Từ ngày 25 tháng Chạp cho đến trưa 30 Tết, tại trục đường trung tâm của thôn Thanh Vinh, xã miền biển Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lại tấp nập kẻ mua, người bán cây tre dựng nêu. Điều đặc biệt của khu chợ này là các thương lái chỉ đưa duy nhất cây tre về tập trung ở một khu vực, hình thành chợ nêu để buôn bán trong vỏn vẹn vài ngày.
Gọi là chợ nhưng thực ra đây chỉ là bãi đất trống và sân bóng đá được các chủ nậu thuê để làm chỗ tập kết bán cây nêu.
Thanh Trạch là xã biển với khoảng 3.100 hộ dân, khác với một số địa phương sẽ dựng nêu sớm từ ngày 23, người dân tại Thanh Trạch lại dựng muộn hơn. Nhưng khi Tết đến, nhà nào cũng phải dựng cây nêu với lá cờ Tổ quốc bay phấp phới phía trên.
Trước đây, khi chưa có ai bán nêu thì dân làng thường đến mua hoặc xin tre ở các vùng nông thôn khác. Rồi khi tre ít trồng, thấy được nhu cầu người dân nên nhiều người đi tìm nguồn tre chờ cận Tết chở về bán.
Ông Lê Tiến Dụng, trú thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch – một tiểu thương bán cây tre làm nêu cho biết, để có cây tre đẹp, ông phải đi khắp các vùng núi trong tỉnh tìm mua đem về bán kiếm lời. Ông Dụng chọn những cây tre khoảng 1,5 tuổi, thân cây thẳng hoặc cong theo một hướng, bổ xuống theo chiều lưỡi câu, tre còn nguyên ngọn và cao trên 6m. Giá cây tre làm nêu giao động theo từng năm, riêng năm nay mỗi cây nêu có giá từ 200.000 – 250.000 đồng, được cho là cao hơn năm ngoái. “Người dân ở đây có nhu cầu mua tre về làm cây nêu ngày Tết. Lúc này mình có thời gian nhàn rỗi nên đi thu gom tre về bán kiếm thêm, không phải nghề chính. Muốn có tre đẹp phải tranh thủ đi hỏi nhiều nơi, chỗ nào có tre đẹp mới mua về bán. Nghề này mang tính thời vụ, gần sát Tết mới làm”, ông Dụng cho biết.
Ở khu chợ tạm này, hàng ngàn cây tre được chủ nậu tập kết thành đống, người mua thoải mái lựa chọn theo ý của mình.
Để tìm được cây tre ưng ý làm cây nêu, ông Lê Công Hán ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã tới chợ từ rất sớm. Sau khoảng 30 phút tìm kiếm, ông Hán cũng chọn được cây tre để đưa về dựng cây . “Tục trồng nêu có từ thời xưa, vừa mang tính tâm linh và cũng mang vẻ đẹp riêng của quê hương. Năm nào bà con ở đây cũng dựng nêu vào ngày 30 Tết, cũng là ngày làm cơm cúng mời ông bà tổ tiên về và ở lại ăn Tết”, ông Hán chia sẻ.
Ở khắp mọi miền người dân vẫn luôn nhớ sự tích về cây nêu ngày Tết gắn liền với mong ước về một cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc.