Tiến quân ca là bài hát được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1944 và được sử dụng làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. "Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước"… là những lời ca hào hùng mở đầu bài Quốc ca. 

Mỗi khi giai điệu thiêng liêng ấy vang lên, hàng triệu triệu trái tim người Việt Nam lại trào dâng sự tự hào, niềm kiêu hãnh. Quốc ca là quốc hồn, quốc túy; là tinh thần dân tộc được kết tinh qua từng giai điệu, lời ca và là biểu tượng thiêng liêng đầy tự hào của Việt Nam.

"Tiến quân ca"- giai điệu của lòng yêu nước, tự hào

Vào mùa Đông năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao gặp một cán bộ Việt Minh tên là Vũ Quý, tại ga Hàng Cỏ. Ông Vũ Quý khi ấy công tác tại Ban cán sự Đảng Hà Nội (nay là Thành ủy Hà Nội) đã động viên nhạc sĩ tham gia hoạt động cách mạng. Nhiệm vụ đầu tiên mà ông Vũ Quý giao cho nhạc sĩ Văn Cao là sáng tác một bài hát để động viên tinh thần cho đội quân cách mạng, với yêu cầu bài hát đó phải là một tiếng kèn xung trận, một hiệu lệnh xuất quân... Đó là chất xúc tác đầu tiên để nhạc sĩ Văn Cao cho ra đời bài hát Tiến quân ca.

Khi ấy, người thanh niên Văn Cao 21 tuổi, chưa từng trải nghiệm thực tế cuộc sống của những người chiến sĩ cách mạng, đã viết bài hát lịch sử trong nhiều ngày tại căn gác nhỏ số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền. Những nốt nhạc đầu tiên của bài Tiến quân ca được ông viết khi chứng kiến cảnh nhân dân đói khổ, lầm than dưới ách thống trị của thực dân.

Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, bài hát Tiến quân ca được cử hành hùng tráng. Ảnh tư liệu

Trong hồi ký "Tại sao tôi viết Tiến quân ca" ông tâm sự: "Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày tại căn gác hẹp 45 Nguyễn Thượng Hiền, bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy hàng cây và một màn trời xám. Ở đây thường vọng lên những chiếc xe bò chở xác người chết đói về phía Khâm Thiên. Ở đây hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào từng khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn, vọng qua những khe sàn gác hở. Ở đây tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. Ở đây đêm đêm có những tiếng gõ cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại".

"… Tin từ Nam Định lên, cho biết mẹ tôi và các em tôi đang đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người đang chờ đợi một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa được gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị, cho họ có thể hát được".

Những câu hát giản dị trong giai điệu hào hùng không biết tự lúc nào chợt nảy lên trong đầu người nhạc sĩ trẻ Văn Cao: "Đoàn quân Việt Minh đi (sau này đổi là "Đoàn quân Việt Nam đi")/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…". Và lá cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát, mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng: "Đoàn quân Việt Minh đi/ Sao vàng phấp phới/ Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…". Để kết thúc cùng với một lời hiệu triệu ở đoạn cao trào của bài hát: "Tiến lên! Cùng thét lên!/ Chí trai là nơi đây ước nguyền!".

Sau khi viết xong bài hát, nhạc sĩ Văn Cao gặp và lấy cây đàn ghita hát cho Vũ Quý nghe. Người bạn, người anh và cũng là người lãnh đạo đầu tiên, trực tiếp giác ngộ Văn Cao vào Việt Minh rất hài lòng và đề nghị nhạc sĩ chép lại một số bản để chuyển lên chiến khu.

Tháng 11/1944, bài hát Tiến quân ca lần đầu được in trên trang Văn nghệ của báo Độc Lập. Khi đó, do người thợ viết chữ không viết được nốt nhạc, nhạc sĩ Văn Cao phải trực tiếp xuống cơ sở in bí mật tại làng Bát Tràng, tự tay khắc bài hát lên đá in và in bài "Tiến quân ca". Bài hát đã được chuyển đi khắp mọi nơi.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi khi nghe Văn Cao hát bài hát này đã xúc động và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về Mặt trận Việt Minh. Sau đó nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi viết bài "Diệt phát xít", Văn Cao viết thêm bài "Chiến sĩ Việt Nam". Và cả hai bài hát này đều được phổ biến rộng rãi trong công chúng.

Tháng 8/1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở Quốc dân Đại hội tại Tân Trào. Tại đây, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến các đại biểu, chọn một số bài hát mang lên để Bác Hồ chọn một bài làm Quốc ca. Nhạc sĩ đã trình lên 3 bài hát: Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, Chiến sĩ Việt Nam và Tiến quân ca của Văn Cao. Sau khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi hát, Bác Hồ quyết định chọn bài "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca bởi bài hát này vừa thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc, lại ngắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập, giai điệu lại hùng tráng…

vv-1725074397197468199975.jpg

Nhạc sỹ Văn Cao và tác phẩm "Tiến quân ca." Ảnh: TTXVN

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngày 17/8/1945, ca khúc Tiến quân ca lần đầu tiên được vang lên hào hùng trong cuộc mít tinh của nhân dân trước Nhà hát Lớn Hà Nội. Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ: ông không thể nào quên cảnh tượng của ngày hôm đó. Thật bất ngờ khi trên baolơn của Nhà hát, một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả xuống, một thành viên trong Đội danh dự Việt Minh sau khi tung cờ, cầm micro hát bài Tiến quân ca. Rồi ngay sau đó, cả một biển người cùng cất tiếng hát. Lời bài hát vang lên như sấm rền giữa đoàn người rùng rùng chuyển động. Nhạc sĩ Văn Cao gọi giờ khắc ấy Tiến quân ca thuộc về nhân dân và ông đã trào nước mắt vì cảm động.

Ngày 19/8/1945, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trước hàng nghìn quần chúng nhân dân, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, nhạc sĩ Văn Cao đã chỉ huy dàn đồng ca của Đội Thiếu niên tiền phong hát vang bài Tiến quân ca. Bài hát như một hồi kèn xung trận, đồng hành cùng quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

Đến ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, bài Tiến quân ca cử hành chính thức bởi Ban nhạc Giải phóng quân do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy, và được hàng chục nghìn quần chúng nhân dân hát vang.

Năm 1946, Quốc hội khóa I quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca". Năm 1955, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I, nhạc sĩ Văn Cao đã được mời tham gia sửa một số phần lời của bài Tiến quân ca, để phù hợp với tình hình thực tế và đó chính là bài Quốc ca hiện nay.

Từ đó đến nay, bài hát Tiến quân ca - bản Quốc ca hùng tráng - đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và trở thành một phần thiêng liêng không thể thay thế trong tâm hồn, máu thịt mỗi người dân.

Ngày 15/7/2016, sau 72 năm ra đời và gắn bó với lịch sử dân tộc, thể theo nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời và ý nguyện của gia đình, ca khúc Tiến quân ca đã được gia đình nhạc sĩ hiến tặng cho Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, trở thành tài sản chung của dân tộc.

vnapotal79namcachmangthangtamvaquockhanh2-91945-2024mocsonchoiloitronglichsudantocvietnam7537321-17250746108732132024188.jpg

Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi diễn ra Đại hội Quốc dân do Việt Minh triệu tập, ngày 16/8/1945, thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sống mãi với thời gian, với dân tộc

Có thể nói, tác phẩm Tiến quân ca là sự xuất thần của nhạc sĩ Văn Cao cả về nội dung, hình thức thể hiện, tư tưởng và nghệ thuật, như một "mốc son" của âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Ngay khi xuất hiện, ca khúc đã được các tầng lớp nhân dân Việt Nam đón nhận, bởi dự cảm của ông cũng là điều mong mỏi của cả dân tộc.

Bài hát đã trở thành hồn thiêng sông núi, là giai điệu tự hào thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam. Quốc ca nằm trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Giai điệu thiêng liêng ấy còn được lưu giữ trong tâm hồn những người con ở xa Tổ quốc. Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam - vang lên trên mọi nẻo đường Tổ quốc, từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám 1945, qua "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" đến "20 năm đất nước không đêm nào ngủ được" để có ngày 30/4/1975 lịch sử, Thành phố mang tên Người rực rỡ cờ hoa…

divm21-1-17250746785521900017337.jpg

Chào cờ, hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Nguồn: bienphong.com.vn

Không chỉ ngân vang trong lòng dân tộc, Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam - còn góp tiếng nói chủ quyền trong mọi sự kiện trọng đại của đất nước. Năm 1945, lần đầu tiên, Tiến quân ca được cất lên trong hoạt động đối ngoại của nước ta, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì. Đó là cuộc gặp gỡ, tiếp xúc diễn ra sáng ngày 26/8/1945 giữa đồng chí Võ Nguyên Giáp với tư cách là Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam và Thiếu tá Archimedes L.A. Patti - Trưởng Phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ vào Bắc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải cứu các tù binh Đồng Minh bị quân Nhật bắt giữ và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật. Đây là cuộc giao thiệp đầu tiên giữa đại diện của Chính quyền cách mạng Việt Nam và lực lượng quốc tế, cụ thể là phái bộ Mỹ đến Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Lễ chào cờ này cũng được xem là nghi lễ ngoại giao đầu tiên của nước ta.

Viết về nhạc sĩ Văn Cao khi ông qua đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi: "Chúng ta vô cùng nhớ tiếc người nghệ sĩ tài ba xuất chúng. Những tác phẩm của anh, đặc biệt là bài Quốc ca, những bài ca hùng tráng, những bản nhạc trữ tình, sẽ sống mãi với thời gian, với dân tộc, như một điểm sáng trong nền nghệ thuật Việt Nam".

Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định, tài năng sáng tác của Văn Cao cũng như thành tựu nghệ thuật của ông, đặc biệt là bài hát Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam - đã làm giàu có thêm cho kho tàng nghệ thuật dân tộc.

80 năm đã trôi qua, Quốc ca đã khẳng định sức sống mãnh liệt, gắn liền với sự kiện trọng đại của dân tộc, trở thành bài ca của cả dân tộc. Quốc ca như biểu tượng thiêng liêng về Tổ quốc Việt Nam và tiếp tục vang mãi như lời hiệu triệu non sông. Bài ca đã và sẽ mãi mãi là tài sản vô giá của nhân dân Việt Nam.

Quốc ca - hơn cả một tác phẩm nghệ thuật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022