Phương pháp mới hiệu quả, an toàn

Tại Hội thao Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế Thủ đô lần thứ 26 tổ chức vào cuối tháng 3/2015, Nhóm phẫu thuật viên trẻ Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã đoạt giải Nhất và được Bộ Y tế tặng Bằng khen với phương pháp treo mi bằng vạt cơ trán. Hiện đây là phương pháp mới, lần đầu tiên được áp dụng an toàn và hiệu quả trong việc điều trị triệt để sụp mi bẩm sinh bằng phẫu thuật, đặc biệt là các trường hợp sụp vừa và nặng ở Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, BV 108 đã có hơn 80 trường hợp được mổ thành công với độ tuổi dao động từ 4 – 50 tuổi.

FullSizeRender-4-1.jpgBS. Phạm Ngọc Minh đang kiểm tra thị lực cho BN Lê Văn Tuấn (ảnh: L.H)

Sụp mi mắt là nguyên nhân làm giảm chức năng điều tiết của mắt và gây ra các bệnh về mắt như: nhược nhị, loạn thị do che khuất tầm nhìn… BS. Phạm Ngọc Minh, Trưởng nhóm phẫu thuật cho biết, có nhiều cách phân loại sụp mi, tuy nhiên đa số các chuyên gia y tế chia sụp mi thành hai nhóm chính: Sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải. Sụp mi bẩm sinh là ngay từ lúc sinh ra đã bị, tùy từng trường hợp mà bệnh tiến triển nhanh hay chậm.

“Đây là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 0,18%, thường do yếu tố bẩm sinh ngay từ thời kỳ trong bào thai khiến cơ nâng mi không có chức năng hoặc chức năng rất yếu, dẫn đến không đảm bảo việc nâng mi, làm cho mi đờ ra.

Tuy nhiên trong cộng đồng, còn có những trường hợp sụp mi mắc phải, nghĩa là từ lúc sinh ra bệnh nhân (BN) có 2 mắt hoàn toàn bình thường, sau đó vì những lý do như tai nạn hoặc biến chứng của một bệnh lý khác làm cho mí mắt bị sụp xuống. Điều đáng nói là chứng bệnh này không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà còn gây nhược thị do che lấp trục thị giác, nguy cơ này tăng lên khi trẻ trên 6 tuổi”, BS. Phạm Ngọc Minh cho hay.

Tạo hình thẩm mỹ, cải thiện chức năng sinh lý bền vững

Theo BS. Phạm Ngọc Minh, trước kia các chuyên gia y tế đã điều trị sụp mi bẩm sinh, đặc biệt là các trường hợp sụp vừa và nặng bằng phương pháp phẫu thuật truyền thống là treo mi lên cơ trán bằng chỉ hoặc bằng cân đùi. Tuy các phương pháp này hồi phục nhanh, ít xâm lấn nhưng vẫn còn tỷ lệ tái phát khá cao (30%), và phải sử dụng chất liệu nhân tạo.

Sau một thời gian nghiên cứu, may mắn nhóm kỹ thuật được tạo điều kiện học tập ở nước ngoài như Hàn Quốc, Úc, Đài Loan, nhóm đã tìm ra và cải tiến phương pháp treo mi bằng vạt cơ trán với hiệu quả cao, an toàn. “Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng cơ trán tự thân được bảo tồn hoàn toàn thần kinh vận động để treo mi trực tiếp, tỷ lệ tái phát thấp và đạt hiệu quả về thẩm mỹ.

Chỉ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ tiến hành 2 đường mổ trên cung mày và mi trên để vừa xoay vạt cơ trán xuống treo mi vừa tạo hình nếp mí thẩm mỹ nhưng vẫn bảo tồn các  thần kinh vận động và thần kinh cảm giác giúp hồi phục tốt nhất sau mổ. Phương pháp này được áp dụng không chỉ ở các BN sụp mi bẩm sinh mà còn các trường hợp sụp mi mắc phải do chấn thương”, BS. Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh.

best-2.jpg

best2-1.jpgẢnh trước và sau can thiệp treo mi bằng vạt cơ trán cho BN nam là Nguyễn Đức Minh, 5t, trước và sau mổ (ảnh do bs cung cấp).

BS. Minh cũng cho biết, treo mi bằng vạt cơ trán chỉ áp dụng cho sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải chứ không áp dụng cho sụp mi do thừa da mi ở người lớn tuổi. Bởi ở trường hợp người tuổi cao, do sự đàn hồi tổ chức yếu dẫn đến da thừa, gây sụp mi thì phải tiến hành cắt da thừa tạo mí thẩm mỹ.

Trường hợp BN Lê Văn Tuấn, 16 tuổi ở Nam Định vào BV 108 trong tình trạng sụp mí bẩm sinh mức độ nặng, viền mi che khuất 3/4 đồng tử bên phải nên mỗi khi nhìn em thường phải nhướn mày cao hoặc ngửa cổ ra đằng sau. Do mắt phải bị sụp, nhiều lúc em chỉ tập trung việc nhìn bằng mắt trái khiến mắt em ngày càng nhìn kém. Mặc dù gia đình cho em đi phẫu thuật 2 lần ở BV tỉnh và BV Mắt T.Ư nhưng chỉ được một thời gian ngắn mắt Tuấn lại bị sụp như lúc đầu chưa phẫu thuật.

Theo BS Ngọc Minh – người trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho Tuấn: “Sau vài ngày phẫu thuật, mắt Tuấn đã nhìn tốt hơn. Từ đầu, do BN đã qua 2 lần phẫu thuật, khiến sẹo mi co kéo và da bị dính nhiều. Chúng tôi quyết định sử dụng phương pháp này có thể vừa lấy hết chỉ treo mi bằng phương pháp cũ, vừa có thể sửa sẹo mi cho BN và gỡ dính tổ chức bị dính, giúp BN nhìn tốt hơn”.

Nhìn mí mắt sưng nề và vẫn còn hở khi nhắm mắt, BS. Minh nhắn nhủ BN: “Treo mi ở bất kỳ phương pháp nào cũng xảy ra tình trạng hở mi và khô giác mạc sau mổ. Do vậy bắt buộc BN phải tuân thủ việc tra thuốc mỡ (ban đêm) kín toàn bộ nhãn cầu để tránh khô giác mạc và phải nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần (ban ngày) để giúp giác mạc không bị khô, không bị bong ra có thể gây mù loà. Nếu tuân thủ việc theo dõi và khám lại đúng lịch hẹn của bác sĩ, tình trạng này sẽ cải thiện dần, chỉ 3 – 6 tháng sau mổ BN có thể nhắm kín mắt được”.

“Khi thấy các dấu hiệu: viền của mi trên sa xuống che khuất đồng tử của con ngươi, lông mi hướng xuống dưới, mất nếp gấp mi trên, rướn lông mày, nghếch cổ khi nhìn, giảm thị lực, thử lật mi: Nếu mi trên luôn ở tư thế đã bị lật chứng tỏ cơ mi yếu hay không còn hoạt động, chứng tỏ đã bị sụp mi nặng, cần phải can thiệp ngay lập tức. Với trẻ sụp mi bẩm sinh nên phẫu thuật trước tuổi đi học sẽ giảm nguy cơ nhược thị và giúp cho trẻ có thể tự tin tham gia với cộng đồng”, BS. Phạm Ngọc Minh khuyến cáo.

Lưu Hường

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022