Mọi người an ủi nhau sau khi đám đông tăng vọt. Ảnh: Anthony Wallace/AFP.
Juliana Velandia Santaella (23 tuổi), sinh viên y khoa người Mexico, chụp bức ảnh các cô gái diện đồ hình quả chuối, xúc xích và khoai tây chiên trên đường phố Itaewon lúc 22h08 tối 29/10. Sau đó, cô quyết định về nhà và bước xuống con hẻm chật hẹp.
Santaella nhanh chóng bị chèn ép bởi đám đông đang từng chút một đẩy hàng trăm người xuống dốc của con hẻm - nơi sau đó trở thành tâm điểm của thảm kịch khiến ít nhất 154 người chết, 149 người bị thương.
Thương tích của Santaella, khiến cô phải đi cấp cứu và vẫn còn trong tình trạng suy nhược, cho thấy những gì có thể xảy ra trong cuộc giẫm đạp chết chóc, theo The Washington Post.
“Tôi nghĩ mình sẽ chết”
Santaella bị tách khỏi cô bạn Carolina Cano (21 tuổi) và bắt đầu thấy sức nặng của cơ thể người khác đè lên mình.
“Nhiều lúc, chân tôi không còn chạm đất nữa. Một người đàn ông bất tỉnh trên người tôi. Tôi không thể thở được”.
Santaella cố gắng hít thở nông bằng miệng khi phổi của cô bắt đầu có cảm giác như bị xẹp xuống. Những người xung quanh cô la hét để cầu cứu và gọi cảnh sát, nhưng sau đó, họ dần im bặt, cơ thể mềm nhũn đi.
Bị mắc kẹt trong biển người, Santaella chỉ có thể cử động cổ trong khi toàn thân bất động.
“Tôi thực sự nghĩ mình sẽ chết. Tôi hoàn toàn bị tê liệt. Tôi thậm chí không thể cử động ngón chân”, cô kể.
Người phụ nữ nắm tay một nạn nhân trong vụ giẫm đạp hôm 29/10 ở Seoul. Ảnh: Albert Retief/AFP.
Santaella buông xuôi cho đến khi một thanh niên đứng trên cao nắm lấy tay và lôi cô ra khỏi đám đông. Khi có thể chạm vào điện thoại, cô thấy lúc đó là 22h57.
Sau vài phút, Santaella bắt đầu có lại cảm giác ở chân. Quá nhiều cơ thể nằm bất động trên sàn nhà khiến cô không thể di chuyển.
Santaella được đưa về nhà, nhưng đến 30/10, cô bị sốt và phải nằm 4 tiếng trong phòng cấp cứu tại bệnh viện.
Santaella được chẩn đoán mắc chứng tiêu cơ vân, tình trạng đe dọa tính mạng liên quan đến chấn thương cơ và hoại tử, như trong trường hợp của cô là các tế bào ở chân bắt đầu chết đi.
Mô cơ giải phóng protein và chất điện giải vào máu, có thể làm tổn thương tim, thận, gây tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
Hôm 31/10, cơn đau của Santaella trở nên tồi tệ hơn. Một bên chân bị sưng tím khiến cô không thể đặt toàn bộ bàn chân xuống đất khi đi lại.
Thậm chí, Santaella vẫn đau nhói ở ngực nếu thở quá sâu.
G. Keith Still, chuyên gia về an toàn đám đông và giáo sư thỉnh giảng về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk (Anh), nói rằng ngạt thở là điều xảy ra đối với hầu hết người thiệt mạng trong đám đông.
Mất khoảng 6 phút để một người rơi vào tình trạng này nếu phổi của họ không còn chỗ để giãn nở.
“Mọi người không chết vì hoảng sợ, họ hoảng sợ vì mình sắp chết. Khi một người ngã xuống kéo theo cả đám đông sụp đổ như hiệu ứng domino”, ông nói.
Một cô gái sử dụng điện thoại gần hiện trường vụ giẫm đạp khiến ít nhất 154 người tử vong ở Seoul. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.
Theo lời kể của Santaella, nhiều người cố gắng đưa nạn nhân bất tỉnh đến bãi đất trống để thực hiện hô hấp nhân tạo. Tuy nhiên, một số không còn dấu hiệu của sự sống.
Santaella tìm thấy bạn của mình, Cano, người đã mượn điện thoại di động của người lạ để gọi cho cô. Cả hai gặp nhau trước ga Itaewon, nơi rất nhiều người thích tiệc tùng đã bắt đầu đêm Halloween của họ.
“Chúng tôi ôm nhau và khóc rất nhiều vì nghĩ rằng người kia đã chết. Thực sự là phép màu khi cả hai còn sống”, Santaella nói.
Bất lực
Trong số 154 nạn nhân thiệt mạng, 26 người là công dân nước ngoài.
Nathan Taverniti, người Australia sống sót sau vụ việc, cho biết bạn của anh, một cô gái 23 tuổi, đã không qua khỏi.
“Tôi không tin nổi mình còn sống sót. Tôi đã ở đó khi thảm kịch xảy ra. Tất cả những gì tôi có thể thấy là một bức tường người”, chàng trai bật khóc nói với Yonhap tại Bệnh viện Đại học Soonchunhyang - nơi chứa thi thể của một số nạn nhân đêm 29/10.
Taverniti day dứt vì không thể cứu được bạn mình. “Tình hình thật tồi tệ và có quá ít sự giúp đỡ”, anh nói.
Sau đêm kinh hoàng, Taverniti dành cả ngày chủ nhật để tìm kiếm thi thể của người bạn trong tuyệt vọng.
“Tôi không biết cô ấy ở đâu. Tôi không thể tìm thấy bất kỳ thông tin nào. Lãnh sự quán cũng không nắm được tung tích của cô ấy”.
Thi thể một nạn nhân được đưa ra khỏi hiện trường vụ giẫm đạp. Ảnh: Jung Yeon-je/AFP.
Taverniti lên án phản ứng chậm chạp của chính quyền Hàn Quốc. Anh cho biết mất nửa giờ để cảnh sát có mặt tại hiện trường và thậm chí lâu hơn nữa để các dịch vụ khẩn cấp khác đến.
“Tôi đã ở đó, khi bạn của mình nói rằng không thể thở được. Họ bị nghiền nát trước mắt và tôi không thể làm gì”, anh nói trong nước mắt.
Olivia Jacovic (27 tuổi), người Australia sống ở Seoul, cũng bị cuốn vào vụ giẫm đạp. Cô nói với Channel Nine về cách bản thân có thể thoát được.
“Tình huống lúc đó thực sự khó khăn. Tôi bị bầm tím cánh tay do cố gắng thoát ra ngoài. Tôi may mắn đứng ở bên lề của dòng người và đứng được lên trên bức tường gạch”, cô kể.
Jacovic nói thêm: “Mọi người không thở được. Những người thấp bé cố với lên để lấy chút không khí. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi đó. Tôi không quan tâm quần áo của mình đã bị rách”.
Theo Zing