Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910-15/7/2025) là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thuộc thế hệ những nhà cách mạng tiền bối, đồng chí là tấm gương sáng về sự kiên trung của người cộng sản; giản dị, tận tụy của một người cán bộ; trí lược của một nhà ngoại giao xuất sắc.

Người cộng sản kiên trung

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền), sinh ngày 15/7/1910, tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá, nay là phường Vinh Lộc, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và chứng kiến nỗi cơ hàn của người dân mất nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Người học trò ưu tú, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, từ lúc hình thành, gây dựng phong trào cách mạng, cũng như khi bị tù đày tại các lao tù của thực dân, đồng chí Nguyễn Duy Trinh luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng, nêu cao ý chí và tinh thần tiến công cách mạng. Đồng chí đã chiến đấu và hoạt động với tất cả nhiệt tình và trí tuệ của mình để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh. Ảnh tư liệu

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đồng chí được Đảng phân công làm Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ, kiêm chức Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Trung bộ. Trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, Đồng chí được phân công làm Bí thư Khu ủy Liên khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ… Thời gian công tác tại Nam Trung Bộ, đồng chí luôn bám sát thực tiễn phong trào kháng chiến, tích cực xây dựng căn cứ địa, vùng tự do cách mạng ở Nam Trung Bộ. Đặc biệt, trên cương vị Bí thư Liên khu ủy V, đồng chí đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng Đảng bộ Liên khu V; trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Liên khu V phát triển mạnh mẽ.

Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Phát huy những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình công tác tại Nam Trung Bộ, đồng chí tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

trinh-1752540285470815393443.jpg

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dự Lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hiệp quốc, năm 1977. Ảnh tư liệu

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, năm 1955, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư; năm 1956 đồng chí được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa I (4/1958), đồng chí được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa I (12/1958), đồng chí được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Trên cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng chí đã dày công nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn cách mạng Việt Nam, vạch ra kế hoạch cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; động viên toàn Đảng, toàn dân ra sức cải tạo và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Nắm vững tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí chú trọng tới việc cổ vũ, động viên các giai tầng xã hội, nhất là công nhân, nông dân và trí thức thực hiện thắng lợi kế hoạch cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tại Đại hội Đảng lần thứ III (9/1960), đồng chí được bầu lại vào Bộ Chính trị và được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; sau đó kiêm Chủ tịch Ủy ban Khoa học Nhà nước (1963-1964). Trên cương vị công tác được phân công, đồng chí luôn sâu sát thực tiễn, nỗ lực hết mình để đại hiệu quả công việc cao nhất. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng vào chiến lược, sách lược về phát triển kinh tế và cải tạo xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học cho sát với từng vùng, miền và trong từng thời điểm cách mạng, vì thế đã động viên được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật.

Nhà ngoại giao tài năng

Với vai trò là Bộ trưởng Ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Trung ương Đảng, triển khai thành công chủ trương chiến lược mở mặt trận đấu tranh ngoại giao, cùng mặt trận chính trị và mặt trận quân sự tạo thành sức tạo mạnh tổng hợp; đồng thời, khéo léo vận dụng sách lược "vừa đánh, vừa đàm", ngoại giao "tuy hai mà một, tuy một mà hai", nghệ thuật "thắng từng bước", tạo thế và lực cho cách mạng Việt Nam, góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử…

Đặc biệt, phải kể đến vai trò và dấu ấn rất quan trọng của đồng chí trong quá trình đàm phán và thực thi Hiệp định Paris. Trải qua 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Paris là một cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của siêu cường hàng đầu thế giới.

Đây là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, thể hiện vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của mặt trận ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị; trên cơ sở đề cao nguyên tắc hòa bình, độc lập, tự chủ; đóng góp vào việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

pho-thu-tuong-nguyen-duy-trinh-1-17525401934521577731112.jpg

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc K.Vanhem tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, ngày 20-9-1977, tại Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ). Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hiệp quốc. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh còn đặc biệt xuất sắc trong việc sử dụng mặt trận báo chí, tuyên truyền đối ngoại để phục vụ các mục tiêu cách mạng. Trong suốt thời gian diễn ra đấu tranh ngoại giao tại Paris, đồng chí đã có hàng trăm bài nói chuyện, trả lời phỏng vấn báo chí trong nước và quốc tế để triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta, để chuyển thông điệp tới các bên…

Ngày 27/1/1973, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau khi nước nhà thống nhất, đồng chí đã chỉ đạo ngành Ngoại giao vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và các nước bạn bè thế giới để khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa đấu tranh phá bao vây cấm vận. Trong thời gian khó khăn này, tháng 7/1976, Việt Nam đã sớm thiết lập và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, khu vực với chính sách bốn điểm. Tháng 9/1977, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu. Đây là những bước mở đầu của chính sách mở cửa, hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam…

Có thể khẳng định, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Chỉ riêng việc đồng chí làm Bộ trưởng liên tục trong vòng 15 năm (1965-1980), ở thời kỳ đầy biến động, với những bước ngoặt lớn của đất nước, để lại cho ngành ngoại giao nhiều dấu ấn sâu sắc, đã chứng tỏ mọi phẩm chất của đồng chí cũng như sự tin tưởng mà đồng chí nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng.

Người cộng sản kiên trung, nhà ngoại giao tài năng Nguyễn Duy Trinh mất ngày 20/4/1985. 75 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng chứng tỏ vai trò, phẩm chất và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng, luôn sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một nhà cách mạng, nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022