tin-nam-sinh-bi-danh-chan-thuong-nao-17236529141091405956604-1-17-279-461-crop-172365292766116276198.pngTin sáng 15/8: Kết luận điều tra vụ nam sinh lớp 8 ở Hà Nội bị đánh tử vong; bác thông tin 'Cháo lươn Nghệ An' là di sản phi vật thể

GĐXH - Công an quận Long Biên vừa ban hành kết luận điều tra vụ nam sinh lớp 8 ở Hà Nội bị đánh tử vong khi chơi bóng rổ; Bộ VHTTDL đề nghị xử lý thông tin xuyên tạc, sai sự thật về "Cháo lươn Nghệ An" là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Xử lý nghiêm người đưa thông tin sai về sơn cờ Tổ quốc ở Hạ Long

Ngày 15/8, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã làm việc với anh Tạ Minh Thành (trú phường Hồng Hải, TP Hạ Long), người đã sử dụng tài khoản Facebook đăng tải thông tin UBND phường Yết Kiêu yêu cầu anh T.D.N. xóa bỏ hình cờ Tổ quốc trên tường nhà.

Cụ thể, trong quá trình sinh sống tại địa phương từ năm 2020, anh Thành nghe thông tin dư luận tại nơi cư trú về nhà ở của anh N. có sơn tường nền đỏ với ngôi sao vàng, sau đó phải sơn phủ lên trên hình ảnh ngôi sao.

Mặc dù chưa hiểu rõ bản chất sự việc, không trực tiếp chứng kiến và kiểm chứng thông tin nhưng ngày 13/8, anh Thành đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân "Tạ Minh Thành" đăng tải bài viết có nội dung không đúng sự thật, nêu việc UBND phường Yết Kiêu bắt xóa bỏ.

Bài viết đã bị nhiều trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook sao chép, đăng tải lại, cắt ghép nội dung, thu hút nhiều lượt bình luận, chia sẻ có nội dung trái chiều, tiêu cực, xuyên tạc về chủ trương, đường lối, chính sách.

Tại buổi làm việc với cơ quan công an, anh Thành cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và của địa phương nơi cư trú, có trách nhiệm đăng tải thông tin đính chính để ổn định tình hình dư luận.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long cũng đang phối hợp với cơ quan công an tiếp tục xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch về sự việc này.

Hà Nội có hơn 8.000 cây cổ thụ, nhiều cây bước sang tuổi già cỗi

sao-den-1260-17237059379711226349685.jpg

Hàng sao đen 120 tuổi trên phố Lò Đúc. Ảnh: Chí Hiếu

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo hiện trạng hệ thống cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn Thủ đô. Cụ thể, trên địa bàn 30 quận, huyện của Hà Nội có 2,4 triệu m2 thảm cỏ, cây mảng, hàng rào, hoa lưu niên, cây cảnh; 1.500m2 hoa thời vụ.

Hiện nay, cấp thành phố đang quản lý khoảng 194.000 cây bóng mát, 510.000 cây keo, tràm, bạch đàn… Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cấp huyện quản lý khoảng 460.900 cây.

Thống kê sơ bộ trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cây cổ thụ. Đây là những cây có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, một số cây cổ thụ đã bước sang tuổi già cỗi, có biểu hiện sinh trưởng kém.

Ngoài ra trên địa bàn thành phố hiện nay còn có một số loài cây không thuộc chủng loại cây bóng mát trồng đô thị như dâu da, vông, dướng, trứng cá dễ bị gẫy đổ khi gặp mưa gió, quả chín rụng bẩn, hấp dẫn ruồi, nhặng.

Từ năm 2020 đến nay, khoảng 140.000-150.000 cây bóng mát được cắt tỉa mỗi năm trên toàn địa bàn thành phố theo phân cấp. Hệ thống cây bóng mát sau khi được cắt tỉa về cơ bản đã đảm bảo an toàn, hạn chế bị gẫy đổ trong mùa mưa bão.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, công tác quản lý, phát triển cây xanh đô thị vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như thiếu một số quy định cụ thể để thực hiện công tác quản lý, nghiệm thu, thanh quyết toán duy tu, duy trì hệ thống cây xanh.

Công tác cắt tỉa cây bóng mát đôi khi còn chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây và khả năng tạo bóng mát.

Quá trình chăm sóc, duy trì cây bóng mát chưa áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Công tác cắt tỉa chủ yếu đảm bảo an toàn cho người dân, phòng chống thiên tai mà chưa quan tâm nhiều đến cảnh quan, tính thẩm mỹ, trang trí đô thị và chưa có biện pháp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, thành phố cần xây dựng tiêu chí để phân loại, lập phương án thay thế một số chủng loại cây xanh già cỗi.

Trong trường hợp xử lý, thay thế cây, để đạt được sự đồng thuận cần lấy ý kiến cộng đồng từ chủ trương, kế hoạch đến phương án, đơn vị thực hiện.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, tránh các trường hợp "bức tử" cây.

Trường ĐH Hà Nội không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt

base64-172354236555248536523-1723694550953-17236945520641495573108.png

Ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang)

Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội) là trường đại học đầu tiên cấp bằng cử nhân ngành tiếng Anh cho ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang) vào năm 2001. Điều này đồng nghĩa với việc Trường ĐH Hà Nội là nơi ông Vương Tấn Việt nộp bằng cấp 3 làm điều kiện tuyển sinh đầu vào để theo học bậc đại học.

Năm 2019, ông Vương Tấn Việt tiếp tục được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng cử nhân ngành Luật văn bằng 2 vừa học vừa làm, xếp loại giỏi tại Trường ĐH Luật Hà Nội.

Liên quan đến quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt tại Trường ĐH Hà Nội, đại diện nhà trường cho hay ông Việt theo học chương trình ngành Ngôn ngữ Anh, hệ đào tạo từ xa trong thời gian từ năm 1994 - 2001.

Thời gian học ngành Ngôn ngữ Anh của ông Vương Tấn Việt kéo dài 6 năm 4 tháng, từ tháng 8-1994 đến tháng 12-2000, hệ đào tạo từ xa. Bằng tốt nghiệp đại học của ông Việt được cấp vào đầu năm 2001. Như vậy, thời gian đào tạo 6 năm 4 tháng nằm trong khung thời gian cho phép đối với hệ đào tạo từ xa.

Hiện nhà trường không còn lưu hồ sơ tuyển sinh, trong đó có bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt vì theo quy định, thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học.

Trường ĐH Hà Nội cho hay đã phối hợp với Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT rà soát, báo cáo thông tin về hồ sơ học tập của ông Vương Tấn Việt. Sau khi có thông tin chính thức từ cơ quan quản lý về bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Việt, nhà trường sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, Sở GD-ĐT TP HCM đã có công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ về việc xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt.

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, ngày 30-7, sở này có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ về việc xác minh quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt.

Qua buổi làm việc, Sở GD-ĐT đã phối hợp đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6-6-1989.

Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD-ĐT TP HCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, như sau: Không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD-ĐT TP HCM; Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở GD-ĐT TP HCM.

Thời tiết Hà Nội 2 ngày tới: Tiếp tục mưa giông xen nắng gián đoạn

Theo chuyên gia Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết Hà Nội ngày 16-17/8, có mây, có lúc có mưa rào, ngày nắng gián đoạn. Nhiệt độ cao nhất trong ngày khoảng 32-34 độ, nhiệt độ ban đêm 27-29 độ.

Ngoài ra, Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, mưa còn kéo dài ở khu vực Hà Nội đến chiều 16/8, sau đó giảm dần; thời gian xuất hiện mưa to tập trung vào chiều tối và đêm.

Trong khoảng thời gian này, tổng lượng mưa ở phía Bắc và trung tâm thành phố 10-30mm, có nơi cao hơn 60mm; phía Tây và phía Nam 10-20mm, có nơi cao hơn 40mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, do mưa lớn nhiều ngày, đất đã ngậm no nước, mực nước các sông vẫn ở mức cao... nên chính quyền và người dân khu vực ngoại thành đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; sạt lở bờ bãi và đất ở ven sông; mất an toàn đối với những đoạn đê vùng ven các sông: Đáy, Bùi, Tích, Cầu, Cà Lồ... Khu vực nội thành đề phòng nguy cơ úng ngập đường phố trong những trận mưa lớn xảy ra vào chiều tối và đêm.

Hàng không liên tiếp tăng chuyến dịp 2-9, giá vé máy bay ra sao?

z5656652410970685363c04eefb42ae8365f6e5d077332-1723658359627444641459-1723681697253-1723681697552510377587-1723687372919-1723687373240544569128.jpg

Dự báo lượng khách đi lại dịp lễ 2-9 năm nay tăng cao, đặc biệt là các đường bay du lịch. Ảnh: Minh Châu

Tối 14-8, khảo sát trên website bán vé máy bay của các hãng hàng không chiều đi ngày 31-8 và chiều về 3-9 cho thấy, đường bay Hà Nội-Đà Nẵng của Vietnam Airlines chiều đi từ hơn 1,8-2,5 triệu đồng/vé; chiều về 2-2,5 triệu đồng/vé (3,8-5 triệu đồng/vé khứ hồi). Với Vietjet, chiều đi từ 1,7-2,2 triệu đồng/vé, chiều về từ 1,2-2,2 triệu đồng/vé. Giá vé khứ hồi hành trình này là 2,9-4,4 triệu đồng. Bamboo Airways giá chiều đi và về dao động từ 1,9 đến 2,5 triệu đồng/vé; vé khứ hồi dao động từ 3,8-5 triệu đồng/vé khứ hồi.

Với hành trình Hà Nội - Nha Trang (Khánh Hòa), giá vé Vietnam Airlines chiều đi từ 1,8-3,4 triệu đồng/vé. Riêng chiều về ngày 3-9, giá vé dao động từ 2,3-3,6 triệu đồng. Vietjet chiều đi từ 2,3-3,1 triệu đồng/vé, chiều về từ 1,6-3,1 triệu đồng/vé. Bamboo Airways giá vé từ 2,8-3,7 triệu đồng mỗi chiều.

Riêng chặng Hà Nội-Phú Quốc, chiều đi ngày 31-8, Vietnam Airlines hết vé bay thẳng, chỉ còn bay 1 điểm dừng (Hà Nội - TP HCM - Phú Quốc) với giá 3,8-4,1 triệu đồng/vé phổ thông (bao gồm thuế, phí). Chiều về ngày 3-9, giá vé phổ thông thấp nhất hơn 3,2 triệu đồng và cao nhất lên tới hơn 4,1 triệu đồng.

Nếu bay Vietjet, chiều đi có giá 3,1-3,6 triệu đồng/vé; chiều về giá gần 2-3,5 triệu đồng/vé. Bamboo Airways hiện không khai thác đường bay này.

Đón đầu kỳ nghỉ lễ dài cuối cùng trước khi bắt đầu năm học mới, các hãng hàng không tăng mạnh số chuyến bay trong dịp cao điểm Quốc khánh.

Vietnam Airlines cho biết từ 30-8 đến 4-9, tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng nội địa, quốc tế xấp xỉ nửa triệu chỗ, tương ứng gần 2.500 chuyến bay.

Hãng tập trung tăng tần suất trên các đường bay nội địa giữa Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, Đà Lạt, Cam Ranh; giữa TP HCM và Huế, Phú Quốc… Tổng số ghế nội địa đạt 330.000 chỗ, tương ứng hơn 1.700 chuyến bay, tăng hơn 19% so với cùng kỳ 2023.

Các đường bay quốc tế được tăng cường chuyến bay nhiều nhất là giữa Việt Nam và Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Úc. Tổng số ghế quốc tế đạt hơn 150.000 chỗ, tương ứng hơn 650 chuyến bay, tăng nhẹ so với năm ngoái.

Vietnam Airlines ghi nhận các đường bay du lịch nội địa trọng điểm đã đầy chỗ gần 50% và dự báo tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Các đường bay quốc tế đi Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Úc cũng đạt kết quả tích cực với tỉ lệ lấp đầy từ 50-70%.

Vietravel Airlines cho biết từ ngày 30-8 đến 4-9, hãng cung ứng gần 28.000 chỗ. Tính đến thời điểm hiện tại, chặng bay có tỉ lệ đặt chỗ nhiều nhất là TP HCM - Đà Nẵng/ Quy Nhơn và Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội/ TP HCM - Bangkok.

Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cho biết với nguồn lực máy bay hiện có, hãng đang tập trung khai thác mạng bay kết nối 3 trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội-Đà Nẵng-TP HCM với các thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Ngoài ra, Bamboo Airways cũng duy trì khai thác đều đặn các chuyến bay thuê chuyến, kết nối Việt Nam với nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực như Lệ Giang (Trung Quốc); Đài Bắc, Cao Hùng (Đài Loan); Macao (Trung Quốc), Gwangju (Hàn Quốc)…

Dịp này, Vietjet dự kiến tăng 25.000 chỗ, tương đương với 120 chuyến bay trên khắp mạng bay trong nước, quốc tế của hãng.

Vietjet mở bán thêm vé trên nhiều đường bay du lịch nội địa đến và đi từ TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Huế,…

Vietlott ghi nhận lãi đậm

cdfdeff8-b720-43a8-b7d4-d1421b0553b9-1723653749426728228536-1723697026478-17236970265891185329306-1723720958278-1723720959012802115003.jpeg

Năm 2023 và nửa đầu 2024, Vietlott liên tục báo doanh thu "khủng".

Theo báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán của Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), Vietlott đã ghi nhận doanh thu 4.967 tỷ đồng.

Dù doanh số tăng không nhiều (khoảng 9 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 242,7 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2022.

Xét báo cáo của công ty xổ số điện toán, có thể thấy lợi nhuận gộp năm qua của Vietlott thậm chí đã giảm hơn 5%, chỉ đạt 268,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác tăng mạnh, lãi ròng Vietlott vẫn cao nhất 5 năm gần đây.

Có hơn 4.699 tỷ đồng cho mục giá vốn hàng bán, tăng nhẹ so với năm 2022 và chiếm tới hơn 94% tổng doanh thu.

Năm 2023, Vietlott đã dành 3.438 tỷ đồng cho chi phí trả thưởng và dự phòng trả thưởng cho khách hàng, xấp xỉ mức năm trước.

Vietlott cũng phải chi 502,7 tỷ đồng để trả hoa hồng cho các đại lý xổ số tự chọn số điện toán.

Lợi nhuận thuần năm 2023 của Vietlott gần như "đi ngang" so với năm trước. Song ở mục "thu nhập khác", Vietlott ghi nhận hơn 53,3 tỷ đồng, cao gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ.

Thuyết minh báo cáo cho thấy đây là khoản thu từ "phạt vi phạm hợp đồng BCC". Hợp đồng BCC là thuật ngữ chỉ loại hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Ngoài thu nhập khác tăng đột biến, Vietlott còn ghi nhận 64,25 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng, tăng 37%.Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tại thời điểm cuối năm 2023, công ty này có hơn 1.126 tỷ đồng gửi ngân hàng ở các kỳ hạn khác nhau để lấy lãi.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Vietlott đạt hơn 1.278 tỷ đồng, không ghi nhận bất kỳ khoản vay ngân hàng nào.

Vốn chủ sở hữu hơn 552 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 500 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 53 tỷ đồng.

Đến 6 tháng đầu 2024, Vietlott ghi nhận doanh thu đạt kỷ lục hơn 3.250 tỷ đồng và lãi đậm nhất trong 6 năm qua.

Doanh thu tăng 33% lên hơn 3.250 tỷ đồng. Con số này đạt kỷ lục về doanh thu nửa đầu năm từ khi thành lập đến nay và cao hơn doanh thu cả năm giai đoạn trước 2020.

Giá vốn cũng tăng với tốc độ xấp xỉ doanh thu, lên hơn 2.704 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là chi phí trả thưởng, ghi nhận khoảng 2.248,5 tỷ đồng, nhiều hơn cùng kỳ khoảng 559 tỷ.

Vietlott có lãi gộp hơn 545 tỷ đồng, tăng 36%. Biên lợi nhuận gộp kỳ này cải thiện lên mức 16,8%.

Công ty tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng tăng chi phí bán hàng. Trong đó, tiền hoa hồng đại lý ghi nhận gần 329 tỷ đồng, nhiều hơn cùng kỳ khoảng 33%.

Tổng lại, 6 tháng, Vietlott lãi sau thuế 169,5 tỷ đồng, tăng 15,7% so với nửa đầu năm 2023. Đây cũng là lợi nhuận bán niên cao nhất trong vòng 6 năm qua. Con số này vượt mức lãi cả năm giai đoạn dịch bệnh (2019-2021).

Trường hợp lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được xét hưởng lương hưu

Anh Nguyễn Văn Quy (39 tuổi, quê ở Thanh Hóa) sang Hàn Quốc làm việc vào năm 2013. Trong 8 năm làm việc ở đây, anh Quy tham gia đóng BHXH đầy đủ.

Năm 2021, anh Quy về nước xin việc làm tại một công ty lọc hóa dầu ở Khu Công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa). Trong hơn 1 năm làm việc ở công ty này, anh Quy đóng BHXH theo mức lương thực lĩnh hằng tháng.

Đến tháng 5/2022, anh Quy quyết định xin nghỉ việc và quay lại Hàn Quốc làm việc cho công ty cũ cho đến nay. Quá trình làm việc hơn 10 năm ở cả Hàn Quốc và Việt Nam, anh chưa từng rút BHXH một lần.

Mới đây, anh Quy hay tin Luật BHXH 2024 cho phép người đóng BHXH ở nước ngoài được tính xét hưởng lương hưu. Mặc dù rất mừng nhưng anh lại chưa hiểu rõ các quy định và thủ tục cụ thể như thế nào.

Liên quan tới vấn đề trên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thông qua việc bổ sung quy định trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật BHXH 2024 có quy định về thời gian tham gia BHXH của người lao động ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ BHXH.

Đây là xu hướng của quá trình hội nhập, sẽ đàm phán và ký kết các hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và các nước.

Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Duy Cường cho biết, thời gian qua, một hiệp định song phương về BHXH đã được ký kết giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này và cũng là hiệp định song phương đầu tiên về BHXH của Việt Nam với một quốc gia khác. Hiệp định này được áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Vì thế, trong Luật BHXH 2024 đã ghi nhận quá trình công tác, thời gian đóng BHXH để tính hưởng các quyền lợi đối với nhóm người lao động từng đi làm việc tại nước ngoài, cũng như lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Khi các nước ký kết hiệp định song phương về BHXH, thông thường sẽ có 2 nội dung lớn. Trước hết là tránh việc đóng 2 lần BHXH với người lao động. Đồng thời, thời gian đóng BHXH sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau.

Thời gian tham gia đóng BHXH của người lao động là công dân Việt Nam, công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng BHXH ở Việt Nam và Hàn Quốc.

Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ BHXH Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét điều kiện cho người lao động hưởng chế độ lương hưu.

Mức hưởng chế độ mà quỹ BHXH của mỗi nước chi trả cho người lao động khi về hưu sẽ căn cứ vào thời gian, mức đóng mà người lao động đã đóng vào quỹ đó. Công thức tính được quy định theo luật pháp của mỗi nước.

Như vậy, người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc có thời gian đóng BHXH tại nước này và có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam, khi về nước nếu đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được tính tổng thời gian tham gia BHXH ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, để xét điều kiện hưởng lương hưu.

Mời độc giả theo dõi video đang được quan tâm trên Gia đình và Xã hội

Giá đất các quận, huyện ngoại thành Hà Nội đang khiến nhiều gia đình có nhu cầu mua nhà ‘chóng mặt’

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022