Người Trung Quốc có tục ngữ: "Chó đến nhà thì giàu, mèo đến nhà thì quý". Theo The Paper, tranh về mèo có trước thời Đường (618-907). Mèo (miêu) hài âm với từ chỉ người sống lâu, vì vậy hình ảnh con vật này mang ý nghĩa trường thọ, may mắn, trở thành đề tài tốt đẹp trong hội họa.
Tới thời Tống, tranh về hoa cỏ, động vật phát triển mạnh, đề tài mèo cũng phổ biến rộng rãi, đạt đỉnh cao trong lịch sử hội họa cổ đại. Dưới đây là một số tác phẩm nổi tiếng về mèo, được lưu giữ trong các bảo tàng trên thế giới.
Bức "Sĩ nữ đồ" của Chu Văn Củ (khoảng 907-975), hiện lưu giữ ở Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. Ông là họa sĩ cung đình thời Ngũ đại Thập quốc. Tác phẩm khắc họa cảnh mèo nằm dưới chân người phụ nữ đang đọc sách, dưới bóng râm cây ngô đồng. Trong tranh cổ, mèo thường được vẽ cùng bươm bướm, ngụ ý sống lâu.
Tranh "Phú quý hoa li" (Li là từ chỉ mèo thời cổ đại), miêu tả thú cưng dưới gốc cây mẫu đơn. Theo Ifeng, tác phẩm có từ thời Tống, không đề tên tác giả. Một số chuyên gia nhận định tranh của họa sĩ cung đình thời Tống Huy Tông (1082-1135). Bấy giờ, thú cưng trong cung thường được đeo dây màu đỏ, con mèo trong tranh mang đặc điểm này. Chú mèo được hình thành từ các nét bút thanh, mỏng, thể hiện bút pháp cao siêu của họa sĩ. Cùng loài bướm, thời xưa, mèo thường xuất hiện trong tranh với các loài mẫu đơn, cúc, đều biểu đạt không khí tươi vui, an bình, tốt lành. "Phú quý hoa li" hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Cố cung Đài Bắc.
Bức "Em bé chơi đùa ngày đông" cao gần 2 m, ngang khoảng 1 m. Tranh chỉ đề tên "Người Tống" nhưng phần lớn chuyên gia nhận định tác phẩm của Tô Hán Thần (1094-1172). Trang Sohu nhận xét gương mặt bé gái toát vẻ thông minh, lanh lợi, cả hai bé đều chăm chú nhìn mèo con, như đang điều khiển mèo làm theo ý mình. Làm nền cho con người là khung cảnh hoa mai, hoa trà, cây trúc, tảng đá. Tác phẩm sống động, gợi cuộc sống yên vui, sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ nhỏ.
Trong "Hán cung xuân hiểu" - một trong 10 bức họa cổ quý nhất Trung Quốc, họa sĩ Cừu Anh (thời Minh) khắc họa cảnh con mèo nằm trên bàn. Xung quanh, các phi tần, cung nữ chơi đàn, sưởi ấm, ngắm tranh, cắm hoa... Tác phẩm tái hiện cuộc sống ở hậu cung, mang không khí nhẹ nhõm, không hề nhuốm vẻ bi ai.
"Hán cung xuân hiểu" của Cừu Anh. Video: Bilibili
"Mèo dưới hoa", tranh của vua Minh Tuyên Tông (1399-1435), hoàn thành năm 1426. Tác phẩm miêu tả hai chú mèo dưới tảng đá và hoa cúc dại, mang phong cách nho nhã. Theo Sohu, Minh Tuyên Tông yêu mèo, vẽ nhiều tranh thú cưng, trong đó "Mèo dưới hoa" ở Bảo tàng Cố cung Đài Bắc nổi tiếng nhất.
Tác phẩm "Miêu trúc", dài 1,32 m, chiều ngang 63 cm, thuộc Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. Tranh của Thẩm Chấn Lân - một trong họa sĩ cung đình chủ chốt thời vãn Thanh. Tác phẩm khắc họa ba chú mèo chơi đùa trên tảng đá, trong khung cảnh đào, trúc đan xen.
Nghinh Xuân