Theo kinh nghiệm của "ông bầu phù thủy" Huỳnh Anh Tuấn, khoảng 20 năm trở lại đây, mùa kịch Tết thì sân khấu nào tại TP.HCM cũng đại thắng. Vậy nhưng, muốn biết sân khấu nào có thể tồn tại trong thời điểm vô cùng khó khăn này, cần phải đợi thời gian sau Tết mới rõ.
Còn nhớ, vào mùa Tết năm Nhâm Dần 2022, sân khấu kịch tại TP.HCM được phép tái hoạt động sau 9 tháng đóng cửa. Sân khấu IDECAF cháy vé. Thế giới trẻ đạt năng suất phòng vé khoảng 80% so với thời chưa dịch bệnh. Sân khấu 5B, Sân khấu Hoàng Thái Thanh… đón lượng khách tương đối ổn định.
Bước sang mùa kịch Tết năm Quý Mão 2023, hầu hết các sân khấu đều đại thắng, với đa số suất diễn cháy vé.
Khá bất ngờ
Vào những tháng cuối năm 2022, các thông tin về kinh tế đã khiến nhiều ông bà bầu sân khấu xem xét cẩn trọng tình hình. Có nơi, ban đầu chỉ xếp lịch diễn khá mỏng, nhưng sau khi bàn tính ngược xuôi đã đi đến quyết định đầu tư tối đa cho mùa Tết từ kịch mục mới đến lịch diễn.
Vở “Em em, chị chị” tại Sân khấu IDECAF
Bà bầu Tracey Thúy Nguyễn của Thế giới trẻ chia sẻ: "Gần 3 tháng trước Tết 2023, tình hình khán giả xem kịch giảm sút. Tôi dự định chỉ diễn mỗi ngày 2 suất, chỉ dựng mới 1 vở, nhưng ông xã Trần Đại quyết định tăng 3 suất diễn, đầu tư 3 vở mới, tăng giá vé và lịch diễn Tết kéo dài đến ngày 15 âm lịch. Tất cả các vở được lên lịch đều bán hết vé trong khu vực VIP qua online. Các vị trí ngồi còn lại, từ ngày mồng 1 đến mồng 6 Tết, gần đến giờ diễn, khán giả ùn ùn mua sạch. Từ ngày mồng 6 tiếp tục bán hết tất cả các vé cho đến ngày 15. Chúng tôi đã từ chối bán vé cho nhiều khán giả không đặt vé trước. Số ghế của sân khấu chúng tôi bây giờ là 250 ghế. Tôi có cảm giác rằng trong mùa Tết 2023, chúng tôi có thêm gấp đôi số ghế vẫn bán hết. Thật tiếc".
Sân khấu IDECAF dù vắng bóng NSƯT Thành Lộc, nhưng tất cả các kịch mục đều đã bán hết vé từ trước Tết. Điều đặc biệt, từ sau mùa kịch Tết năm 2022, tất cả các vở diễn của IDECAF dù đã rất cũ được mang ra tái diễn, vẫn được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Đây là điều khiến cho chính ông bầu lão luyện Huỳnh Anh Tuấn - người thính nhạy trong đánh giá nhu cầu giải trí của công chúng - không thể giải thích nổi.
Sân khấu Trương Hùng Minh của thầy trò Minh Nhí và Việt Hương dù mới khai trương vẫn kín rạp từ ngày mồng 1 đến hết mồng 5. Từ ngày mồng 6 đến mồng 8 Tết, lượng vé bán trước đạt 2/3 rạp. Nhà hát Thanh niên của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chính thức hoạt động trước mùa Tết 2023, dù chưa được quảng bá mạnh, chưa có nhiều ngôi sao, chỗ để xe chưa ổn định, vẫn bán được khoảng 250 vé cho mỗi suất diễn từ mồng 1 đến mồng 5.
Sân khấu kịch 5B của bà bầu Mỹ Uyên vào ngày Tết vẫn đầy khán giả, từ kịch người lớn đến kịch thiếu nhi. Sân khấu Hoàng Thái Thanh sau khi chuyển đổi phương cách hoạt động đã đạt hiệu quả khá tốt. Theo bà bầu Ái Như, riêng các suất Tết, số vé bán ra tầm 2/3 rạp, nhưng tổng số ghế là 400, tính ra mỗi suất tầm 300 khán giả trở lên, ngang bằng lượng ghế với các sân khấu khác.
Vở “Đại náo long cung” tại Sân khấu 5B
Nỗ lực vào mùa thấp điểm
Nhiều năm trước, khi TP.HCM còn gần 10 sân khấu, qua mùa Tết thường rơi vào cảnh đìu hiu, chỉ riêng IDECAF và Thế giới trẻ là ổn định. Lý do: IDECAF đã là thương hiệu mạnh lâu năm, có đủ ngôi sao và có lượng khán giả trung thành nhiều thế hệ. Còn sân khấu Thế giới trẻ đã xác định được đối tượng khán giả chính là tuổi teen. Đây là độ tuổi say mê thần tượng cuồng nhiệt và họ có rất nhiều ngôi sao của tuổi trẻ nên hoạt động ổn định.
Tình hình năm 2022, qua Tết được một thời gian, Sân khấu Hồng Vân tại Phú Nhuận tuyên bố đóng cửa, còn Sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyển hướng hoạt động theo mùa. Trước đó, Sân khấu Minh Nhí bên Nguyễn Bỉnh Khiêm đóng cửa, còn Sân khấu Quốc Thảo và Sân khấu Hồng Hạc diễn lác đác đến mức khán giả hầu như không nghe thông tin. Vào giữa năm 2022, bà bầu Hồng Vân thuê được điểm diễn mới tại Đại học kinh tế TP.HCM, nhưng chưa hoạt động như trước.
Điều này cho thấy hoạt động kịch nghệ tại TP.HCM chỉ nhộn nhịp vào mùa Tết.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đang quyết tâm mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách cùng lúc cho khai trương Sân khấu Nón lá và Nhà hát Thanh niên. Nhà hát Nón lá do Bạch Long chịu trách nhiệm chính cũng đang hoạt động tạm ổn. Nhà hát Thanh niên thì bán được vé tốt ở các vở cũ của IDECAF nhưng hai vở mới trong mùa Tết vẫn chưa như mong muốn.
Vở “12 bà mụ” tại Sân khấu IDECAF
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: "Thời điểm tôi khai trương sân khấu IDECAF, kịch nghệ chưa bị cạnh tranh gay gắt như hiện tại. Thế nhưng, chúng tôi cũng phải mất một thời gian khá lâu để khán giả quen dần và đi vào ổn định. Hiện tại, có quá nhiều kênh giải trí miễn phí, nên tình hình hoạt động của sân khấu rất bấp bênh. Chỉ có những người rất mê sân khấu mới có thể đeo bám đến cùng. Chúng tôi có kế hoạch dài hơi cho Nhà hát Thanh niên. Ngoài việc tăng cường diễn viên ngôi sao, kịch mục, chúng tôi sẽ làm mới âm thanh, ánh sáng và nhiều thứ khác".
Được biết, ngay trong mùa Tết, Hoàng Thái Thanh đã ký hợp đồng diễn rất nhiều suất cho chương trình văn học ngoại khóa cho các trường học. Như vậy, sau hơn 10 năm hoạt động vẫn bù lỗ, sân khấu chuyên về kịch tâm lý đã có những tín hiệu tích cực hơn.
Tại Sân khấu 5B, bà bầu Mỹ Uyên đã kêu gọi sự cộng tác của rất nhiều gương mặt trẻ để dần hình thành phong cách trẻ trung và đi sâu vào những đề tài phản ánh hơi thở của cuộc sống. Mảng kịch thiếu nhi đang dần ổn định, cho thấy nỗ lực bền bỉ của Mỹ Uyên kể từ khi đảm nhiệm vai trò giám đốc nhà hát.
Xem ra, việc đầu tư vào mảng kịch trong thời điểm này thì cần sự dài hơi và chấp nhận rủi ro, chứ không dành cho những ai thích cưỡi ngựa xem hoa.
"Tôi có cảm giác rằng trong mùa Tết 2023, chúng tôi có thêm gấp đôi số ghế vẫn bán hết" - bà bầu Tracey Thúy Nguyễn của sân khấu Thế giới trẻ.