Tác phẩm về những phận người vùng quê Nam bộ dựa trên truyện ngắn Chiều vắng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Trần Mỹ Trang, Hoàng Thái Thanh viết kịch bản, Ái Như - Thành Hội đạo diễn.
Nửa đời ngơ ngác là tác phẩm cuối trong chương trình tái diễn 10 kịch mục tiêu biểu của Hoàng Thái Thanh, trước khi sân khấu này ngừng diễn vở cũ, chuyển sang phương thức chỉ diễn từ một đến hai vở mới trong năm, từ tháng 9 năm nay.
Trích đoạn "Nửa đời ngơ ngác". Tác phẩm ra mắt khán giả lần đầu năm 2010, được diễn nhiều nhất, có số lần thay diễn viên cao nhất tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Video: Hoàng Thái Thanh
Công diễn lần đầu năm 2010, sau hơn một thập niên, vở gây ấn tượng với khán giả nhờ dàn diễn viên thực lực. Hồng Ánh tỏa sáng với vai Út Lê, Ái Như tròn vai bà Hai vừa đáng thương vừa đáng trách, Nghệ sĩ ưu tú Hạnh Thúy mang lại tiếng cười trong vai Lan Dẹo. Trí Quang giữ vai Tư Nhớ.
Út Lý là nhân vật mấu chốt. Cô vừa giúp sức cho mối tình của chị, vừa phải làm trọn đạo hiếu, hết lòng chăm lo cho Tư Nhớ ròng rã 15 năm trời. Đầu tác phẩm, Út Lý là cô gái 23 tuổi có tâm hồn ngây ngô, khác hẳn với người chị đảm đang, chịu khó. Biết mẹ giận Hai Lê, cô thường xuyên trốn mẹ qua nhà thăm chị. Lý thầm thích Hết (Ngọc Tưởng) và được anh đáp lại. Khi biến cố ập tới, cô quên đi tình riêng, thay Hai Lê chăm lo cho Tư Nhớ. Mất vợ lẫn con, anh đâm ra cộc cằn với mọi người, nhưng Lý không để bụng. Ngược lại, cô hay qua nhà nấu ăn cho anh và Lụm, đứa con nuôi của Tư Nhớ.
Lối diễn của Hồng Ánh mang lại tiếng cười ở phần đầu, nhưng trong những hồi về sau, cô khéo léo biến Út Lý trở thành vai có chiều sâu nội tâm. Nổi bật là trong trường đoạn nhân vật này cãi nhau với Tư Nhớ vì anh không quan tâm đến cảm xúc của cô. Út Lý đấu tranh tâm lý, tin tưởng bản thân có thể cảm hóa được trái tim sắt đá của người đàn ông căm phẫn mẹ mình. Ca khúc Chuyện đóa quỳnh hương do Hồ Quỳnh Hương thể hiện, nổi lên trong phân cảnh, khiến khán giả thương cảm tấm lòng người con gái.
Những suất diễn cuối của vở "Nửa đời ngơ ngác" liên tục "cháy" vé, khán giả ngồi kín khán phòng. Ảnh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh
Hai suất cuối - ngày 2 và 3/7, kịch "cháy vé". Sau khi hạ màn, diễn viên Trí Quang bật khóc cho biết: "Tôi buồn khi phải xa vai diễn đã gắn bó với mình trong 12 năm thăng trầm của sân khấu. Cái khó khi thể hiện nhân vật nằm ở cái tình mà Tư Nhớ mang đến. Nó không chỉ là tình cảm trai gái mà còn là tấm lòng với những người xung quanh".
Kết thúc suất chiều 3/7, toàn bộ đội ngũ diễn viên, nhân viên Hoàng Thái Thanh cúi đầu cảm ơn, hẹn một ngày sân khấu thành phố vượt qua khó khăn chung để các vở diễn có cơ hội tái ngộ khán giả.
Ái Như chia sẻ cảm xúc sau khi kết thúc suất diễn "Nửa đời ngơ ngác", đánh dấu sân khấu chuyển sang phương thức hoạt động mới, không còn diễn định kỳ. Video: Quế Chi
Quế Chi