Show của nghệ sĩ diễn lúc 20h30 tối 12/11 và kết thúc vào 2h sáng 13/11. Như Quỳnh xuất hiện trên sân khấu với tiết mục Đón xuân (Phạm Đình Chương), mở đầu chương trình tái ngộ khán giả TP HCM sau bốn năm.
Phần đầu, ca sĩ trình diễn nhạc phẩm gắn liền với kỷ niệm quê hương và tạo nên tên tuổi chị, như Cô bé ngày xưa (Hoài Linh), Những ngày xưa thân ái (Phạm Thế Mỹ), Người tình mùa đông (nhạc Nhật, lời: Anh Bằng), Duyên phận (Thái Thịnh), Dấu chân kỷ niệm (Trúc Phương)...
* Như Quỳnh, Mai Tiến Dũng hát "Duyên phận"
Các tiết mục được dàn dựng có nét tương đồng với những video ca nhạc được yêu thích của Như Quỳnh khi hoạt động ở sân khấu hải ngoại thập niên 1990. Ở một số bài, chị hát trên nhạc nền có sẵn (beat) thay vì trình diễn cùng ban nhạc.
So với liveshow thực hiện tại TP HCM bốn năm trước, giọng hát của Như Quỳnh tốt hơn. Chị giữ được cột hơi ổn định, cách nhả chữ, luyến láy rõ, mượt mà. Mỗi bài chị trình diễn đều nhận được tràng pháo tay từ người xem. Nhiều nghệ sĩ góp mặt ủng hộ đêm nhạc như: Cẩm Vân, Châu Tuấn, Mỹ Hạnh... Theo nghệ sĩ Cẩm Vân, Như Quỳnh giữ được phong độ về thần thái lẫn giọng hát. Còn diễn viên Trấn Thành nhận xét đàn chị có đêm nhạc nhiều cảm xúc, chị đẹp từ trên sân khấu cho đến ngoài đời, luôn được đồng nghiệp yêu quý vì sự tử tế và dễ thương.
* Như Quỳnh hát "Dấu chân kỷ niệm"
Ngoài phần solo, danh ca có nhiều tiết mục song ca với khách mời. Màn kết hợp với Lương Bích Hữu trong liên khúc Cô gái Trung Hoa (Sỹ Luân), Ánh trăng nói hộ lòng tôi (nhạc Hoa lời Việt) gây bất ngờ cho người xem. Trước đó, tên Lưu Bích Hữu không xuất hiện trong poster chương trình. Dấu ấn trong phần trình diễn của Như Quỳnh phải kể đến là tiết mục Cảm ơn mẹ (Trần Ngưu Phúc Vũ) dành tưởng nhớ cha mẹ, và Tình bơ vơ (Lam Phương) dành cho em trai - Tường Khuê - qua đời hồi tháng 4. Như Quỳnh khóc cho biết cả hai thu âm bản nhạc này đã lâu và lần đầu tiên chị đưa lên sân khấu.
Ca sĩ Như Quỳnh thay hơn 12 bộ áo dài do nhà thiết kế Việt Hùng thực hiện trong đêm nhạc. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Để giúp danh ca chuẩn bị tốt tiết mục và kịp thay trang phục, nhiều nghệ sĩ khách mời biểu diễn xen kẽ. Mạnh Đình hát Chút kỷ niệm buồn (Tô Thanh Sơn), Lệ Thủy với tân cổ Hành trình trên đất phù sa... Bằng Kiều được cổ vũ nhiệt tình khi khoe giọng nam cao, tình cảm trong Cánh hồng phai (Dương Khắc Linh), liên khúc Lệ đá (Trần Thịnh) - Dấu tình sầu (Ngô Thụy Miên). Lương Bích Hữu tạo dấu ấn với các bản nhạc được phối mới như Nụ hồng mong manh (nhạc Hoa lời Việt), Dằm trong tim (Thu Hà), Trấn Thành biểu diễn hai bản nhạc tình Bài Không Tên cuối cùng (Vũ Thành An), Màu mắt nhung (Đức Huy). Dương Triệu Vũ góp mặt với nhạc phẩm Mưa trên biển vắng (nhạc Pháp lời Việt).
Cảm xúc của khán giả xem liveshow Như Quỳnh tối 12/11. Video: Hoàng Long
Liveshow quy tụ người xem đa dạng về lứa tuổi, tuy nhiên đông nhất là khán giả trung niên. Phần lớn khán giả không đủ kiên nhẫn và ra về trước khi đêm nhạc kết thúc. Theo khán giả Hoàng Long, 33 tuổi, ở Phú Nhuận, cho rằng phần dàn dựng nên tiết chế lại gọn gàng hơn để người xem lớn tuổi đỡ mệt.
Như Quỳnh sinh năm 1970, tên thật là Lê Lâm Quỳnh Như, quê ở Đông Hà, Quảng Trị. Năm 1991, được sự khuyến khích của mẹ cũng như bạn bè, Như Quỳnh đoạt giải đặc biệt khi thi Tiếng hát truyền hình TP HCM. Chị ghi điểm tuyệt đối nhờ ca khúc Mùa xuân trên TP HCM (Xuân Hồng).
Sau khi giành giải cao tại cuộc thi, Như Quỳnh bắt đầu sự nghiệp giảng dạy thanh nhạc cho thiếu nhi. Năm 1993, chị cùng gia đình sang Mỹ định cư. Ca hát trong cộng đồng người Việt, chỉ một năm sau, chị trở thành ngôi sao với hai bài hát Người tình mùa đông (nhạc Nhật, lời Anh Bằng) và Chuyện hoa sim (Anh Bằng phổ thơ Hữu Loan).
Hoàng Dung