tin-bao-so-3-1725721863096734795005-0-2-450-722-crop-17257218700721717113073.jpgTin sáng 8/9: Ấm áp tình người trong bão; Ứng viên phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2024 là ai?

GĐXH - Dù đoạn clip chỉ dài 13 giây nhưng việc người đi xe máy được giúp qua cầu an toàn tạo nên một hình ảnh đẹp, ấm lòng trong gió bão; Theo công bố của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, ứng viên phó giáo sư trẻ nhất năm nay sinh năm 1992.

Chủ tịch Hà Nội: Cố gắng trồng lại cây xanh trăm tuổi gãy, đổ do bão

45902458723091862594302863814741282132212877n-17257650007192077267643.jpg

Cây xanh Hà Nội đổ gãy sau cơn bão.

Sáng 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dẫn đoàn thị sát và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão Yagi.

Kiểm tra hiện trường việc khắc phục hậu quả mưa bão, cây đổ ở phố Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm), lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, thống kê sơ bộ hơn 10.000 cây gãy đổ, giao thông hiện đang vướng mắc nhiều tuyến phố. Người đứng đầu thành phố yêu cầu các phó chủ tịch theo địa bàn phụ trách, phải đôn đốc công tác khắc phục hậu quả mưa bão.

Với những cây xanh gãy đổ, Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ, trồng lại. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Trong đó, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu khẩn trương khôi phục mạng lưới điện trung thế để phục vụ bơm tiêu, thoát nước.

Nhấn mạnh bão số 3 đi qua để lại hậu quả nặng nề, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, ưu tiên số một là nhanh chóng khôi phục giao thông.

"Trong hôm nay (8/9), phải khôi phục hệ thống giao thông để ngày 9/9 người dân đi làm, sinh hoạt bình thường", Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã nhanh chóng kiểm tra, rà soát địa bàn, có giải pháp nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão.

Sáng cùng ngày, Bí thư thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng đoàn công tác xuống địa bàn quận Bắc Từ Liêm trực tiếp đôn đốc, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão.

Bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an, quân đội cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và thành phố, chủ động triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng, chống bão số 3. Bí thư Hà Nội cũng đánh giá cao sự chủ động phòng, chống bão và tinh thần hợp tác, phối hợp của người dân.

"Cơn bão số 3 vừa đi qua Hà Nội để lại hậu quả nặng nề, nên nhiệm vụ trong những ngày tới, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận Bắc Từ Liêm tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.

Bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng trong những ngày tới vẫn đáng lo ngại, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe tính mạng của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản", Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư thành ủy, các lực lượng chức năng trên địa bàn quận chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp, nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24h hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố.

Lực lượng công an, quân đội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, sẵn sàng xả thân, giúp dân trong cơn hoạn nạn do bão, lũ gây ra, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân sau bão lũ.

Xót xa hoàn cảnh gia đình của thượng úy hy sinh khi chống bão: Gia đình hoàn cảnh khó khăn, vừa kết hôn cuối năm ngoái

31-17257032169691764020503-17257745697151909678278-1725779757502-17257797577791214081906.jpg

Lực lượng quân đội giúp dân ứng phó với bão số 3. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Sáng 8/9, nhiều người đau xót trước thông tin Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm, cán bộ thuộc Lữ đoàn 513 (đóng tại Quảng Ninh) đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh vào sáng 7/9.

Trên mạng xã hội, mọi người gửi lời chia buồn tới gia đình Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm và bày tỏ sự biết ơn công lao của đồng chí, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Đồng chí Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm quê ở thôn 8, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, sáng 8/9, chính quyền xã Yên Mỹ cùng các đoàn thể và gia đình đang chuẩn bị đón thi thể Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm về quê, tổ chức mai táng theo phong tục địa phương.

Bà Đỗ Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết, gia đình Thượng úy Khiêm thuộc diện khó khăn, bố làm phụ hồ, mẹ làm nông nghiệp. Đồng chí đã nỗ lực học tập, rèn luyện để được vào phục vụ trong quân đội.

Gia đình Thượng úy Khiêm có 4 người con. Anh trai của đồng chí cũng đang công tác trong quân đội, còn 2 em đang tuổi ăn học. Đồng chí Khiêm vừa lập gia đình riêng cuối năm 2023.

Ngày 8/9, Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) có tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm - Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3.

Xúc động lời cảm tạ tài xế xe tải sau siêu bão số 3 Yagi đổ bộ

8465d8d1-30e4-4ab9-adb2-641f5db52e31-1725768925846-1725768926956568178012.jpeg

Các xe tải che chắn cho người dân lưu thông trên cầu tránh gió bão.

Sáng 8/9, tài khoản Facebook Lâm Đào đã đăng lời cảm ơn tới lái xe ôtô BKS 20F-002xx. Theo tài khoản này, vào ngày 7/9, lái xe này đã đi chậm để che gió bão cho anh khi đang đi xe máy trên cầu Nhật Tân (TP. Hà Nội). Cùng đó, anh Hồng Khang (Đông Anh, Hà Nội) cũng cho biết vào khoảng 12 giờ đêm ngày 8/9, một lái xe môi trường BKS 29H 546-xx đã đi thật chậm qua cầu Nhật Tân (theo hướng Võ Chí Công vào nội thành Hà Nội) để che cho anh và một số người đi xe máy an toàn trong gió bão… "Đây là nghĩa cử cao đẹp, chúc bác tài luôn thượng lộ bình an, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống", anh Khang cho chia sẻ.

Trước đó, vào khoảng 12 giờ 30 ngày 7/9, trên mạng xã hội đã lan truyền clip một số xe ôtô đã cùng đi chậm lại, dồn sát nhau trên cầu Nhật Tân để che chắn cho các xe máy vượt qua cầu Nhật Tân trước trận cuồng phong của bão số 3.

Ngày 7/9, trong khi tuần tra phòng chống bão số 3, Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn - Cảnh sát khu vực Công an phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã nhận được điện thoại "cầu cứu" của chị V.T.H (trú tại ngách 23, ngõ 208 Tam Trinh). Chị H. đang ở nhà một mình, nhà của chị bị gió mạnh tốc mái tôn, uy hiếp sự an toàn về người, tài sản. Tới hiện trường, thiếu tá Tấn đã lập tức trèo lên, gia cố phần mái và toàn bộ các vị trí có thể bị ảnh hưởng do mưa bão. Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn cho rằng, đây là việc làm hết sức đơn giản và là trách nhiệm, là vinh dự, bởi được người dân gửi gắm niềm tin khi gặp khó khăn, nguy khốn.

Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 7/9, tại khu vực gần cầu vượt Trần Hữu Dực (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm), trên đường đi cứu nạn cứu hộ trở trở về đơn vị, các chiến sĩ PCCC đã phát hiện rất nhiều xe máy không thể di chuyển qua cầu do gió bão lớn. Ngay lập tức chỉ huy đã điều 3 xe chữa cháy di chuyển chậm, che chắn cho người dân đi qua khu vực cầu vượt với chiều dài trên 1km. Sau mỗi lần che chắn cho đoàn xe máy đi qua cầu vượt xong, lái xe lại vòng lại để tiếp tục che cho những người khác di chuyển qua đoạn đường gió bão. Những hành động này đã nhận được lời khen ngợi của của cộng đồng mạng và người dân Thủ đô.

14 người chết, 167 người bị thương, hơn 700 ngôi nhà hư hỏng do bão Yagi

mua-bao-12591671-1725777894935-172577789537661389714.jpg

Lực lượng vũ trang huyện Hải Hậu (Nam Định) giúp ngư dân chằng buộc tàu, thuyền tại cảng cá Ninh Cơ. (Ảnh: Bộ Quốc phòng)

Theo Cục Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam), đến 10h ngày 8/9, bão Yagi làm 14 người chết, 167 người bị thương, hư hỏng 744 nhà.

Số liệu trên được đại diện Cục Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) báo cáo tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 8/9.

Cục Cứu nạn, cứu hộ thông tin, tính đến 10h ngày 8/9, bão số 3 làm chết 14 người (Quảng Ninh 4, Hà Nội 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1, Hòa Bình 4, Quân khu 3: 1), bị thương 176 người (Quảng Ninh 157, Hà Nội 8, Hải Phòng 5, Hải Dương 5, Hòa Bình 1).

Về tài sản: bị chìm, trôi dạt, mắc cạn, mất tích 38 phương tiện trên địa bàn ven biển tỉnh Quảng Ninh (chìm 18, trôi dạt 17, mắc cạn 1, mất liên lạc 2); hư hỏng, tốc mái 744 nhà (Quảng Ninh 300, Bắc Giang 89, Lạng Sơn 158, Vĩnh Phúc 4, Yên Bái 49, Hải Phòng 1, Hòa Bình 57, Thái Bình 15, Hà Nam 9, Thanh Hóa 62); hư hỏng 2 trường học (Vĩnh Phúc 1, Thái Bình 1).

Bên cạnh đó, cơn bão cũng làm hư hại 9.028 ha lúa, hoa màu; hư hỏng 16 hệ thống truyền thanh; gãy đổ 5.702 cây; đổ, gãy 40 cột điện; hư hỏng 27 trạm biến áp; hư hỏng 3 lồng cá.

Về công tác khắc phục hậu quả do Bão số 3 gây ra, Cục Cứu nạn, cứu hộ đã điều động 17.367 người (4.730 bộ đội và 12.637 dân quân tự vệ) và 243 phương tiện các loại thực hiện nhiệm vụ.

Đến nay, đã tổ chức di dời 38.047 hộ/141.843 người đến nơi an toàn; cứu được 47 người; tìm kiếm được 4 thi thể bàn giao cho địa phương.

Liên quan đến công việc triển khai tiếp theo, Cục Cứu nạn, cứu hộ sẽ tham mưu Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo toàn quân quán triệt và thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng về công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Cụ thể, duy trì nghiêm chế độ ứng trực ở các cấp; tiếp tục tìm kiếm người mất tích và khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bệnh bảo đảm tốt đời sống, sinh hoạt cho bộ đội và Nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình quân nhân, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra.

Ngoài ra, tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn đơn vị, kho tàng, địa bàn đóng quân; kiểm tra chặt chẽ khu vực có nguy cơ ngập úng, sạt lở phải tổ chức di chuyển đến nơi an toàn.

Hơn 150 thanh niên ở miền Trung ra Bắc khắc phục hậu quả siêu bão Yagi

ban-sao-sieu-bao-1-15003580-1725787786954-17257877887527117558-1725795558221-1725795558784509453521.jpg

Cung Cá Heo ở TP Hạ Long cùng nhiều công trình, nhà cửa của người dân ở Quảng Ninh bị siêu bão Yagi tàn phá. (Ảnh: Minh Đức)

Chiều 9/8, trả lời PV Báo điện tử VTC News, anh Nguyễn Đình Khoa - người sáng lập Hội Phản ứng nhanh tỉnh Thừa Thiên - Huế (PUN 75) xác nhận, tối nay, anh cùng 9 thành viên của Hội lên đường ra Quảng Ninh - Hải Phòng để thực hiện các công tác tiền trạm trước khi đưa 100 thanh niên ra 2 địa phương trên để phối hợp, hỗ trợ khắc phục hậu quả do siêu bão Yagi.

Theo anh Nguyễn Đình Khoa, sáng mai (9/9), khoảng 100 thanh niên là sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng đóng tại Thừa Thiên - Huế cùng một số thành viên của Hội sẽ lên tàu ra hỗ trợ Quảng Ninh - Hải Phòng.

Anh Khoa thông tin thêm hội đã xin Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nối thêm một toa tàu riêng để chở hơn 100 thanh niên kể trên để ra ga Hà Nội. Từ ga Hà Nội, PUN 75 sẽ bố trí ô tô để đưa đoàn xuống Hải Phòng - Quảng Ninh để cùng lực lượng chức năng hỗ trợ nhân dân tại 2 địa phương này khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Anh Nguyễn Thanh Hoài - Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế cũng cho biết Tỉnh Đoàn cũng có ý tưởng để bố trí lực lượng sẵn sàng ra ngoài các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão Yagi giúp chính quyền địa phương và người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên chưa có kế hoạch cụ thể do còn xin ý kiến, chuẩn bị công tác hậu cần...

Ngoài ra, trên trang Facebook cá nhân, TS Nguyễn Ngọc Huy (biệt danh "Huy Nguyễn thời tiết") cũng đang kêu gọi và kết nối những tổ chức tình nguyện sẵn sàng đưa người ra Hải Phòng - Quảng Ninh để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa bão để lại.

Bộ trưởng Công Thương: Sớm cấp điện trở lại ngay khi bão đi qua

mat-dien-o-quang-ninh-17257224207021099462770-1725753728591-1725753729493331393726-1725757001583-17257570020412034972220.jpg

Hàng loạt đèn đường, cột điện bị đổ ở TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

Bão số 3 đã đi vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và TP Hà Nội, gây thiệt hại rất lớn đến công trình, nhà ở.

Hệ thống lưới điện tại nhiều khu vực bị sự cố gây mất điện nhiều nơi, đặc biệt tại khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và Công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua; đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho công tác phòng chống bão.

Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn lực duy trì chế độ trực 24/24 giờ, đảm bảo chế độ liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm quy định về điều độ hệ thống điện.

Có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra.

Cục Điều tiết điện lực theo dõi chặt chẽ tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, chỉ đạo các đơn vị chức năng chuẩn bị các phương án ứng phó với các sự cố hệ thống điện do bão gây ra. Tổng hợp báo cáo kịp thời về các sự cố hệ thống lưới điện…

Thống kê từ Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) cho thấy, tính đến 14 giờ ngày 7-9, phụ tải toàn miền Bắc giảm khoảng 7.000 MW, giảm khoảng 30% so với ngày bình thường trước khi có bão; 8 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất khoảng 3.000 MW bị sự cố do sự cố lưới điện.

Cùng với đó, một số nhà máy nhiệt điện cũng đang gặp sự cố. Theo đó, 2 nhà máy của Tổng Công ty Điện lực - TKV đã tạm tách ra khỏi lưới điện 220kV và 110kV gồm Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động - TKV (Bắc Giang) và Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (Quảng Ninh).

Nguyên nhân ban đầu được lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực -TKV cho biết do đường dây 220kV và 110kV Cẩm Phả - Mông Dương và 220kV Sơn Động - Hoành Bồ bị ảnh hưởng do bão nên nhà máy không phát điện lên lưới được.

Cùng với đó, 3 nhà máy nhiệt điện khác gồm: Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Quảng Ninh và Nhiệt điện Hải Phòng cũng tạm dừng phát điện lên lưới.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là lưới truyền tải tạm cắt điện để đảm bảo an toàn lưới truyền tải do tốc độ và cường độ gió của bão số 3 quá mạnh.

Tình hình sự cố lưới, khoảng hơn 40 đường dây 220kV, 110kV và khoảng 8 đường dây 500 kV bị sự cố, tuy nhiên hệ thống điện quốc gia vẫn đảm bảo vận hành an toàn tin cậy từ nguồn điện tại chỗ và truyền tải từ miền Trung, miền Nam.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022