Tự động hóa vạn năng - universal automation là gì?
Trong hệ thống tự động hóa trước đây, phần mềm được sử dụng để lập trình thường tương thích với một hoặc một số phần cứng nhất định. Việc thay đổi thiết kế phần cứng (ví dụ như của PLC hoặc I/O) sẽ dẫn tới việc phải hiệu chỉnh hoặc thậm chí, cần lập trình lại toàn bộ ứng dụng. Điều này làm tăng chi phí kỹ thuật không cần thiết, lên đến 30 tỷ USD bảo trì mỗi năm, theo ARC Group; kéo dài thời gian thiết kế ra ứng dụng hoặc máy mới, giảm hiệu quả quá trình sản xuất.
Đối với ngành đòi hỏi mức độ tự động hóa cao như F&B, nhiều thập kỷ qua, các công ty vẫn đang làm việc với hệ thống tự động hóa khép kín và tách biệt. Việc chọn duy nhất một nhà cung cấp giải pháp sẽ giới hạn về những lựa chọn bên cung ứng máy móc phần cứng của chủ doanh nghiệp sau này. Hệ sinh thái đóng và rời rạc, nhiều ràng buộc, mặc dù còn phù hợp để đáp ứng được nhu cầu hiện tại song đang bộc lộ nhiều hạn chế khi doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất và tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu trong tương lai.
Tự động hóa vạn năng được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp F&B số hóa quy trình sản xuất, mở rộng quy mô và gia tăng cạnh tranh (Ảnh: Schneider Electric).Để góp phần giải quyết thách thức nói trên, các xu hướng tự động hóa mới bắt đầu xuất hiện, mà nổi bật hơn cả là "universal automation - Tự động hóa vạn năng". Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tự động hóa vạn năng có thể loại bỏ triệt để nhiều ràng buộc cố hữu và rào cản công nghệ, cho phép các hệ thống tự động hóa được xây dựng trên các kiến trúc dữ liệu mở. Hệ thống tự động hóa công nghiệp này lấy phần mềm làm trung tâm, phần cứng dễ dàng tương thích với các cải tiến cho thế hệ tiếp theo trong toàn bộ vòng đời.
Với tính linh hoạt, tầm nhìn tự động hóa mới phù hợp với bối cảnh kinh doanh hiện nay, nhất là khi người tiêu dùng thay đổi thị hiếu nhanh, sản phẩm cần phải cải tiến liên tục và hệ thống phải đáp ứng kịp thời. Theo đó, tự động hóa vạn năng được kỳ vọng là chìa khóa mở ra cho các doanh nghiệp F&B thế hệ tiếp theo số hóa quy trình sản xuất, mở rộng quy mô và gia tăng cạnh tranh.
Trong tương lai của công nghệ số hóa với hệ thống phần mềm mở, việc lập trình trên nền tảng mới sẽ cho phép kỹ sư cài đặt thêm nhiều giải pháp, từ bất kỳ nhà cung cấp nào, vào dây chuyền hiện hữu nhanh hơn.
Công nghiệp 4.0 yêu cầu phần mềm chuẩn hóa
Tự động hóa vạn năng dựa trên tiêu chuẩn IEC 61499 cho phép các ứng dụng phần mềm được thiết kế độc lập với nền tảng phần cứng, hiện đã thu hút hơn 40 tập đoàn công nghệ hàng đầu nhập cuộc và làm việc cùng nhau, theo UniversalAutomation.Org. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp F&B đổi mới với tự động hóa. Người dùng cuối, nhà chế tạo máy, nhà tích hợp hệ thống và nhà phát triển ứng dụng,… giờ đây có thể đổi mới và sáng tạo linh hoạt, thúc đẩy hiệu quả và năng suất.
Một trong những "người thay đổi cuộc chơi" tích cực hiện nay là Schneider Electric, chuyên gia toàn cầu về quản lý năng lượng và tự động hóa. Schneider Electric đã phát triển và phát hành các giải pháp mới dựa trên tiêu chuẩn IEC 61499 nhằm định hướng cho hệ sinh thái mở.
Schneider Electric phát hành các giải pháp mới dựa trên tiêu chuẩn IEC 61499 nhằm định hướng cho hệ sinh thái mở (Ảnh: Schneider Electric).Giải pháp tự động hóa công nghiệp lấy phần mềm làm trung tâm - EcoStruxure Automation Expert đã góp phần mang đến nhiều lợi ích khi giảm thời gian lập trình hệ thống máy móc tự động hóa và đưa máy vào sản xuất nhanh - hiệu quả hơn, giải quyết các thách thức cụ thể với chi phí thấp hơn.
"Doanh nghiệp có thể lựa chọn thêm các thành phần tự động hóa và phân phối điện từ Schneider Electric như một nhà cung cấp duy nhất, hoặc từ các đối tác phần cứng khác trong hệ sinh thái tự động hóa vạn năng. Bằng cách tách rời phần cứng khỏi phần mềm, việc thay đổi hoặc nâng cấp bộ điều khiển đơn giản hơn nhiều", đại diện Schneider Electric nói.
Theo Schneider Electric, các thử nghiệm cho thấy, EcoStruxure Automation Expert giúp tiết kiệm được 68% số giờ thiết kế chương trình mới, tăng hiệu quả hoạt động và kỹ thuật của dự án gấp 3-4 lần so với một số hệ thống hiện có. Dữ liệu này đã được Schneider Electric công bố trong báo cáo "So sánh định lượng các hệ thống tự động hóa công nghiệp".
"Nếu quy đổi, lợi ích có thể trị giá vài tỷ đô la Mỹ hàng năm theo vòng đời nhà máy. Do đó, các doanh nghiệp F&B cần nhìn nhận lại, coi phần mềm là tài sản có thể tái sử dụng và tồn tại lâu dài, nắm bắt xu hướng mới, để mang lại cơ hội trong thế giới tự động hóa công nghiệp đầy biến đổi này", đại diện Schneider Electric chia sẻ.
Ngoài ra, khi kết hợp với các giải pháp trong kiến trúc EcoStruxure dành riêng cho F&B với hơn 20 giải pháp toàn diện trải dài trên 3 lớp: sản phẩm được kết nối, điều khiển biên và ứng dụng, phân tích và dịch vụ, doanh nghiệp có thể giảm chi phí năng lượng từ 20-30%, tăng hiệu suất và linh hoạt đến 25%, nhằm đáp ứng đa dạng và kịp thời nhu cầu của người dùng cuối sản phẩm F&B.