Sundar Pichai, phát biểu trong hội nghị tháng 5/2024 tại Mountain View, California, Mỹ. Ảnh: Glenn Chapman
AI thay đổi cách con người tìm kiếm trên Internet
Google đã "tiến hóa" theo thời gian. Từ lâu, công cụ này không chỉ cung cấp hàng loạt đường link màu xanh mà còn có hình ảnh, video, những đoạn trích, kết quả thể thao và nhiều thông tin khác.
Nhưng hiện tại, AI mang đến sự thay đổi lớn và Google đang nỗ lực đi đầu trong việc ứng dụng AI để tìm kiếm trên Internet. Tháng 5/2023, công ty này thử nghiệm đưa ra những câu trả lời AI cho các truy vấn tìm kiếm. Họ sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của mình để cung cấp câu trả lời mà người dùng có thể mong đợi từ một nguồn chuyên gia hoặc một người bạn đáng tin cậy.
Google gọi những câu trả lời này là AI Overviews. CEO Google, Sundar Pichai, coi đây là một trong những thay đổi tích cực nhất mà họ từng thực hiện với việc tìm kiếm suốt một thời gian dài.
AI Overviews thay đổi cơ bản các loại truy vấn mà Google có thể xử lý. Giờ đây người dùng có thể hỏi những câu như: "Tôi sẽ ở Nhật Bản một tuần vào tháng tới. Tôi ở Tokyo nhưng muốn thực hiện vài chuyến tham quan trong ngày. Có lễ hội nào diễn ra gần đó không? Lướt sóng ở Kamakura sẽ như thế nào? Có ban nhạc chất lượng nào biểu diễn không?"
Và họ sẽ nhận được phản hồi, không phải một đường link, mà là câu trả lời đầy đủ. Câu trả lời không giống như truy vấn một cơ sở dữ liệu, mà giống hỏi một người bạn thông minh, hiểu biết nhiều.
Người dùng có thể thử tìm kiếm những điều gần như bất khả thi trước đây, và nhận được câu trả lời đúng. Họ không cần phải diễn đạt chính xác điều mình muốn tìm kiếm. Ví dụ, người dùng có thể mô tả con chim trong sân, vấn đề với tủ lạnh, hoặc tiếng động kỳ lạ mà ôtô phát ra, và nhận được lời giải thích tổng hợp từ các nguồn trước đây bị cô lập trên Internet. Một khi thử tìm kiếm theo cách đó, người dùng có thể sẽ "nghiện".
Không chỉ Google, ChatGPT của OpenAI hiện cũng có quyền truy cập vào website, cho phép tìm kiếm câu trả lời cập nhật hơn cho những câu hỏi của người dùng. Microsoft tung ra kết quả tìm kiếm AI cho Bing vào tháng 9/2024. Meta cũng có phiên bản của riêng mình. Startup Perplexity đang làm điều tương tự với phương châm "tiến nhanh, phá vỡ mọi thứ". Các công ty đang đặt cược hàng nghìn tỷ USD trong cuộc đua trở thành nguồn tra cứu thông tin thống trị tiếp theo - Google tiếp theo.

Trong tương lai, AI có thể tự tìm hiểu và đặt vé máy bay cho người dùng. Ảnh: Dealswithai
Tương lai phát triển của AI
Không phải ai cũng hào hứng với sự thay đổi mà AI mang lại. Các nhà xuất bản website lo lắng vì mất lưu lượng truy cập từ việc bấm đường link mà Google giới thiệu. Những nội dung từng phải trả phí để tiếp cận, giờ đây có thể xuất hiện trong câu trả lời công khai của AI.
Người dùng cũng lo lắng về tính xác thực của đáp án mà AI cung cấp. Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có thể nhầm lẫn, bịa đặt, hoặc tưởng tượng ra những điều vô nghĩa. AI tạo sinh có thể cung cấp câu trả lời hoàn toàn mới cho cùng một câu hỏi với mỗi lần, hoặc cung cấp các đáp án khác nhau cho từng người dựa trên hiểu biết về người đó.
Một nguy cơ khác là người dùng có thể hỏi những điều kỳ lạ, đôi khi bất hợp pháp, ví dụ như cách chế tạo bom. Do đó, AI phải cực kỳ cẩn thận để tránh đưa ra câu trả lời có thể gây hại.
Các nhà phát triển vẫn đang nỗ lực khắc phục những vấn đề này, bao gồm việc tăng tính xác thực trong câu trả lời của AI. Về vấn đề truy cập, Pichai cho rằng không cần quá lo lắng vì ngay cả trong thời đại của AI Overviews, nhiều người vẫn sẽ muốn bấm link để tìm hiểu sâu hơn. Theo Liz Reid, chuyên gia tại Google, AI Overviews cho phép mọi người đặt câu hỏi phức tạp hơn và đi sâu hơn vào những gì họ muốn. Do đó, công cụ này thậm chí hữu ích cho một số nhà xuất bản và doanh nghiệp nhỏ, giúp họ tiếp cận khách hàng mới.
Cách công cụ tìm kiếm cung cấp câu trả lời cũng đang thay đổi nhanh chóng. Ví dụ, ngày nay Google không chỉ giúp tìm kiếm văn bản, hình ảnh, video, mà thậm chí có thể tạo ra chúng. Người dùng có thể yêu cầu: "Hãy cho tôi xem một con chim Townsend’s warbler trông như thế nào trên ngọn cây trước mặt".
Khả năng của AI ngày càng mở rộng. Hè năm ngoái, Google trình diễn công cụ Project Astra mới, cho phép camera, microphone trong điện thoại và kính thông minh hiểu ngữ cảnh xung quanh người dùng, có khả năng nhớ lại và phản hồi theo nhiều cách. Ví dụ, Astra có thể nhìn vào bản vẽ thô của một chiếc xe đua F1, nhận diện nó, giải thích các bộ phận và cách sử dụng.
Trong tương lai, với khả năng lấy dữ liệu từ Internet theo thời gian thực, AI có thể làm nhiều việc hơn nữa cho con người. Khi người dùng sắp thực hiện một chuyến đi kéo dài vài ngày, nó sẽ thu thập dữ liệu hiện có, đặt vé máy bay, phòng khách sạn, đặt chỗ ăn tối... dựa trên hiểu biết về người dùng và chuyến đi sắp tới mà không cần người này phải hướng dẫn. AI cũng có thể theo dõi nước thải của gia đình để phát hiện mầm bệnh, đặt hàng các xét nghiệm và biện pháp xử lý, thậm chí dựa vào tiếng động kỳ lạ mà ôtô phát ra để đặt lịch sửa chữa.
Thu Thảo (Theo MIT Technology Review)