Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định tầm quan trọng của Internet trong cuộc sống của mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Hôm nay (7/12) tại Hà Nội, đã diễn ra chương trình kỷ niệm 25 năm khai trương dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam. Đây là sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), nhằm hưởng ứng và tiếp nối ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10).
Sự kiện quy tụ những tên tuổi lớn trong làng công nghệ Việt Nam và quốc tế có thể kể đến như: Viettel, VNPT, NetNam, Google, Huawei, Amazon, Intel…
Internet thay đổi bộ mặt Việt Nam sau 25 năm
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: "Internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống người dân, cũng như hạ tầng và nền kinh tế, trở thành nhân tố quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Chia sẻ thêm, ông Long cho biết Việt Nam hội nhập Internet toàn cầu cách đây 25 năm được xem là một quyết định dũng cảm, thể hiện tầm nhìn xa, góp phần thay đổi toàn diện đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Nói cách khác, Việt Nam đã vươn lên bắt kịp thế giới nhờ Internet.
"Việt Nam bắt đầu chậm hơn so với tiến trình toàn cầu, nhưng sau 25 năm, chúng ta đã vươn lên bắt kịp và đi cùng các nước trong khu vực và trên thế giới, trở thành một nước mạnh về viễn thông và Internet", ông Long khẳng định.
Ngày 19/11/1997, Internet chính thức xuất hiện tại Việt Nam, dưới sự quản lý duy nhất của một ISP (nhà cung cấp dịch vụ) duy nhất là VNPT. Tới nay, sau 25 năm, Internet Việt Nam đã hình thành và có những bước phát triển vượt bậc.
Tính đến năm 2022, Việt Nam có tỷ lệ người dùng Internet là 73,2%, đứng thứ 12 trong số 203 quốc gia. Hạ tầng băng rộng di động của nước ta phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc, hệ thống cáp quang được triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn và 91% các thôn bản, phủ sóng Internet tới hơn 19 triệu hộ gia đình.
Một số thành tựu đáng chú ý khác có thể kể đến gồm có số lượng thuê bao smartphone (điện thoại thông minh) hiện nay tại Việt Nam là 94,2 triệu; tên miền .vn đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN và top 10 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; chuyển đổi IPv6 đứng top 10 thế giới.
Đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, trong lĩnh vực Internet, ICT chụp ảnh tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Báo cáo e-Conomy SEA 2022 tại các quốc gia trong khu vực thậm chí dự đoán Việt Nam sẽ dẫn đầu về kinh tế Internet ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng xếp hạng nhất trong kết quả khảo sát của McKinsey tại các quốc gia với câu hỏi: "Có sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?"
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện mới đây, các xu hướng kỳ vọng dẫn dắt ngành công nghệ trong giai đoạn bình thường tiếp theo bao gồm: Điện toán đám mây (Cloud computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Công nghệ 5G, Internet băng thông rộng cố định và Chuỗi khối (Blockchain).
Vẫn còn nhiều mặt trái
Bên cạnh những lợi ích to lớn mà Internet mang lại, cũng không thể không kể đến những mặt trái luôn tồn tại song song, khiến người dùng không thể mất cảnh giác.
Một trong những mặt trái đáng chú ý phải kể tới là việc sử dụng Internet quá nhiều, dẫn tới "nghiện Internet", thường bắt gặp ở các dịch vụ mạng xã hội và trò chơi trực tuyến đang trở nên ngày một phổ biến ở Việt Nam. Đối với thanh thiếu niên, tình trạng này trở nên đáng lo ngại một phần do "thiếu sân chơi", thiếu các phương tiện và cơ sở giải trí, cũng như mong muốn thể hiện cái tôi trên không gian ảo.
Hậu quả của nó rất nặng nề và tác động trực tiếp đến bản thân người nghiện, gia đình và xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có trung tâm cai nghiện Internet và trò chơi trực tuyến.
Internet vẫn còn nhiều mặt trái (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, người dùng Internet cũng thường xuyên phải đối mặt với một nỗi lo khác, là nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng. Những cuộc khảo sát hành vi người dùng sử dụng Internet tại Việt Nam cho thấy số đông còn thiếu kỹ năng và kiến thức về an toàn trực tuyến. Trong đó, đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên vẫn chiếm một số lượng đáng kể.
Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố vào ngày 3/8 vừa qua, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. "Chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay". Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC).
Rõ ràng, Internet đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống. Khái niệm này hiện hữu khi chúng ta học tập, làm việc, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng vẫn yêu cầu chúng ta phải cảnh giác nếu không muốn đối mặt với những cạm bẫy, rủi ro tiềm ẩn.