Nhạc sĩ nói về công việc, cuộc sống hiện tại, tình cảm với bố, dịp tham gia dự án Bản Giao hưởng Kỷ nguyên Vàng Đông Nam Á của Nhạc viện Yong Siew Toh, Đại học Quốc gia Singapore.

- Cơ duyên nào đưa anh đến với dự án?

- Tôi cùng sáu nghệ sĩ đến từ Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia được mời xây dựng một bản giao hưởng nhiều chương, khai thác chất liệu dân tộc. Tôi đóng góp một chương mang tên Đường lên cao nguyên, đậm màu sắc văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tác phẩm công diễn ở Singapore tháng 10/2023, sẽ được giới thiệu ở Việt Nam trong tương lai.

Khó khăn lớn nhất là bảy nhạc sĩ phải cùng tìm ra tiếng nói chung, giúp bản giao hưởng chặt chẽ, nhưng vẫn đảm bảo có đất để thể hiện cá tính của mình.

Tôi khá bận do vừa làm luận án nghiên cứu sinh ngành sáng tác, Đại học Florida, vừa giảng dạy và duy trì viết nhạc. Tuy nhiên, khi tham gia dự án, tôi vui vì có cơ hội được học hỏi, làm việc với những nhạc sĩ từ nhiều nền văn hóa, tiếp xúc các sinh viên tài năng của Nhạc viện Yong Siew Toh. Mọi thứ mang đến cho tôi nhiều năng lượng, cảm xúc.

duong-len-cao-nguyen-pho-duc-hoang-1712629258.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=el2q4a3_sn6X5XkSU62F2Q
'Đường lên cao nguyên' - Phó Đức Hoàng

Trích đoạn chương "Đường lên cao nguyên", thuộc dự án "Bản Giao hưởng Kỷ nguyên Vàng Đông Nam Á", Phó Đức Hoàng sáng tác. Video: Nhân vật cung cấp

- Bố là nhạc sĩ sáng tác ca khúc nổi tiếng, điều gì đưa anh đến với khí nhạc?

- 18 tuổi, khi đang là sinh viên trung cấp ngành piano, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi bắt đầu hứng thú với khí nhạc, nghiên cứu về tiết tấu, hòa thanh, âm sắc ở mức độ chuyên sâu hơn. Một trong những tác phẩm đầu tiên tôi say mê là Concerto cho piano số 2 của nhà soạn nhạc người Nga Sergei Rachmaninoff. Tôi bị cuốn theo giai điệu đẹp của bản nhạc, luôn tự hỏi làm sao để viết ra được tác phẩm rung động lòng người đến vậy. Từ đó, tôi khám phá nhiều bản nhạc thuộc các thời kỳ khác nhau, quyết định trở thành nhạc sĩ khí nhạc.

Tôi nghĩ âm nhạc của mình mang màu sắc đương đại, khai thác các chất liệu văn hóa đa dạng. Tôi thích thu nạp và chọn lọc nhiều thể loại, từ nhạc cổ điển đến đương đại, pop, rock, jazz và dân gian, để xây dựng một hệ thống "âm vựng" có thể dùng trong tác phẩm của mình. Một trong những cảm hứng sáng tác dồi dào nhất của tôi đến từ các chất liệu âm nhạc dân gian Đông Á, trong đó có cả Việt Nam.

pho-du-c-hoa-ng-3-6122-1712588785.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yEx4X2ASOVSLz7uxP-yYBw

Phó Đức Hoàng (thứ ba từ phải sang) bên các nghệ sĩ cùng tham gia dự án "Bản Giao hưởng Kỷ nguyên Vàng Đông Nam Á". Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Bố ảnh hưởng đến con đường âm nhạc của anh thế nào?

- Tôi và bố ít trò chuyện về chuyên môn, bởi tư duy âm nhạc khác biệt. Ông chuyên viết ca khúc giàu văn hóa Việt, mục đích tiếp cận nhiều khán giả, còn tôi chuyên về khí nhạc, khai thác chiều sâu âm thanh. Mỗi khi nói về nghề, bố con tôi như nước với lửa. Vì thế, thay vì bàn luận trực tiếp, chúng tôi cùng thưởng thức các buổi diễn giao hưởng, cùng giãi bày cảm nhận về âm nhạc.

Tôi may mắn được lớn lên trong môi trường nghệ thuật, và ông là người tích cực dẫn dắt. Ông không trực tiếp dạy nhưng tôi vẫn thụ động học được nhiều điều khi chứng kiến bố làm nghề. Đó là những lúc tôi nhìn ông hướng dẫn các ca sĩ hát, hay nghe ông bàn về câu chuyện làm nên tác phẩm. Ông là người tràn đầy năng lượng trong nghệ thuật, tôi đã cố gắng rèn tinh thần nhiệt huyết như vậy để vươn xa trong âm nhạc.

Ngoài ra, tôi biết ơn bố vì ông đầu tư, tạo điều kiện để tôi có nền tảng tốt. Khi tôi học đại học, thạc sĩ ở Mỹ, ông luôn tiết kiệm để có thể hỗ trợ tài chính, giúp tôi ổn định cuộc sống, yên tâm học tập. Có thời gian, tôi sống thắt lưng buộc bụng vì ngại tốn kém, áp lực cho gia đình. Bố vẫn khích lệ, khuyên tôi đừng lo lắng, chi tiêu phù hợp.

pho-duc-hoang-2-9302-1712629990.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fyRUo61nmrM_hqNWadIY5Q

Nhạc sĩ Phó Đức Hoàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Anh nghĩ sao khi cái tên của mình sẽ luôn gắn với cụm từ "con trai nhạc sĩ Phó Đức Phương"?

- Có thể việc được gọi như vậy sẽ giúp tôi có được một số quyền lợi ngoại giao. Tôi nghĩ đó là may mắn, nhưng tôi sẽ không phụ thuộc nhiều. Tôi cũng không áp lực việc vượt qua cái bóng của bố, bởi phong cách và con đường âm nhạc của tôi khác với ông. Tôi nghĩ mình sẽ được khán giả đánh giá và đón nhận theo cách riêng.

- Trong ký ức của anh, nhạc sĩ là người thế nào?

- Ông kỹ tính, tỉ mỉ, thích đọc sách, theo dõi thông tin đại chúng, quan tâm đến cuộc sống của các anh em họ hàng. Ngoài ra, ông yêu thích cây cối, trang trí vườn tược.

Tôi khác ông nhiều điểm. Ông năng động, hoạt ngôn, thân thiện, hồn nhiên và hướng ngoại. Tôi thì nhã nhặn, ít nói, dè dặt và hướng nội. Tôi thấy giống ông nhất ở sự cầu toàn, đặc biệt là trong sáng tạo. Ông hay nói với tôi: "Muốn âm nhạc truyền cảm và sâu sắc, phải giàu kinh nghiệm sống". Vì thế, tôi cố gắng mở mang tư duy với nhiều loại hình âm nhạc khác nhau, đồng thời trải nghiệm cuộc sống.

pho-du-c-phu-o-ng-jpeg-6188-1712588785.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iKMzKwLRkdLOkk9l22889Q

Phó Đức Hoàng bên bố, nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Anh nhớ những kỷ niệm nào khi bố còn sống?

- Hồi nhỏ, một hôm bố chở tôi đi học đúng ngày trời mưa nên đườnglầy lội. Đến một khúc rẽ, đường trơn nên ông mất lái nhưng vẫn cố dang tay chống xuống đất cho tôi đỡ đau. Thấy hai bố con loay hoay, một anh bộ đội gần đó chạy đến giúp. Đến trường muộn, ông dắt tôi lên lớp, trình bày với cô giáo. Nhìn hai bố con lấm lem bùn đất, cô thông cảm và cho tôi điểm danh.

Năm tôi sáu tuổi, bố mẹ cho tôi vào lớp vẽ, học tại nhà một họa sĩ có tiếng. Sau một thời gian, tôi không hứng thú, chán nản, càng tin rằng mình không có năng khiếu vẽ tranh và sự thật là tôi vẽ rất dở. Một hôm, sau khi ăn sáng, tôi trốn học, bố bắt được và mắng té tát. May mắn là sau ngày hôm đó, tôi không phải đi học vẽ nữa mà bắt đầu học nhạc.

ban-sun-ray-pho-duc-hoang-1712568392.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DKuByt4UDbSji7qmA1xmTg
Bản 'Sun Ray' - Phó Đức Hoàng

Bản nhạc "Sun Ray" (Tia nắng) của Phó Đức Hoàng, Nguyễn Phú Sơn và Lưu Đức Anh biểu diễn, thuộc "Chuỗi chương trình Hòa nhạc thế kỷ 20" củaViện Goethe Hà Nội và Inspirito School of Music, năm 2021. Video: Viện Goethe

- Anh ấp ủ điều gì với gia tài nghệ thuật do bố để lại?

- Bố không có cơ hội dặn dò tôi về âm nhạc, nhưng tôi hiểu phải làm gì sau nhiều năm gắn bó. Tôi nghĩ mình cần gánh vác trọng trách tiếp nối di sản nghệ thuật của ông. Ông đã tạo dựng sự nghiệp tầm vóc, và tôi muốn viết tiếp chương mới. Có thể hình thức và lối đi của tôi khác, nhưng quan trọng là tôi sẽ duy trì mạch sáng tạo, được bồi đắp từ sự ảnh hưởng của ông.

con-trai-nhac-si-pho-duc-phuong-choi-piano-trong-dem-nhac-cu-1712567909.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1rU7HD1Hi6sY4MkfIK6U8A
Con trai nhạc sĩ Phó Đức Phương chơi piano trong đêm nhạc của bố

Phó Đức Hoàng cùng chị gái - nghệ sĩ dương cầm Phó Vũ Thư - song tấu piano trong liveshow "Khúc hát phiêu ly", năm 2020. Video: Nguyễn Thành Công

Phó Đức Hoàng 34 tuổi, tốt nghiệp cử nhân sáng tác tại Nhạc viện Boston - Cao đẳng Âm nhạc Berklee (Mỹ) và thạc sĩ sáng tác tại Đại học Miền Nam Florida (Mỹ). Anh hiện theo học tiến sĩ ở Đại học Florida (Mỹ). Anh giảng dạy ở nhiều trường nhạc tại Việt Nam và nước ngoài, có tác phẩm được nhiều dàn nhạc lớn biểu diễn. Sắp tới, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam sẽ trình diễn tác phẩm mới của anh - Lập xuân - vào ngày 16/6 ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hà Nội, quê gốc Hưng Yên. Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc ca ngợi non nước Việt. Nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận xét âm nhạc của ông đậm đặc văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.

Ngoài sáng tác, khi còn sống, ông dành nhiều tâm huyết cho hoạt động bản quyền âm nhạc, từng giữ chức giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Ông qua đời tháng 9/2020, thọ 76 tuổi.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022