Trưa 1/11, đại diện Cục cho biết sau quá trình xác minh, họ khẳng định ấn vàng Hoàng đế chi bảo - dự kiến sắp được đấu giá - là hàng thật. Vì vậy, Cục và các cơ quan chức năng mong muốn huy động mọi nguồn lực để đưa ấn về nước.

Theo Cục, việc hãng Millon thông báo dời ngày đấu giá từ 31/10 sang 10/11 là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp đưa cổ vật hồi hương. Việc hoãn này tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua trực tiếp. Ngoài ra, phương án khác là các cơ quan, tổ chức trong nước có thể quyên góp, tham gia đấu giá ấn, đưa về và hiến tặng cho bảo tàng. Mức giá chào bán trên website Millon là 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng).

"Quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, 'chảy máu' ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc...", đại diện Cục cho biết.

-8327-1667284497.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IuivGhzQFmuSTHEWBONeYQ

Ấn của vua Minh Mạng. Ảnh: Millon

Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), gây nhiều chú ý khi được Millon công bố sẽ đưa lên sàn đấu giá cuối tháng 10. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau đó gửi công văn tới Bộ Ngoại giao, phối hợp Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp để làm việc với nhà đấu giá.

Trước đó, Việt Nam đã đưa một số cổ vật hồi hương theo ba hình thức. Thứ nhất, cá nhân, tổ chức vận động quyên góp mua cổ vật và hiến tặng về nước, trong trường hợp chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978.

Thứ hai, cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng về nước như: Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh đưa về Huế năm 2015, mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình hồi tháng 4.

Thứ ba, chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép, như 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số hiện vật Đông Sơn nhận từ Mỹ.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là di sản văn hóa của Việt Nam, biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử, theo Cục Di sản Văn hóa. Trong cuốn Đại Nam thực lục, ấn được đúc vào ngày giáp thìn, mùng bốn tháng hai năm Minh Mạng thứ tư (tức 15/3/1823). Ấn có nuốm (quai) hình rồng cuốn hai tầng, vuông ba tấc hai phân, dày năm phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 280 lạng 9 đồng 2 phân (hơn 10 kg).

Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài... Đại diện Cục khẳng định Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn, đẹp, quý và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.

* "Ấn sắc mệnh chi bảo" - đúc năm Minh Mạng thứ 8 (1827)

Trong 143 năm lịch sử của nhà Nguyễn, có hơn 100 chiếc ấn được chế tác và đưa vào sử dụng. Ấn vàng gọi là kim bảo, ngọc là ngọc tỷ. Hiện nay, trong bộ sưu tập Kim ngọc bảo tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ, bảo quản, có 85 hiện vật. Đại diện Cục cho rằng hồi hương ấn giúp bổ sung vào bộ sưu tập, hoàn thiện nội dung trưng bày về triều Nguyễn của bảo tàng.

hai-co-vat-trieu-nguyen-ve-den-hue-1649776432.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GGydsByJbjYuFohSLsK4ow
Mũ quan triều Nguyễn được chuyên gia thẩm định

Các chuyên gia thẩm định mũ quan triều Nguyễn khi đưa về Bảo tàng cổ vật cung đình Huế hồi tháng 4. Video: Chíp Trần

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022