Vương Trọng dành nhiều tâm huyết, sự tôn kính để nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Chính Nguyễn Du đã đem lại nhiều cảm hứng sáng tác cho người hậu bối đất Nghệ - Tĩnh.
Một bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du - được đánh giá là nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Vương Trọng - đã vào sách Ngữ văn 9, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Bài thơ không quá sức với các em
* Thưa nhà thơ, chắc hẳn ông còn nhớ rõ cảm xúc của mình khi viết "Bên mộ cụ Nguyễn Du"?
- Mùa Xuân năm 1982, Quân khu 4 tổ chức hội diễn văn nghệ tại thành phố Vinh, tôi là người của tạp chí Văn nghệ quân đội nên được mời dự và có chuyến đi thăm nhà thờ và mộ cụ Nguyễn Du cùng ban tổ chức.
Nhà thơ Vương Trọng
Tôi là người yêu thương, mến phục và coi cụ Nguyễn Du như "người nhà mình", nên khi đến nơi thấy cả nhà thờ và ngôi mộ rất sơ sài, nằm giữa nghĩa địa của làng, thì rất chạnh lòng. Tôi cứ tưởng năm 1965, trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ thì mộ được tôn tạo rồi, không ngờ... Chúng tôi thắp hương, nhưng không có bình hương để cắm, đất trên mộ bị nén chặt, không cắm hương được, đành để nắm hương nằm trên đất mộ, chắp tay khấn vái và chụp ảnh lưu niệm.
Trở về Hà Nội, tôi dán tấm ảnh nhỏ đó lên tường, đối diện nơi ngồi làm việc, lòng buồn, và viết thành thơ.
Khi làm bài thơ này, tôi không có ý định đăng báo, nhưng khi đọc lại tôi thấy rằng nếu khổ cuối "sáng" hơn một ít thì cũng có thể đăng báo. Sau đó, bài thơ được in trên báo Văn nghệ quân đội, tạo nên dư luận sôi nổi và ngược chiều. Người thì khen bài thơ hay, nói lên một thực trạng cần phải khắc phục. Nhiều tổ chức đề nghị quyên góp nguyên vật liệu để xây dựng mộ đại thi hào. Người thì chê, bảo tôi nói xấu quê hương...
Hơn 40 năm có mặt, bài thơ này đã trải qua nhiều buồn vui, nhưng có một chuyện vui làm tôi nhớ mãi. Đó là lần trở lại thăm mộ cụ Nguyễn Du vào năm 1990, có một cụ già ngoài 80 tuổi đọc thuộc lòng bài thơ này cho chúng tôi nghe. Khi biết tôi chính là tác giả bài thơ, ông cụ rất ngạc nhiên, bảo: "Cứ tưởng ông phải già hơn, chứ răng mà trẻ thế này". Hỏi ra thì biết cụ ấy tên Nguyễn Ngẫu, người họ Nguyễn Tiên Điền.

* Tác phẩm xứng đáng để học, nhưng liệu rằng có "quá sức" với học sinh lớp 9 không, thưa ông?
- Như các nhà thơ khác, tôi vui khi bài thơ mình tâm đắc được đưa vào sách giáo khoa. Trước bài này, tôi cũng có ba bốn bài được chọn đưa vào sách giáo khoa, nhưng đều là thơ viết cho thiếu nhi như Gió từ tay mẹ, Chú thợ điện, Hội rừng…
Với bài thơ này, tôi nghĩ không quá sức với các em, vì nó không khó hiểu, thông điệp cũng không hề xa lạ với các em lứa tuổi 15. Trẻ con hiện nay trưởng thành sớm, và chúng thích quan tâm những vấn đề của người lớn. Trường cấp 2 chuyên văn có lần thi học sinh giỏi, đề ra yêu cầu phân tích một bài thơ mà em thích. Giải nhất thuộc về một nữ sinh lớp 6 và bài thơ em chọn là Khóc giữa chiêm bao của tôi, một bài thơ người lớn!
"Với bài thơ này, tôi nghĩ không quá sức với các em, vì nó không khó hiểu, thông điệp cũng không hề xa lạ với các em lứa tuổi 15" - Vương Trọng.
"Truyện Kiều" có 222 câu thơ tả cảnh
* Trong một bài báo, có đề cập đến trăn trở của ông về việc "Truyện Kiều" không được đưa vào trường học ngay từ cấp tiểu học để dạy học sinh yêu tiếng Việt. Với tư cách là người nghiên cứu kỹ về "Truyện Kiều", ông có đề xuất gì?
- Nội dung toàn bộ Truyện Kiều thì có thể không phù hợp với học sinh tiểu học, nhưng có thể trích được rất nhiều đoạn để dạy các em, nhất là các đoạn tả cảnh. Cũng cần lưu ý rằng, Truyện Kiều có 222 câu tả cảnh, thuộc phần sáng tạo riêng của Nguyễn Du, chứ không có trong Kim Vân Kiều truyện, như giáo sư Phan Ngọc từng khẳng định.
* Về "Truyện Kiều", có một nhà giáo nói rằng đến nay chúng ta vẫn chưa có những nghiên cứu xứng tầm với tác phẩm vĩ đại của dân tộc. Ông có đồng ý với nhận định này không?
- Tôi không dùng chữ "xứng tầm", vì với tuyệt tác Truyện Kiều, chả có người nào có thể viết bài xứng tầm được! Nhưng tôi nói rằng, Truyện Kiều vẫn đang còn nhiều thứ để các nhà nghiên cứu làm việc. Cụ thể, hiện nay có một số chữ trong Truyện Kiều không phải là chữ của Nguyễn Du, vì không có trong bất kỳ một bản chữ Nôm cổ nào. Người hiệu đính đọc không hiểu, nên đã thay bằng chữ khác, để bạn đọc quen với chữ khác đó.
Người sửa Truyện Kiều nhiều nhất là Kiều Oánh Mậu trong bản in năm 1902. Điều đáng nói là bản Kiều đó có ảnh hưởng rất lớn với các bản Kiều chữ Quốc ngữ xuất bản từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Các nhà nghiên cứu cần trả chữ của Nguyễn Du cho Truyện Kiều.

Một trang của bài thơ "Bên mộ cụ Nguyễn Du"
* Hình như ông đã gặp khó khăn khi chọn ra 50 câu lục bát hay nhất, là mẫu mực về vẻ đẹp của tiếng Việt trong "Truyện Kiều"?
- Mặc dù Truyện Kiều là một tuyệt tác, không có nghĩa là các câu đều hay như nhau, mà thực tế chúng có mức độ hay khác nhau. Tôi hơi ngạc nhiên vì sao xưa nay không ai chọn ra những câu thơ hay điển hình. Vì thế, tôi từng mạnh dạn chọn ra 50 câu Kiều hay nhất, và thu hẹp lại, thử chọn 10 câu hay nhất.
Sự thật có những câu Kiều rất hay, nhưng nếu mượn ý cổ thi chứ không phải do Nguyễn Du sáng tác, thì tôi không đánh giá là tuyệt tác, như câu " Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường" là Nguyễn Du đã phát triển từ một câu thơ cổ: "Thùy bả kim bôi phân lưỡng đoạn/ Bán trầm thủy để, bán phù không".
Mười câu tôi chọn gồm tả cảnh, tả tình, thế thái nhân tình, sự từng trải của tác giả… Mười câu không xếp hàng hơn, kém theo thứ tự: "Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng", "Một mình lưỡng lự canh chầy/ Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh", "Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi/ Thấy trăng mà thẹn những lời non sông", "Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con tạo xoay vần đến đâu", "Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa", "Đã đày vào kiếp phong trần/ Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi", "Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng", "Bốn phương mây trắng một màu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà", "Biết thân tránh chẳng khỏi trời/ Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh", "Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh".
Còn nhiều điều phải làm với những sáng tác của Nguyễn Du
* Nguyễn Du không chỉ có "Truyện Kiều", mà còn nhiều tác phẩm viết bằng chữ Hán xuất chúng, như ông đã dày công nghiên cứu và dịch. Quá trình này diễn ra như thế nào?
- Ngoài các tác phẩm chữ Nôm ra, Nguyễn Du còn có ba tập thơ chữ Hán với 250 bài. Thơ chữ Hán Nguyễn Du rất hay, nhưng ít được lưu truyền, vì các bản dịch ra quốc ngữ chưa hay. Lý do là thơ chữ Hán Nguyễn Du xưa nay phần lớn là do các nhà Hán học dịch, chứ không phải nhà thơ dịch. Hơn nữa, nhiều người câu nệ rằng thơ nguyên bản thất ngôn bát cú Đường luật thì dịch ra cũng phải thất ngôn bát cú Đường luật, nên bài thơ dịch thường bị gò ép, khô, rơi mất hồn thơ Nguyễn Du. Đó là lý do tôi dịch lại toàn tập thơ chữ Hán, phần lớn ra thơ lục bát, rồi đến thơ ngũ ngôn. Rất mừng là được nhiều người khen.

Cuốn "Tuyển thơ Vương Trọng"
* Ông thấy nhiệm vụ của mình với "Truyện Kiều" và Nguyễn Du đã hoàn thành chưa?
- Nhân câu hỏi của bạn, tôi nhắc lại một số việc tôi đã làm được với Nguyễn Du: Thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều khi học cấp 2. Viết bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du năm 1982, thành cú hích để xã hội tiến hành xây mộ và tôn tạo khu di tích Nguyễn Du. Xuất bản các cuốn sách Đố Kiều, bói Kiều và khảo luận, trao đổi (năm 2014), Truyện Kiều - Nguyễn Du: Ở trong còn lắm điều hay (năm 2018), Thơ chữ Hán Nguyễn Du (dịch)…
Bên cạnh đó, tôi còn phụ trách tiết mục Đố Kiều trên Đài Tiếng nói Việt Nam kéo dài hai năm 2008 - 2009. Khởi xướng và tổ chức Cuộc thi sáng tác văn tế đại thi hào Nguyễn Du và Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều. Kết quả có được 28 bài văn tế đã xuất bản và đến năm 2020 thì có thêm 40 người từ cuộc thi thuộc toàn bộ Truyện Kiều.
Thời gian tới tôi mong tìm hiểu được ý nghĩa các từ "thất lạc" của Nguyễn Du để đưa trở lại Truyện Kiều, chứ không muốn chấp nhận những từ do người đời sau nghĩ ra rồi gán cho tác phẩm.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Vài nét về nhà thơ Vương Trọng
Sinh năm 1943 tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Sáng tác thơ và văn xuôi.
Các giải thưởng tiêu biểu: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2007. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 với tập thơ Về thôi nàng vọng phu và năm 1997 với tập Mèo đi câu. Giải Nhất sách hay về Truyện Kiều với cuốn Truyện Kiều - Nguyễn Du: Ở trong còn lắm điều hay…