Tăng viện phí nhưng BHYT vẫn bội chi
Đầu tiên, Liên bộ Tài chính và Bộ Y tế đã điều chỉnh mức tăng viện phí 30% từ tháng 3/2016 đối với hơn 1.800 dịch vụ y tế do BHYT thanh toán với mức tăng từ 2 đến 7 lần. Trong đó, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Từ 12/8/2016, 16 tỉnh đầu tiên tiếp tục được tăng viện phí thông qua việc tính thêm yếu tố tiền lương nên số tiền chi trả BHYT tăng theo.
Theo kế hoạch, từ ngày 01/01/2017, mức tăng viện phí 30% đối với người không có thẻ BHYT sẽ được chính thức áp dụng trong cả nước.
Bên cạnh đó, theo BHXH Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm, quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bội chi hơn 3.400 tỉ đồng, dự kiến cả năm nay, mức chi vượt thu có thể lên tới 6.000 tỷ đồng.
Mặc dù việc bội chi quỹ BHYT ban đầu được xác định bởi các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có nhiều hoạt động trục lợi BHYT đã được các đơn vị liên quan tổng kết như: Việc sử dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý; chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh; áp giá thanh toán không đúng quy định; thống kê thanh toán không đúng quy định; … nhưng sự hồ nghi về việc tăng viện phí luôn được điều chỉnh, tình trạng bội chi xảy ra nghiêm trọng, điều đó nguy cơ dẫn đến “vỡ” quỹ BHYT càng gần hơn.
Không có chuyện “vỡ” quỹ BHYT
Giải đáp các thắc mắc trên, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định: BHYT trước năm 2017 sẽ không có gì thay đổi nhằm hạn chế phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Đặc biệt, không có chuyện “vỡ” quỹ bảo hiểm như thông tin không chính thức.
Hiện cả nước có khoảng 80% dân số đã tham gia BHYT. Mặc dù trong 8 tháng đầu năm 2016, quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bội chi hơn 3.400 tỉ đồng nhưng tính đến năm 2017, BHXH vẫn đảm bảo được nguồn quỹ để chi trả cho các hoạt động khám, chữa bệnh BHYT.
Nguyên nhân chính của việc gia tăng đột biến chi phí của Quỹ BHYT là do gia tăng cơ học về số người tham gia BHYT, quỹ khám chữa bệnh BHYT, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí theo Thông tư 37 của liên Bộ Y tế – Tài chính, thực hiện thông tuyến đối với các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc….
Hơn nữa, 2 quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước nên chuyện “vỡ” quỹ BHYT không thể xảy ra.
Được biết, thời gian qua BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rà soát, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Hiện nay, cả nước có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thành công vào Cổng thông tin giám định BHYT nhưng vẫn chưa kiểm soát được tình trạng trục lợi BHYT. Từ năm 2017, những cơ sở chưa liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, cơ quan bảo hiểm sẽ không ký hợp đồng BHYT hoặc ngừng thanh toán BHYT.
Phương Linh