Cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest - CSC) 2025 do VnExpress tổ chức đã bước vào vòng chung kết sau hơn 3 tháng triển khai. Trong số 199 hồ sơ vòng sơ loại, có 31 bài thi được chọn vào vòng chung kết dựa trên đánh giá của hội đồng giám khảo và bình chọn của độc giả.
Trong ngày 5/5, các đội thi đã thuyết trình trước Hội đồng giám khảo gồm PGS. TS Mai Anh Tuấn, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS Hà Phương Thư, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS. TS Hà Văn Dương, Trường đại học Phenikaa; PGS. TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc Trung tâm BK.AI, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại đây, nhiều công trình được hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
Trong số này nghiên cứu sử dụng vỏ tỏi làm than nén của nhóm sinh viên Đại học Công thương, Kinh tế, Bách khoa TP HCM, Vin Uni và Cao đẳng Conestoga (Canada) là một trong những đề tài được đánh giá góp phần tạo thêm giá trị cho người nông dân.
Theo Đinh Văn Nam, đại diện nhóm, ngoài viên nén sinh khối dùng làm mồi lửa, than nướng thực phẩm, nhóm còn dự định lợi dụng tính chất kháng khuẩn của tỏi để ứng dụng trong y tế.

Đại diện nhóm phát triển than nén làm bằng vỏ tỏi thuyết trình đề tài tại vòng chung kết Cuộc thi Sáng kiến Khoa học, chiều 5/5. Ảnh: Trọng Đạt
Trình bày lý do phát triển công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải, TS Đỗ Thế Cần, đồng sáng lập công ty 5RTech cho hay, đến năm 2030, thế giới sẽ phải xử lý 1,7-8 triệu tấn chất thải từ các tấm pin mặt trời. Với sự hiện diện của nhiều nhà máy điện mặt trời, trong 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề tương tự.
Do đó, nhóm đã phát triển dây chuyền tái chế pin mặt trời nhằm mục đích thu hồi tài nguyên, bảo vệ môi trường. "Dây chuyền tái chế pin năng lượng mặt trời đã được một số nước phát triển và thương mại hóa. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu quyết tâm nội địa hóa để làm chủ công nghệ, cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới", TS Cần nói.
Trước khi tái chế, các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được nhóm đánh giá hiệu suất. Nếu hiệu suất vẫn còn trên 70%, tấm pin được chuyển cho các hợp tác xã để cung cấp nhiệt cho hoạt động nông nghiệp. Các tấm pin hiệu suất thấp, hoặc hư hỏng sẽ được tái chế, tách các thành phần để trở thành nguyên liệu đầu vào.
"Từ 100 tấm pin, chúng tôi tìm ra 3 tấm tái sử dụng, số pin còn lại được dùng để tạo ra 250 kg nhôm, 1,5 tấn kính, 100 kg nhựa, 200 hộp điện, 20 kg kim loại... Tỷ lệ tái chế 90%", nhà đồng sáng lập 5RTech chia sẻ.
Ở lĩnh vực y sinh, đội thi của TS Nguyễn Thị Trúc Ly, Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP HCM mang tới cuộc thi công trình nghiên cứu vaccine điều trị ung thư phổi, sử dụng các phương pháp tin sinh học và miễn dịch học. Công trình đã được xuất bản trên Springer Nature.
Chia sẻ về mục đích nghiên cứu, đại diện nhóm cho biết, năm 2022, ở Việt Nam ghi nhận 24.000 ca mắc ung thư phổi. Trong đó tỷ lệ sống sót trên 5 năm chỉ đạt 14%. "Những số liệu này cho thấy việc điều trị ung thư phổi là vô cùng cấp thiết", đại diện nhóm nói.
Sau khi lắng nghe phần trình bày của các đội thi, hội đồng giám khảo đã đặt nhiều câu hỏi để làm rõ tính mới và khả năng thương mại của các sáng kiến. Ban giám khảo cũng đưa ra những gợi ý để tác giả hoàn thiện đề tài, đồng thời lưu ý các đội thi về việc minh bạch thông tin, đảm bảo sự liêm chính khoa học của công trình nghiên cứu.
Tại vòng chung kết, điểm số của các sáng kiến sẽ dựa trên tỷ lệ 20% từ bình chọn của độc giả và 80% điểm chấm từ Ban giám khảo. Vòng chung kết Cuộc thi Sáng kiến Khoa học diễn ra đến hết 6/5. Lễ trao thưởng dự kiến tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội.
Tổng giá trị giải thưởng lên tới 970 triệu đồng, trong đó Ban tổ chức trao hai giải nhất trị giá 100 triệu đồng mỗi giải, hai giải nhì 70 triệu đồng mỗi giải, hai giải ba 50 triệu đồng mỗi giải dành cho nhóm nhà khoa học chuyên và không chuyên.
Với nhóm doanh nghiệp, Ban tổ chức vinh danh top 5 giải pháp/sản phẩm khoa học công nghệ đột phá trong năm 2023, 2024 với phần thưởng gói truyền thông trị giá 100 triệu đồng trên báo VnExpress.
Tại hạng mục Sáng kiến Xanh trị giá 30 triệu đồng hướng đến các giải pháp xanh, sáng tạo, mang tính bền vững, nhằm giải quyết một vấn đề xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi và có thể triển khai thực tế. Ban tổ chức ưu tiên sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục.
Toàn bộ tiền giải thưởng do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội hoạt động vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, được vận hành bởi Báo VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ hướng tới thúc đẩy công nghệ thông tin, phát triển tri thức bền vững, kết nối tấm lòng nhân ái để tạo ra xã hội bình đẳng và tiến bộ. Với việc đồng hành cùng cuộc thi, Quỹ Hy vọng mong muốn thúc đẩy các sáng kiến từ những người trẻ, để từ đó ứng dụng công nghệ vào mọi mặt của đời sống.
Trọng Đạt