Ba tập đoàn ngân hàng hàng đầu Nhật Bản đang tham gia nhiều hơn vào nghệ thuật, tổ chức các cuộc triển lãm để tăng cường mối quan hệ với lĩnh vực này và khám phá những cách sử dụng nghệ thuật trong các dịch vụ tài chính.
Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) là một trong những ngân hàng lớn đầu tiên của Nhật Bản tập trung vào nghệ thuật đã thành lập một đội ngũ chuyên trách vào tháng 11/2021. Ngoài việc tài trợ cho các hội chợ và tạo cơ hội quảng bá nghệ thuật, ngân hàng còn hỗ trợ quản lý những tác phẩm thuộc sở hữu của khách hàng.
SMFG đã khai mạc triển lãm tại một trong những tòa nhà văn phòng gần ga Tokyo. 65 tác phẩm, bao gồm cả La Reine Charlotte của nghệ sĩ người Pháp - Evelyn Postic đã được trưng bày tại đây trong một triển lãm kéo dài từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6.
Ngân hàng Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG). Ảnh: Vietnamfinance.vn
Một đại diện ngân hàng cho biết: "Giới nhà giàu có rất quan tâm đến nghệ thuật. Chúng tôi coi đó là một cách quan trọng để xây dựng mối quan hệ".
Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ tập trung vào nghề thủ công truyền thống, một phần của truyền thống nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản.
Tháng 8/2023, MUFG đã khởi động một dự án hỗ trợ các ngành nghề thủ công truyền thống. Dự án đã tổ chức triển lãm của cả các nghệ sĩ được công nhận là "bảo vật quốc gia sống" và các nghệ sĩ trẻ tại trụ sở chính ở Tokyo và Osaka.
Năm 2024, các chi nhánh ngân hàng và chứng khoán của MUFG bắt đầu mua những tác phẩm nghệ thuật thủ công và trưng bày tại chỗ để thu hút khách hàng. Nhân viên cũng phỏng vấn các nghệ sĩ và viết bài về họ.
Theo đại diện MUFG: "Nghề thủ công truyền thống đã nhiều lần đối mặt với thách thức và trải qua những đổi mới cùng với thời cuộc. Có rất nhiều điều để học hỏi từ họ, và chúng ta có thể tận dụng thế mạnh của họ trong lĩnh vực tài chính".
Trong khi đó, tập đoàn tài chính Mizuho đã áp dụng các khái niệm như "tiếp thêm năng lượng bằng nghệ thuật" và "làm cho nghệ thuật dễ tiếp cận hơn" trong nỗ lực gắn kết nghệ thuật vào văn hóa doanh nghiệp và tư duy tổ chức của mình.
Mizuho đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Đại học Nghệ thuật Tokyo vào năm 2023. Tháng 3/2025, công ty đã khai trương các chi nhánh hướng đến người tiêu dùng dưới tên Mizuho Atelier tại các thành phố như Yokohama, trưng bày các tác phẩm của sinh viên đại học.
Trong một hội thảo tại chi nhánh Ngân hàng Mizuho ở Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima, các nhân viên ngân hàng và nhân viên trường đại học nghệ thuật đã cùng nhau làm việc vào tháng 2/2024 để thiết kế một tấm rèm "noren" thường được treo ở lối vào của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Bìa các bài thuyết trình kết quả tài chính quý của Mizuho cũng có các tác phẩm của sinh viên trường đại học nghệ thuật: "Chúng tôi muốn kết hợp các ý tưởng nghệ thuật và kết nối chúng với hoạt động kinh doanh, không bị ràng buộc bởi các khái niệm có sẵn".
Ba ngân hàng này hàng đầu này đều nhắm đến thị trường nghệ thuật trong nước, vốn đang bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng.

Năm 2024, SBI Art Auction đạt doanh số 41 triệu USD. Ảnh: SBI Art Auction
Nhà đấu giá nghệ thuật SBI của Nhật Bản cho biết tổng doanh số đấu giá của họ đạt 6,01 tỷ yen (41 triệu USD) vào năm 2024, chỉ đứng sau mức 6,93 tỷ yen của năm 2022 và cao gấp khoảng bảy lần so với mức của một thập kỷ trước đó.
Những người trẻ tuổi cũng bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này. Theo SBI Art Auction, những người đấu giá ở độ tuổi 40 trở xuống chiếm 53,3% tổng số lượt đấu giá thành công vào năm 2024.
Theo Báo cáo thị trường nghệ thuật năm 2025 của Art Basel và UBS, doanh số bán hàng trên thị trường nghệ thuật toàn cầu đạt khoảng 57,5 tỷ USD vào năm 2024, trong đó Nhật Bản chiếm 1% tổng số.
Nhưng xét đến việc Nhật Bản chiếm 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới thì nước này có tiềm năng rất lớn, SMFG bình luận. Trong khi doanh số bán hàng tại các thị trường như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc giảm vào năm 2024, "Nhật Bản là một trong số ít thị trường đi ngược lại xu hướng, chứng kiến doanh số tăng 2% so với cùng kỳ năm trước", báo cáo của Art Basel-UBS cho biết.

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yên của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Khi lạm phát bắt đầu lan rộng ở Nhật Bản, các tác phẩm nghệ thuật, với tư cách là những vật thể hữu hình, đang thu hút sự chú ý như một tài sản thay thế mạnh mẽ, chống lại lạm phát. Nếu giá tăng, chủ sở hữu có thể bỏ túi lợi nhuận từ việc bán tác phẩm. Và trước khi bán, chủ sở hữu có thể tự mình chiêm ngưỡng và thưởng thức các tác phẩm.
Ngoài ra còn có sự tương tác với các dịch vụ tài chính như đầu tư nghệ thuật, cho vay thế chấp bằng nghệ thuật và tư vấn quản lý tác phẩm nghệ thuật trong lĩnh vực ngân hàng tư nhân. Ba siêu ngân hàng Nhật Bản đang cố gắng tăng cường mối quan hệ với thế giới nghệ thuật, đồng thời hỗ trợ sự mở rộng của thị trường - và đằng sau đó, dường như đang có những động thái nhằm tìm hiểu việc thành lập các quỹ liên quan đến nghệ thuật.
Ở châu Âu và Mỹ, nơi nhiều người giàu mua tác phẩm nghệ thuật để đầu tư và đóng góp cho xã hội, ngân hàng và nghệ thuật gần gũi nhau hơn. Các ngân hàng có bộ phận nghệ thuật chuyên biệt và cung cấp những dịch vụ toàn diện như mua, bán và lưu trữ.
Ở Nhật Bản, cũng từng có một trào lưu mua tranh phương Tây đắt tiền lan rộng trong thời kỳ bong bóng kinh tế từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990. Một số người cho rằng quy mô thị trường vào thời điểm đó đã vượt quá 1.000 tỷ yen. Nhưng nhiều người đã chịu lỗ khi giá cả sụp đổ sau khi bong bóng vỡ, và thị trường đã suy thoái kể từ đó.
Giám đốc điều hành (CEO) Tai Iguchi của TRiCERA, công ty tư vấn quản lý tài sản cho các tác phẩm nghệ thuật đương đại nói: "Để vực dậy thị trường nghệ thuật, điều quan trọng là phải tăng cường tính minh bạch về giá cả và giao dịch. Tài chính nghệ thuật cũng cần được củng cố".