Trong thế giới của điện ảnh từ lâu vốn được chia ra làm hai loại chủ yếu là phim điện ảnh và phim truyền hình. Những khái niệm màn ảnh rộng, màn ảnh nhỏ cũng từ đây mà thành. Theo dòng phát triển của thời đại, công nghệ, những thói quen sinh hoạt và giải trí của khán giả cũng đa dạng và thay đổi dần. Không chỉ có phim chiếu rạp và phim chiếu tivi nữa mà nhiều hình thức khác sinh ra ví dụ như phim chiếu online (web drama).

Ở Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây, phim truyền hình Việt không thực sự tạo được những hiệu ứng mạnh mẽ. Phim vẫn được sản xuất đều đều nhưng thị trường đầu tư không còn nhộn nhịp nữa. Đối tượng theo dõi chủ yếu là các bà nội trợ, những người xem tivi để giết thời gian chứ chả buồn bàn tán hay háo hức vì bộ phim. Nếu có, cũng rất ít.

5-231868-1499153316704.jpg

Bảo Thanh và NSND Lan Hương của Sống chung với mẹ chồng

Đứng trước sự thay đổi đó, chúng ta hay đổ lỗi cho công nghệ. Cho những phương tiện giải trí tiện lợi, đa dạng đã đánh mất thói quen ngồi trước tivi để xem phim. Chỉ đúng một phần. Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử được phát sóng thời gian qua đã chứng minh điều đó. Hai bộ phim được chiếu cùng thời điểm, không phải là dịp hè, còn chiếu xuyên suốt mùa thi nhưng tỉ lệ bạn xem đài vẫn rất cao, lượt người quan tâm trên mạng xã hội và các kênh truyền thông cực kì lớn. Bởi đơn giản một điều, bản thân điện ảnh có sức hút của riêng nó. Thời đại, công nghệ có thay đổi cỡ nào thì người ta vẫn muốn bật tivi khi có phim hay.

Tất nhiên cả hai bộ phim trên đều còn rất nhiều những điểm yếu để có thể tung hô hay ca ngợi. Nhưng, việc chúng lôi kéo được khán giả cũng như cảm tình của số đông chính là thành công lớn nhất mà bộ phim nào cũng muốn. Bởi chẳng có chuẩn mực nào để nhận định phim hay hay dở, nên Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử thế đã là niềm ao ước của rất nhiều phim truyền hình Việt hiện tại.

screen-shot-2017-06-30-at-9-26-12-pm-149

Hiện tại Sống chung với mẹ chồng đã kết thúc, và dư âm của nó cũng đang dần hạ nhiệt. Không thể phủ nhận từ khi phim tạo được cơn sốt, không chỉ khán giả mà cả các nhà làm phim, nhà sản xuất cũng cảm thấy hứng khởi hơn hay nói cao xa hơn là tất thảy đều cảm thấy phim truyền hình Việt đang khởi sắc. Chúng ta, những khán giả luôn có nhu cầu xem phim, không nên giết chết sự hứng khởi đó của chính chúng ta bởi những nhận định mang tính lý trí thái quá. Bởi ai mà chẳng biết chỉ với một hai phim gây sốt thì không có nghĩa cả một ngành công nghiệp phim truyền hình sẽ thay đổi. Nhưng hy vọng chẳng bao giờ là sai, huống hố đó là một hy vọng tích cực.

Tuy nhiên, khi bộ phim đã hết cũng là lúc không chỉ chúng ta mà chính những đơn vị sản xuất nên đối diện với những thách thức của hiện thực. Vấn đề kịch bản và chủ đề của một bộ phim là cực kì quan trọng. Sở dĩ Sống chung với mẹ chồng (hay cả Người phán xử) tạo ra được sức hút là bởi kịch bản của phim khác với trước đây.

Câu chuyện mẹ chồng nàng dâu thì đã quá quen thuộc trên màn ảnh, nhưng mang nó ra để đào sâu nhiều khía cạnh, thậm chí là tạo ra sự cường điệu, quá quắt lại chính là điểm cộng rất lớn của bộ phim này. Đây là dạng phim chủ đạo của điện ảnh Hong Kong nhưng với Việt Nam vẫn là dạng "hiếm khi" nên lúc nó xuất hiện, khán giả sẽ hào hứng.

maxresdefault-1499154001637.jpg

Vấn đề diễn viên cũng là một điều đáng bàn. Những nhà đầu tư và số đông khán giả hay nhận định rằng phim có ngôi sao thì mới có tiền. Không sai nhưng cũng chỉ là một phần vấn đề, là bề nổi mà những người bán vé nhìn vào trước tiên. Thế nên mới có chuyện các diễn viên ngôi sao, những người đẹp chỉ đổ xô đi đóng phim điện ảnh vì kiếm tiền nhanh, nhiều còn những diễn viên truyền hình thì luôn phải xếp hàng "chiếu dưới".

Trong tình trạng chật chội đó và không có nhiều gương mặt thực lực được khai quật, dần dần sẽ sinh ra phản ứng ngược. Khi đã quá nhàm chán với những nhan sắc "bình hoa di động" trên màn ảnh rộng đến mức bão hòa, khán giả cảm thấy được "cứu rỗi" khi bật tivi và xem những người biết diễn xuất dù những người này đã quen sóng từ rất lâu rồi. Nếu các hãng phim biết phát triển phần này thì cũng là một thế mạnh.

20170515144118-a-wsln-1499154155286.jpg

Cũng phải công nhận sự cố gắng của nhà sản xuất VFC khi quyết định đổi mới cách tiếp cận (qua fanpage, các clip phim được tung ra liên tục) cũng như tương tác rất nhịp nhàng với người xem. Điển hình chính là tiểu phẩm cross-over giữa Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử hay việc bộ phim được quay thêm để đáp ứng nguyện vọng của người hâm mộ. Với những điều đó, cả khán giả lẫn giới làm phim nói chung đều thực sự cảm thấy phấn khởi và tin rằng đã đến lúc thời hoàng kim của phim truyền hình quay lại.

Nhưng, vấn đề chiến lược cũng quan trọng không kém. Việc tận dụng cơn sốt "mẹ chồng" để quảng bá những phim tiếp theo của VFC như Giao mùa (có NSND Lan Hương đóng - phát sóng lúc 20h45 thứ 2-3-4 trên VTV1) hay Những người nhiều chuyện (có nhiều vấn đề thức thời - phát sóng 20h45 thứ 5-6 trên VTV1) là chuyện nên làm và cũng đã làm. Nhưng rõ ràng khó lòng tạo ra cơn sốt mạnh như Sống chung với mẹ chồng một lần nữa. Nếu nhà sản xuất tính được chuyện lâu dài, mạnh dạn thực hiện nhiều hơn những tác phẩm cùng dạng phim kịch tích, dễ xem, dễ bàn tán để trám vào liên tục thì chừng đó mới dám hy vọng lớn. Khi đã ổn định được lượng người quan tâm rồi thì mới hẵng tính đến chuyện phân nhánh đối tượng. Vì không muốn cũng phải thừa nhận phim truyền hình Việt bây giờ giống như ở giai đoạn đầu của kiến thiết, mọi thứ đều phải được xây dựng từ đầu.

00dcd38d60a75eb95f5909b4626e060e-1499154

Hiện tại Người phán xử vẫn còn phát sóng, lượng người xem ngày càng tăng nhưng gánh nặng trên vai cũng rất lớn. Nhà sản xuất sẽ phải cật lực hơn trong công tác truyền thông để giữ nhịp độ cho phim, khi mà người bạn đồng hành với nó đã xong nhiệm vụ.

Cách đây không lâu, VFC cũng đã phát sóng bộ phim Bước nhảy hoàn vũ bị hoãn lại từ 3 năm trước. Quyết định về thời điểm lên sóng của bộ phim chắc chắn có liên quan đến hai cơn sốt "mẹ chồng" và "phán xử", để tận dụng lượng khán giả xem đài tăng đột biến. Nhưng thực tế đã chứng minh sức sống của Bước nhảy hoàn vũ rất le lói. Đơn giản vì bản thân bộ phim không hấp dẫn.

img-0865-1499154518917.JPG

Vào ngày 3/7 vừa qua, hãng phim truyện đài truyền hình Tp.HCM (TFS) cũng vừa trở lại với bộ phim Lẩn khuất một tên người sau 3 năm vắng bóng trên sóng. Bộ phim được chiếu vào khung giờ vàng 22h thứ 2-3-4 trên HTV9, với nhiều diễn viên quen thuộc với khán giả phía Nam như Thanh Thức, Huỳnh Trường Thịnh... cùng một kịch bản nhiều kịch tính hứa hẹn hấp dẫn. Sự trở lại của TFS khiến nhiều khán giả cảm thấy hoài niệm bởi hãng phim này từ trước đã là một bảo chứng về chất lượng.

Cũng tương tự như Bước nhảy hoàn vũ, Lẩn khuất một tên người được khởi quay từ nhiều năm trước nhưng đến bây giờ mới phát sóng âu cũng là vì cơn sốt mang tên Sống chung với mẹ chồng. Việc bộ phim có tạo được sự quan tâm hay không vẫn chưa thể đánh giá nhưng nhìn địa phận phim truyền hình đang dần nhộn nhịp trở lại là một tín hiệu rất đáng mừng.

Như đã nói, thách thức dành cho sứ mạng "khôi phục phim truyền hình Việt" vẫn còn rất nhiêu khê nhưng động thái của các hãng phim dành cho việc này là có thể nhìn thấy được. Quan trọng hơn hết chính là sự hứng khởi khiến ai cũng muốn "chuyển động". Hy vọng các hãng phim sẽ mạnh tay hơn, quyết liệt hơn và dũng cảm hơn chứ đừng lâu lâu mới lại tung ra một quả bom như Sống chung với mẹ chồng hay Người phán xử rồi lại quay về con đường an toàn xưa cũ. Chẳng thể nào đổ lỗi cho khán giả thờ ơ trong khi chính những hãng phim đôi lúc lại cố tình không hiểu khán giả cần gì.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022