PGS.TS Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941 tại Huế, trong gia đình có truyền thống hiếu học. Là con trai thứ tư của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, ông không theo nghiệp của cha mà tới với khảo cổ, như một mối duyên tiền định.

Ban đầu, ông theo học ngành Sinh vật tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bước ngoặt cuộc đời xuất hiện năm 1964, khi ông được điều về Viện Khảo cổ học. Từ đó, ông gắn bó với nghề khảo cổ, đặc biệt là lĩnh vực cổ nhân học.

Nhờ nỗ lực không ngừng, năm 1980, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên được cử sang CHLB Đức học phục chế xương sọ, và đến năm 1988, tiếp tục theo học về cổ nhân học tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Trong hơn 50 năm công tác, PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã trực tiếp xử lý và nghiên cứu 1.093 bộ di cốt - con số đưa ông đến danh hiệu "người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ tại Việt Nam" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận.

Cuối năm 2024, ông còn cho ra đời cuốn sách "Bộ xương người nói với chúng ta điều gì?", tập hợp kết quả 24 công trình nghiên cứu về xương người trong suốt quá trình công tác.

PGS-TS-Nguyen-Lan-Cuong-2-1746-8250-5254-1746561524.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0difjUgKG1yP5u0DfMsiYA

PGS Nguyễn Lân Cường giới thiệu bộ xương sọ người tiền sử tại sự kiện công bố phát hiện khảo cổ năm 2018. Ảnh:PN

Trong ấn tượng của đồng nghiệp, PGS. TS Nguyễn Lân Cường là một người vui tính, hài hước, hay bông đùa. Ông chủ yếu nghiên cứu cổ nhân học, các hình thái người cổ, mộ cổ... "Trong quá trình nghiên cứu, cứ khi nào gặp mộ cổ, tôi lại mời bác Cường đến hợp tác để khai quật, bởi đấy là đam mê của Phó giáo sư", TS Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học nhớ lại. Sự kiện đầu tiên được TS Cẩn nhắc tới là phát hiện mộ cổ ở vườn đào Nhật Tân 20 năm trước.

Hầu như các cuộc khai quật mộ của những đơn vị nghiên cứu trong cả nước, đều có dấu ấn của PGS. TS Nguyễn Lân Cường. Ghi nhận về công việc của ông, người đứng đầu Viện Khảo cổ học cho rằng, "đóng góp của PGS. TS Nguyễn Lân Cường trong việc nghiên cứu cổ nhân học ở Việt Nam rất quan trọng".

"Những nghiên cứu về con người thông qua táng tục và sự thay đổi về nhân chủng các thời kỳ đã góp phần làm rõ lịch sử phát triển của dân tộc, cũng như phục vụ cho khảo cổ học", Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học chia sẻ.

Tình yêu lớn với cổ nhân

Năm 2018, tại di chỉ hang động núi lửa ở Krông Nô (Đắk Nông), nhóm nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã tìm thấy 10 di cốt người, trong đó có 3 bộ hoàn chỉnh cùng hàng vạn hiện vật đá, gốm, vỏ ốc biển, xương động vật... có niên đại cách đây 4.000-7.000 năm. Đây là lần đầu tiên xương người Việt tiền sử được phát hiện ở hang núi lửa.

TS La Thế Phúc, chuyên gia địa chất từ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài khai quật di chỉ khảo cổ hang động núi lửa ở Krông Nô, nhớ mãi về sự nhiệt huyết của người đồng nghiệp lớn tuổi: "Tôi rất ấn tượng với tinh thần làm việc của PGS. TS Nguyễn Lân Cường. Anh Cường không nề hà việc gì, luôn hăng say, hết mình, tận tụy với công việc nghiên cứu khoa học".

PGS-TS-Nguyen-Lan-Cuong-1-4697-1746561524.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MvOaVFVAwXXs3dbxcHkGdA

PGS. TS Nguyễn Lân Cường tiếp cận di cốt người tiền sử trong hang núi lửa ở Đăk Nông. Ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Đối với PGS. TS Nguyễn Lân Cường, mỗi cuộc khai quật là một hành trình truy tìm dấu vết tiền nhân. "Mỗi khi tìm được bộ xương của người xưa, tôi vui như được quà vậy", ông từng chia sẻ. Trong lần tiếp cận di cốt người tiền sử trong hang núi lửa ở Đăk Nông, ông kể: "Mắt tôi sáng lên khi thấy chiếc răng khôn đầu tiên, vài ngày sau là bộ xương người tiền sử - thứ mà hàng trăm năm nay không tìm thấy".

Niềm vui giản dị ấy là động lực để ông rong ruổi khắp các miền đất, từ đồng bằng đến cao nguyên, để rồi góp phần tái dựng nên bức tranh về người Việt cổ.

Những năm cuối đời, PGS.TS Nguyễn Lân Cường vẫn dành trọn tâm huyết cho khảo cổ. Cuộc khai quật cuối cùng ông tham gia là tại di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội), cuối năm 2024. Trên diện tích rộng 6.000 mét vuông, ông cùng một số trợ lý đã khai quật hết toàn bộ khu vực, phát hiện hàng trăm bộ xương các thời kì sơ sử.

Ngay cả khi đã lớn tuổi, PGS. TS Nguyễn Lân Cường vẫn trực tiếp lăn lộn trên công trường khảo cổ. "Trong giai đoạn làm việc tại Vườn chuối, bác Cường đau nên nhập viện và sau đó phát hiện ra bệnh ung thư dạ dày", TS Hà Văn Cẩn nhớ lại.

Trong ký ức của TS Hà Văn Cẩn, PGS.TS Nguyễn Lân Cường là đồng nghiệp đáng kính. Từ hồi còn đương nhiệm đến khi đã nghỉ hưu, PGS.TS Nguyễn Lân Cường vẫn luôn cống hiến hết mình cho khoa học. "Ở tuổi mà đáng ra phải nghỉ, bác Cường vẫn cố gắng làm việc như một cán bộ khảo cổ trẻ. Năng lượng tích cực kéo dài cho đến những phút cuối cùng", ông nói.

Ngoài khảo cổ, ông cũng là nhạc sĩ, làm phó chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiều năm, từng chỉ huy dàn hợp xướng trong nhiều chương trình nghệ thuật.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường để lại nhiều giáo trình, sách, công trình khoa học về khảo cổ và âm nhạc. Ông có hơn 70 tác phẩm âm nhạc, gồm hợp xướng và các ca khúc chủ yếu viết cho thiếu nhi.

Theo TS Hà Văn Cẩn, PGS. TS Nguyễn Lân Cường là một trong những người có đóng góp nhiều nhất về cổ nhân học tại Việt Nam, bởi không giống với các nhà nghiên cứu khảo cổ khác, cả đời ông dành hết thời gian và tâm huyết cho công việc này. Bên cạnh các công trình nghiên cứu, niềm đam mê với khoa học là di sản PGS. TS Nguyễn Lân Cường để lại.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, qua đời ở tuổi 84 ngày 6/5 sau thời gian chiến đấu với bệnh ung thư dạ dày. Lễ viếng được tổ chức hồi 13h30 ngày 8/5 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Trọng Đạt

  • PGS.TS Nguyễn Lân Cường qua đời
  • Những di vật trong hang núi lửa có xương người tiền sử ở Đăk Nông
  • Việt Nam lần đầu phát hiện xương người tiền sử ở hang núi lửa

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022