Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/8.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, năm nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024). Đây là tỷ lệ cao so với các năm trước - khoảng 64%. Điều này cho thấy nhu cầu học tập, tốt nghiệp đại học cao.

"Thị trường lao động việc làm và nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng cao được đặt ra theo xu hướng phát triển của đất nước. Điều này thể hiện sự tin tưởng của người dân với chất lượng giáo dục đại học có chuyển biến trong những năm qua", ông Sơn đánh giá.

4908e6b9c40761593816-18123170-1722875428073-17228754286091116884799.jpg

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu chiều 5/8.

Với cơ cấu ngành, đối sánh so với năm trước, ông Sơn cho hay sự lựa chọn của người học có thay đổi do được tư vấn kỹ về đặc điểm, cơ hội nghề nghiệp và ngành học. Thông tin thị trường lao động cũng sát, nên xu hướng lựa chọn ngành học, chương trình học thể hiện nguyện vọng và tâm lý của các em cho thấy sự tích cực.

Theo tính toán ở 24 lĩnh vực, 400 ngành đào tạo, số thí sinh đăng ký vào các khối ngành: kỹ thuật công nghệ, máy tính, công nghệ thông tin có tỷ lệ cao nhất. Tiếp đến là khối ngành sư phạm; sau đó là khối ngành nhân văn, sức khỏe.

So sánh với năm 2023, 3 lĩnh vực có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất: khối ngành khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85% (tương đương tăng khoảng 200.000 nguyện vọng) dự kiến điểm chuẩn ngành này sẽ tăng. Đồng thời, số liệu trên cho thấy sự quan tâm của các em trong ngành sư phạm nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí.

Tiếp đó là khối ngành khoa học tự nhiên, dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng nguyện vọng tăng 61%; khối ngành an ninh quốc phòng cũng tăng 46,5%, dù số lượng không lớn. Khối kỹ thuật công nghệ tăng 100.000 nguyện vọng đăng ký.

Đặc biệt, ngành công nghệ cao như ngành vi mạch bán dẫn có số lượng tăng khá. Tổng số nguyện vọng ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tăng 30%, nguyện vọng 1 tăng 40%. Điều này cho thấy các thí sinh rất "nhạy", nắm bắt xu hướng phát triển các ngành công nghệ cao.

Một số lĩnh vực như: kinh doanh quản lý giảm 3% (tương đương giảm 24.000 nguyện vọng); máy tính và công nghệ thông tin giảm gần 5% (tương đương 15.000 nguyện vọng); dịch vụ vận tải giảm 20% (tương đương 77.000 nguyện vọng).

"Bộ sẽ tiếp tục phân tích các ngành để có số liệu chính xác hơn cung cấp cho báo chí và xã hội về nhu cầu đăng ký xét tuyển của các thí sinh đại học", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022