Cho đến đầu năm nay, ít ai ngờ rằng một mẫu búp bê nhồi bông có nụ cười "toét răng" ngộ nghĩnh mang tên Labubu lại có thể tạo nên cơn sốt toàn cầu. 

Do Pop Mart - hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng của Trung Quốc - phát triển, Labubu đã trở thành hiện tượng văn hóa đại chúng, đồng thời là biểu tượng cho xu thế kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ: nền kinh tế sở hữu trí tuệ (IP economy).

Các loại búp bê Labubu. Ảnh: Internet

Nền kinh tế IP – viết tắt của Intellectual Property Economy – đang được xem là hướng đi mới của Trung Quốc, nơi các yếu tố văn hóa vô hình như câu chuyện, hình ảnh nhân vật, thương hiệu… được biến hóa thành chuỗi sản phẩm và dịch vụ có giá trị thương mại thực sự. Xu thế này len lỏi từ điện ảnh, trò chơi, truyền hình, hoạt hình đến các sản phẩm tiêu dùng, thời trang, đồ lưu niệm. Labubu chính là một ví dụ điển hình của xu thế này, biến văn hóa đại chúng thành siêu lợi nhuận.

Đỉnh điểm của hiện tượng Labubu là khi có phiên bản đặc biệt màu xanh bạc hà được bán với giá hơn 1 triệu Nhân dân tệ (gần 140.000 USD) trong một cuộc đấu giá tại Bắc Kinh. Doanh thu quý I/2025 của Pop Mart tăng vọt từ 165 – 170% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn nhờ vào sức hút khó tin của nhân vật này.

natra-17524963408841211268836.jpg

Cảnh phim "Na Tra 2". Ảnh: Mtime

Cùng với thành công của phim hoạt hình Na Tra 2 hay trò chơi đình đám Black Myth: Wukong, Labubu đại diện cho xu thế mới của Trung Quốc: biến sáng tạo văn hóa thành lợi ích kinh tế đa ngành, nhờ công nghệ cao và sự nhạy bén đối với thị hiếu tiêu dùng của giới trẻ.

Sở hữu kho tàng văn hóa hơn 5.000 năm, Trung Quốc từng đối mặt với bài toán hóc búa: làm sao "tái sinh" giá trị truyền thống trong kỷ nguyên kỹ thuật số? Câu trả lời đang dần hiện ra với chiến lược công nghệ hóa và thương mại hóa văn hóa, biến những di sản cổ xưa thành các IP hiện đại, hấp dẫn và có tính lan tỏa cao.

Điển hình như trò chơi Black Myth: Wukong lấy cảm hứng từ tiểu thuyết kinh điển Tây Du Ký nhưng được tái hiện bằng kỹ xảo hiện đại, cốt truyện lôi cuốn và trải nghiệm nhập vai mượt mà. Trò chơi này đã vượt qua mọi rào cản văn hóa và lọt vào top đầu bảng xếp hạng toàn cầu của nền tảng phân phối trò chơi điện tử trực tuyến Steam ngay trong ngày đầu ra mắt.

Theo nhà nghiên cứu Wang Linsheng thuộc Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh, "số hóa văn hóa" không đơn thuần là thể hiện các ý tưởng "rượu cũ, bình mới" mà là một quá trình tái tưởng tượng: thổi luồng sinh khí hiện đại vào giá trị truyền thống.

tr-17524964393181628429399.jpg

Trò chơi "Black Myth Wukong". Ảnh: GameScience

Sự chuyển mình này phản ánh rõ trong hành vi tiêu dùng. Báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy chi tiêu bình quân đầu người cho giáo dục, văn hóa và giải trí năm 2024 đạt 3.189 Nhân dân tệ, tăng 9,8% so với năm trước và chiếm hơn 11,3% tổng chi tiêu hộ gia đình. Điều này cho thấy văn hóa đang dần trở thành trụ cột tăng trưởng kinh tế mới của Trung Quốc.

Không dừng lại ở sản phẩm đơn lẻ, các IP tại Trung Quốc đang được phát triển thành chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, từ sáng tạo nội dung, sản xuất, phân phối đến loạt sản phẩm phái sinh. Chỉ riêng mô hình hộp mù (blind box) ăn theo phim "Na Tra 2" do Pop Mart phát hành đã thu về hơn 10 triệu Nhân dân tệ sau 8 ngày.

Ông Hong Tao – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Tiêu dùng Trung Quốc – cho rằng mô hình chuỗi IP hoàn chỉnh sẽ giúp các sản phẩm văn hóa không chỉ "sống" trong không gian ảo mà còn kết nối được với đời thực, tạo ra giá trị kinh tế vượt trội.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể học hỏi từ vũ trụ điện ảnh Marvel, nơi các siêu anh hùng được kết nối trong một hệ thống nội dung thống nhất. Theo ông Chen Gang, một nhà phân tích của công ty Soochow Securities, việc xây dựng mạng lưới các IP đa chiều sẽ giúp tăng giá trị thương hiệu tổng thể, thay vì để từng IP phát triển đơn lẻ.

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022