Đến với Chuyện Xưa Chưa Kểtrong tâm thế luôn nghĩ bản thân đã bị giới truyền thông khai thác về mọi mặt, suốt hơn 1 tiếng đồng hồ, NSƯT Thành Lộc đã có những phút trải lòng về thương hiệu Ngày Xửa Ngày Xưa, về những trăn trở của mình với nghề và sân khấu kịch. Gần 50 năm gắn bó với nghiệp diễn, đằng sau ánh hào quang, sau vẻ ngoài sôi nổi là một "anh Thành Lộc" luôn hết mình trong từng vai diễn, luôn muốn thông qua những vở kịch của mình gửi gắm những thông điệp mang tính giáo dục dành cho khán giả nhỏ.

img2550-15375419219732126147845.jpg

Thương hiệu Ngày Xửa Ngày Xưa "chữ kí" của IDECAF

NSƯT Thành Lộc bắt đầu kể: Ngày Xửa Ngày Xưa xuất phát từ chương trình Chuyện Ngày Xưa. Lúc đó đài truyền hình muốn mời tôi về làm nhân vật kể chuyện. Nhận được lời mời, tôi nghĩ luôn đến việc rủ một vài nghệ sĩ cùng sát cánh để lập nhóm. Nếu có một nhóm cùng kể với mình, cùng hóa thân thành các con vật mà thiếu nhi yêu thích, các cháu sẽ nhớ và thương mình nhiều hơn. Từ đó mới có nhóm Líu Lo. Không ngờ các vở diễn của chúng tôi lại được các cháu thiếu nhi vô cùng yêu thích

Sau này, chúng tôi mới làm một chương trình lớn hơn và lấy tên là Ngày Xửa Ngày Xưa. Hồi đó mỗi lần diễn xong, các cháu thiếu nhi tràn lên sân khấu ôm mình, có cháu hỏi tôi: "Có phải chú là anh Thành Lộc không?", các cháu quen gọi tôi là "anh Thành Lộc" đến độ nó trở thành một cái tên chứ không còn là ngôi thứ nữa. Một khoảng thời gian rất dài cho đến bây giờ, mặc dù "anh Thành Lộc" không còn xuất hiện ở Ngày Xửa Ngày Xưa với tư cách người dẫn chuyện nữa nhưng đó vẫn là cái tên không thể thiếu trong chương trình này.

1-copy-1-15375416148201682801338.jpg

Tấm Cám là số đầu tiên của Ngày Xửa Ngày Xưa, đối với thiếu nhi lúc bấy giờ, đó là một sân khấu vô cùng hoành tráng. Thời điểm đó, không chỉ có Tấm Cám nhưng vì nó là chuyện cổ tích Việt Nam lại rất vui nhộn nên dễ để các cháu nhớ hơn. Chứ chúng tôi có rất nhiều vở mà nội dung kịch bản hay hơn, dàn dựng hoành tráng và cũng được khán giả yêu thích nhiều không thua gì Tấm Cám, chẳng qua vì ấn tượng ban đầu thường rất sâu đậm. Bây giờ nhìn lại tôi vẫn nghĩ nếu có cơ hội mình sẽ làm Tấm Cám hay hơn chứ hồi đó mọi thứ hồi đó còn thô sơ lắm. Thực ra diễn cho trẻ con nên chúng tôi cũng làm có chừng có mực, trong một cái phạm vi có thể cho phép để các cháu tiếp nhận nó một cách thẩm mỹ.

Tôi không phủ nhận chuyện Ngày Xửa Ngày Xưa hiện nay không còn được yêu chuộng như trước nữa, có lẽ là bởi, chúng tôi đang thiếu những kịch bản hay. Đặc biệt, chúng tôi cũng luôn thay đổi tiêu chí giáo dục của mình, có những số đi mạnh vào yếu tố giải trí cũng có những số tập trung khơi gợi sự xúc động và tính giáo dục. Mỗi số như vậy chúng tôi lại phải xác định độ tuổi khán giả và tôi nhận ra, các bậc phụ huynh mới là người đánh giá những chương trình của mình. Họ quên mất rằng, chương trình của chúng tôi là làm cho thế hệ trẻ con bây giờ chứ không phải các cháu đã lớn tuổi, và nếu thẩm định chương trình của chúng tôi qua góc nhìn của một người lớn tuổi thì quả là không công bằng. Dĩ nhiên, trách nhiệm của mình thì tôi vẫn nhận.

img2571-1537541986097413336264.jpg

"Nếu thẩm định chương trình của chúng tôi qua góc nhìn của một người lớn tuổi thì quả là không công bằng."

Với riêng cá nhân tôi, sân khấu thiếu nhi chỉ là 1 mảng trong hoạt động nghệ thuật của mình. Nơi hoạt động chính của tôi là Sân khấu Kịch IDECAF còn Ngày Xửa Ngày Xưa chỉ là một nhánh của nó mà thôi. Hằng đêm thì chương trình dành cho người lớn mới là hoạt động chính của sân khấu chúng tôi và chúng tôi vẫn có những vở diễn được dàn dựng vô cùng quy mô. Như mới đây tôi có làm vở nhạc kịch Tiên Nga chuyển thể từ thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Đó mới chính là một trong những sự đầu tư tâm huyết của những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp và là "chữ kí" của sân khấu kịch IDECAF.

Nghệ thuật mang tính giáo dục và sự sáng tạo

Với tư cách một khán giả, tôi thích những vở mang màu sắc thần thoại, phục trang, cảnh trí đẹp và có tính hài hước nhiều. Với tư cách người làm nghề, một trong những vai tôi thích nhất lại là vai Trần Quốc Toản trong Phù Đổng Thiên Vương. Chúng tôi làm vở này trong thời điểm rất nhạy cảm về vấn đề biên giới lãnh thổ và tôi muốn qua đó mình đưa được những bài học lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, nhân cách, phẩm chất người Việt cho các cháu. Thực ra các cháu cũng rất thích những vở kịch về nhân vật anh hùng,có múa kiếm, đánh trận, tất cả những thứ hun đúc trong các cháu cho chủ nghĩa anh hùng và bảo vệ tổ quốc.

1-copy-2-1537541614828919517382.jpg

Có một vở tôi cũng rất thích là Công Chúa Chích Chòe, và tôi cũng không ngờ vở kịch này lại được yêu thích đến vậy. Nhưng sau này nghĩ lại mới thấy nó là điều dễ hiểu bởi phong tục, tập quán người Hoa với người Việt đã là một thứ gì đó rất quen thuộc. Một điểm mà tôi đặc biệt thích ở vở kịch này là sự sáng tạo của trong vai diễn của mình. Nhân vật của tôi trong Công Chúa Chích Chòe luôn nói chuyện trong lúc nhai trầu. Thực chất, nhai trầu là một nét văn hóa đặc trưng của đàn ông người Hoa xưa, còn ở Việt Nam, các bà, các mẹ lại có thói quen này. Tôi mới quyết định đem cái dáng dấp của một người phụ nữ Việt Nam vào nhân vật khiến các cháu như bắt gặp chính bà của mình trong vai diễn.

Những kỉ niệm để đời cùng sân khấu kịch

Có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên với vở Tấm Cám. Lần đó, trong phân đoạn Cám thử giày, tôi buộc phải đi chân đất và không may dẫm phải một cây đinh rất dài trên sân khấu, khi nhìn lại thì một nửa cây đinh đã đâm vào chân tôi rồi. Dù đau nhưng tôi không thể để các khán giả nhí phải hoảng sợ và đành đứng im ngay một chỗ. Khi các diễn viên khác phát hiện ra, họ còn hoảng hơn tôi, tôi chỉ biết ra dấu để trấn tĩnh vì không muốn vở kịch của các cháu bị gián đoạn. Vừa diễn xong tôi để nguyên son phấn trên mặt, vội vàng chạy đi kiếm trạm xá để xử lý vết thương cho kịp về diễn nốt suất chiếu tối.

NSƯT Thành Lộc tiết lộ, từng đạp trúng đinh, tóe máu ngay khi diễn vở kịch Tấm Cám huyền thoại

Một lần khác, khi diễn vở Cậu Bé Rừng Xanh, tôi đã phải trải qua cảm giác thập tử nhất sinh. Nhân vật của tôi vừa hát vừa được cột tay trong sợi dây lụa, kéo bay lên cao, mà mỗi lần kéo lên thì cổ tay rất đau. Các anh chị trong đoàn xiếc dặn tôi đeo một dải băng bằng khăn lông mỏng để giảm độ siết của dây. Nhờ cách này, mỗi lần tập đều rất suôn sẻ nhưng đến ngày diễn tôi lại lo xa, cẩn thận quá nên đã mang thêm đến 2 dải băng. Kết quả, dải lụa không thể siết đủ độ chắc, cổ tay tôi bị tuột, cả người rơi xuống mặt đất từ độ cao 3 mét, may mắn là gáy không đập vào gờ sắt trên sân khấu. Phần lưng cũng nhờ đeo hộp pin nên không bị đập trực tiếp xuống sàn nhưng vẫn dập đến 3 đốt xương và có thể bị liệt vĩnh viễn.

NSƯT Thành Lộc kể về khoảnh khắc cận kề cái chết ngay trên sân khấu kịch

Ngay lúc đó tôi đã nghĩ đến việc giã từ sân khấu. Thậm chí trên đường tới bệnh viện tôi đã tính chuyển qua làm biên kịch hoặc đạo diễn, không thì thỉnh thoảng xin một vài vai diễn có nhân vật ngồi xe lăn. May mắn là tôi đã qua khỏi, và tôiluôn tâm niệm rằng mình phải lạc quan, chỉ cần không chết đã là may mắn rồi nên không việc gì phải nản lòng nếu mình bị liệt.

1-copy-3-15375416148332005073060.jpg

Có một kỉ niệm đáng nhớ khác là khi chúng tôi quyết định mở bán vé trực tiếp trên trang web của sân khấu kịch và không ít lần bị chính khán giả lừa, họ đặt rất nhiều vé nhưng giao đến đúng địa chỉ thì không có ai ra nhận. Chính vì sựa đùa giỡn này, chúng tôi buộc phải gác chương trình bán vé trực tuyến lại. Hơn nữa, tôi cũng thấy, bản thân mình cũng không giỏi trong những việc này.

Sự ra đi của Thanh Phương

Thanh Phương qua đời đối với chúng tôi là một sự một sự tổn thất lớn về tinh thần. Phương vào Sài Gòn từ con số 0, trở nên nổi tiếng, điều đó có sự cộng hưởng của những người bạn thân chí cốt từ thuở hàn vi. Việc Phương ra đi là một sự hẫng hụt đến nỗi một số kịch bản có Phương đóng, đến 5, 6 năm trời chúng tôi "giam" nó luôn, không dựng lại cũng không tìm người thay thế bởi vì chúng tôi không chịu nổi khi đứng trên sân khấu là một người khác.

NSƯT Thành Lộc nghẹn ngào nhắc đến sự ra đi của nghệ sĩ trẻ Thanh Phương

Có những vở chúng tôi nhờ Phương hát nhạc nền, dù đã lên sàn tập nhưng khi nhạc nổi lên, chúng tôi không thể diễn tiếp. Phương cũng là một cây bút mát tay, mọi kịch bản Phương làm đều rất thành công vởi Phương rất giỏi trong việc tạo ra những nhân vật rất gần gũi với các cháu thiếu nhi, đặc biệt trong ngôn ngữ thoại. Đến bây giờ nhiều vở chúng tôi vẫn không làm lại để cho kỉ niệm đẹp về Phương được yên ổn.

1-copy-5-15375416148411707463743.jpg

Đón xem phần tiếp theo của Chuyện Xưa Chưa Kể, số giao lưu với NSƯT Thành Lộc để nghe những trăn trở của nghệ sĩ về sân khấu kịch cùng thế hệ diễn viên trẻ vào ... trên kênh Youtube và Facebook page của Kênh14.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022