fe34366de8b84de614a9-172217424-6577-5996-1722229160.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cYvj9ZK3dpoXY7Bq8yihgg

Diện mạo Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An

Sau hơn một năm đóng cửa trùng tu, Chùa Cầu dần lộ diện hình ảnh mới hôm 25/7 khi cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn. Các công đoạn cuối cùng của việc tu bổ đang được hoàn thành để chuẩn bị cho lễ khánh thành di tích này vào đầu tháng 8, nhân sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản" lần thứ 20.

Chùa Cầu mới được sơn màu đỏ sáng hơn. Phần thay đổi nhiều nhất là mái, được lợp đan xen ngói cũ và ngói mới. Các chi tiết trên bờ nóc, bờ quyết các hoa văn trang trí, hán tự được viết và sơn quét lại. Bên trong di tích, một số khung gỗ hư hỏng, mục rỗng trước đó đã được thay mới hoàn toàn. Phần được giữ nguyên gần như cũ là phần trụ cột di tích, sơn màu gỗ.

chua-cau-8858-1722229160.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TlioPK6y9J1kgP_lxgT1gQ

Màu sơn bên ngoài được sơn sáng và đậm hơn. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An

Tuy nhiên, hình ảnh mới của công trình biểu tượng Hội An gây tranh luận cho người dân địa phương lẫn khách du lịch. Nhiều người dân phố cổ cảm thấy bất ngờ khi nhìn hình ảnh mới của Chùa Cầu. Chia sẻ với Ngôi Sao, chị Yên Hà (40 tuổi, người Hội An) cho biết: "Đa phần bạn bè tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì trông nó mới quá so với hình ảnh cổ kính chúng tôi vẫn thấy quen thuộc từ nhỏ tới giờ. Hy vọng sau khi hoàn thành, công trình sẽ không quá 'lệch tông' so với những ngôi nhà cổ xung quanh".

Trên mạng xã hội, chủ đề "Diện mạo mới của Chùa Cầu - Hội An" cũng được thảo luận sôi nổi. Nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng, cho rằng đây là "sự phá hoại di tích, làm mất đi vẻ cổ kính đặc trưng". Tuy nhiên, một số người cho rằng việc làm này là cần thiết.

Một bạn trẻ tên Duy cho rằng người dân Quảng Nam vui khi Chùa Cầu được trùng tu bởi vì phiên bản trước đây đã hư hỏng nặng, nếu không tháo dỡ để sửa chữa có nguy cơ bị đổ. "Tôi may mắn được theo dõi nhiều anh em làm công tác phục hồi Chùa Cầu mới thấy tâm huyết của họ", anh viết, đồng thời lấy ví dụ về Điện Thái Hòa ở Huế sau thời gian trùng tu "đã đẹp nguy nga hơn phiên bản xuống cấp trước đó rất nhiều, cho thấy tay nghề cao của đội ngũ phục dựng".

20240725-103306-8982-1722229160.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AjWUyO_-wxgBhEGpTeeOuA

Mặt sau của Chùa Cầu sau trùng tu. Ảnh:Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An

Một nhà sáng tạo nội dung du lịch quê Quảng Nam bày tỏ quan điểm việc trùng tu, sửa sang đã có đề án cấp phép, kiến trúc cũ và mới vẫn được bảo tồn. Việc giữ nguyên vẻ cổ kính, rêu phong rất khó vì các nguyên vật liệu đều mới.

Nhiều người cũng đề cập tới dự án trùng tu Nhà thờ Lớn Hà Nội trước đây cũng từng hứng chỉ trích vì "trông quá mới". Tuy nhiên qua thời gian, công trình này đã được cộng đồng chấp nhận, sau khi hoàn thành quá trình tu bổ và sơn giả cổ phía ngoài. "Tôi cho rằng nếu cần sự rêu phong, chỉ cần đợi vài mùa mưa lụt ở Hội An là Chùa Cầu sẽ có lại màu sắc cổ kính trước đó", anh Hiếu Trần, một du khách từng tới Hội An du lịch nhiều lần, cho biết.

Trên thực tế, các công trình, di tích lịch sử ở Trung Quốc, Hàn Quốc, phố cổ châu Âu cũng thường xuyên được được sơn lại với màu sáng hơn màu gốc khá thường xuyên.

Chùa Cầu là một cây cầu cổ nối hai phố Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, nằm ở phía tây nam khu phố cổ Hội An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Công trình bắc qua một con lạch nhỏ thông ra sông Hoài. Cầu ban đầu được khởi dựng bởi các thương nhân người Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ 16, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản.

a15-1540058766-4020-1722229160.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=me8OEBRfP9vP-0hA4CYT3Q

Chùa Cầu trước đây, hình ảnh đã trở thành biểu tượng của du lịch Hội An. Ảnh: Nguyễn Đông

Chùa Cầu dài khoảng 18 m, rộng khoảng 3 m; có kiến trúc pha trộn của Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Cấu trúc cầu theo mặt bằng gồm ba phần chính là hai phần đầu cầu và phần thân cầu ở giữa. Mỗi đầu cầu hai phía được xây gạch bao gồm ba nhịp, phần cầu ở giữa có 5 nhịp đặt trên các trụ gạch cắm xuống nước. Tất cả hệ khung của công trình làm bằng gỗ, có ba hệ mái tương ứng với ba phần cầu.

Dự án trùng tu được khởi công ngày 28/12/2022, sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng. Trước đó, Chùa Cầu trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.

Hà Nguyên

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022