Rừng Rú Lịnh rộng hơn 100 ha, nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), giáp ranh giữa xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa. Cái tên ‘Rú Lịnh’ bắt nguồn từ cách gọi địa phương, trong đó ‘rú’ chỉ những khoảnh rừng nhỏ, còn ‘lịnh’ là loài cây thuộc họ tre mọc dày đặc tại đây – điều hiếm thấy ở những cánh rừng khác.

Một góc của rừng Rú Lịnh (ảnh: Đ.N.).
Việc Rú Lịnh vẫn giữ được sự đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật quý hiếm là nhờ công sức gìn giữ của nhiều thế hệ cư dân bản địa và lực lượng kiểm lâm. Theo thống kê, khu rừng này là nơi trú ngụ của 73 loài chim, 12 loài thú cùng nhiều cây gỗ quý và một số loài chưa được xác định.
Ông Nguyễn Đình Trọng (SN 1955), trú thôn Hòa Bình, xã Hiền Thành, là người đã gắn bó với cánh rừng này suốt 45 năm. Ông kể, từ cuối những năm 1970, Rú Lịnh được giao cho một số người dân địa phương bảo vệ. Năm 1977, ông nghỉ làm công nhân thủy lợi, trở về quê và chính thức nhận nhiệm vụ giữ rừng.

Ông Nguyễn Đình Trọng người có 45 năm giữ rừng Rú Lịnh.
Công việc của ông Trọng không chỉ là kiểm đếm cây rừng, động vật mà còn tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng, đồng thời trực tiếp ngăn chặn những kẻ săn bắt, khai thác trái phép.
Ông kể, sau chiến tranh, khi cuộc sống còn khó khăn, không ít người vào rừng chặt cây, đặt bẫy thú. Những kẻ khai thác rừng trái phép tỏ ra lì lợm, manh động, nhiều lần đe dọa, thậm chí hành hung ông. Có lần, ông bị chặn đường dọa nạt, xe máy bị ném xuống vực, nhà cửa bị ném đá, ngay cả vợ con cũng bị hăm dọa.
Dù công việc vất vả, nguy hiểm, tiền hỗ trợ ít ỏi, nhưng ông vẫn kiên trì cùng những người giữ rừng khác và lực lượng chức năng ngày đêm bảo vệ Rú Lịnh.

Ôg Trọng cho biết, để giữ rừng Rú Lịnh ông gặp nhiều vất vả, hiểm nguy.
"Nghề giữ rừng đầy vất vả và nguy hiểm. Hiện nay, tình hình đã ổn hơn nhiều, nhưng trước đây, lâm tặc rất manh động. Dù có lực lượng kiểm lâm, việc ngăn chặn những kẻ phá rừng, săn bắn động vật hoang dã vẫn vô cùng khó khăn. Tôi từng bị đánh nhừ tử khi cố gắng ngăn một nhóm người chặt phá rừng," ông Trọng chia sẻ.
Năm 2022, do sức khỏe không còn đảm bảo, ông Trọng dừng việc tuần tra, bảo vệ Rú Lịnh. Nhưng nỗi nhớ rừng vẫn vẹn nguyên, mỗi khi thấy khỏe hơn, ông lại vào Rú Lịnh, rảo bước dưới những tán cây xanh mát. Hơn 45 năm gắn bó với từng gốc cây, ngọn cỏ, ông thuộc từng ngõ ngách của khu rừng.
Vì vậy, mỗi khi các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về Rú Lịnh, ông Trọng luôn tận tình hướng dẫn, chia sẻ những câu chuyện về khu rừng mà ông đã dành cả đời gìn giữ.

Ông Trọng thân thuộc với từng ngóc ngách của Rú Lịnh.
Giữa tháng 3/2025, ông Trọng bất ngờ khi biết tên mình được đặt cho một loài cây vừa được các nhà thực vật học của Viện Khoa học Sự sống, Viện Nghiên cứu khoa học Miền Trung và Bảo tàng Đại học Kagoshima (Nhật Bản) công bố. Loài thực vật này thuộc chi Lasianthus (xú hương), một chi lớn trong họ Rubiaceae với 292 loài phân bố rộng khắp thế giới. Tại Việt Nam, trước đây đã ghi nhận 74 loài thuộc chi này.
Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên huyện Cam Lộ - Đông Hà (Quảng Trị), loài thực vật này được phát hiện tại các khu rừng thuộc tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, trong đó, Rú Lịnh là địa điểm đầu tiên tìm thấy mẫu vật. Các nhà khoa học đã đặt tên loài thực vật này là Lasianthus trongii, theo tên ông Nguyễn Đình Trọng – người đã dành hơn 45 năm gìn giữ rừng Rú Lịnh.

Nhận tin tên mình được lấy để đặt tên cho loài cây trong rừng Rú Lịnh, ông Trọng rất vui mừng.
"Tôi không nghĩ rằng công việc giữ rừng của mình lại có ngày được ghi nhận bằng cách đặt tên cho một loài cây mới. Tôi chỉ xem đó là trách nhiệm của bản thân, gìn giữ để con cháu mai sau được sống trong một môi trường xanh tươi. Giờ đây khi đã già, tôi xin gửi lại nhiệm vụ bảo vệ khu rừng này cho thế hệ trẻ. Mong rằng những loài cây, con vật trong rừng luôn được bảo vệ tốt để hệ sinh thái ngày càng phát triển", ông Trọng chia sẻ.

GiadinhNet - Hơn 500 năm từ ngày cụ tổ dẫn dân về lập làng, rừng trâm bầu đã che chở cho bao thế hệ người làng Thanh Bình. Đáp lại, người làng Thanh Bình thay nhau bảo vệ hơn 150ha trâm bầu qua bao đời nay.