image_gallery
Bỏ quy định đóng tạm ứng viện phí giúp người bệnh có BHYT không mất nhiều thời gian vào khâu làm thủ tục khám bệnh. Ảnh Internet.

Không phải chờ đợi lâu

Trước kia, khi người dân đi khám bệnh tại các cơ sở mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục tạm ứng viện phí, gây phiền hà đối với bệnh nhân. Một số ít bệnh viện, trung tâm y tế áp dụng thu tạm ứng viện phí quá máy móc như: Tạm ứng xong mới được khám và làm các xét nghiệm khác khiến người bệnh không được khám và điều trị bệnh kịp thời.

Để cải thiện tình hình, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 yêu cầu các bệnh viện không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh có thẻ BHYT khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá của dịch vụ, trừ các chi phí chưa tính vào giá dịch vụ và phần đồng chi trả của người bệnh có BHYT theo quy định hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

 Lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội và bà Trịnh Thị Ngân trong buổi làm việc với PV
Lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội và bà Trịnh Thị Ngân trong buổi làm việc với PV

Sau 4 tháng thực hiện Chỉ thị 06, theo khảo sát của PV, việc không thu tạm ứng viện phí khi khám bệnh đã được các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có kết nối BHYT thực hiện một cách nghiêm túc. Người bệnh tỏ ra hài lòng bởi đã giảm đáng kể thủ tục nhập viện, người bệnh chỉ cần nộp thẻ BHYT không phải đóng tiền tạm ứng, không mất nhiều thời gian chờ đợi và được khám bệnh nhanh hơn.

Trao đổi với chị Yến, ở phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội tại Khoa khám bệnh, bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền Hà Nội về vấn đề này, chị Yến cho hay: “Tôi có mẹ già năm nay 80 tuổi. Mẹ tôi hay đau ốm nên thường xuyên phải vào viện điều trị. Trước kia, mỗi lần mẹ tôi nhập viện, tôi hoặc người nhà phải xếp hàng khá lâu để làm thủ tục, đóng tạm ứng viện phí. Sau khám, mẹ tôi lại được các bác sỹ chỉ định làm xét nghiệm. Có lần, xét nghiệm máu chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh, tôi phải vòng đi, vòng lại để đóng tiền làm xét nghiệm khác như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm sinh hoá,… rất mất thời gian. Đã vậy, mẹ tôi còn vật vờ mệt mỏi vì chờ đợi và không được chữa chị kịp thời.

Hiếm trường hợp trốn viện

Trao đổi về thực thi Chỉ thị 06, bà Trịnh Thị Ngân – Kế toán trưởng – Trưởng phòng tài vụ bệnh viện đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội cho hay: Ngay sau khi có Chỉ thị số 06 của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Từ đó, Ban Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo thực hiện không thu tiền tạm ứng viện phí đối với người bệnh có thẻ BHYT, khi tham gia khám bệnh tại bệnh viện. Việc chữa bệnh (nội trú) thì bệnh viện vẫn tính toán thu một khoản nhất định ban đầu để phục vụ chi phí điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện. Theo quy trình, bệnh viện sẽ trả thẻ BHYT cho bệnh nhân khi bệnh nhân ra viện và đã hoàn thiện các thủ tục thanh toán với bệnh viện.

Cũng theo bà Ngân, qua hơn 4 tháng áp dụng không thu tạm ứng viện phí tại bệnh viện, chúng tôi đã giảm được nhiều thủ tục không cần thiết, có nguồn nhân lực, thời gian để chăm sóc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng phát sinh những khó khăn đối với bệnh viện như: Có những trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT gần hết hạn, người bệnh sẵn sàng bỏ thẻ BHYT lại bệnh viện, họ lấy thuốc xong là họ ra về chứ không lấy lại thẻ BHYT, thậm chí, bệnh nhân ra viện mà không làm thủ tục thanh toán viện phí. Do vậy, ở những bệnh nhân có thẻ BHYT gần hết hạn, bệnh viện luôn chú ý nhắc nhở, đôn đốc bệnh nhân lấy thẻ BHYT về và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trước khi lấy thẻ.

Theo Luật BHYT, nếu như trường hợp bệnh nhân trốn viện, phần đồng chi trả của bệnh nhân sẽ không được BHXH thanh toán, gây thất thoát viện phí tại bệnh viện. Tuy nhiên, số bệnh nhân trốn viện, bỏ thẻ BHYT lại bệnh viện không nhiều. Bà Ngân thông tin thêm.

Việc bỏ thu tiền tạm ứng đối với người bệnh có thẻ BHYT đã đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và cho cả bệnh viện. Song, ít nhiều cũng gây khó khăn đối với các bệnh viện, đặc biệt là thất thoát tài chính. Do vậy, cần phải có biện pháp tuyên truyền, thực hiện đối với người bệnh. Để bệnh nhân phải tự giác thanh toán viện phí trước khi ra viện. Đó cũng là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân đối với Nhà nước, hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Phương Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022